Góc nhìn

Hải Dương chỉ rõ việc chậm để chống lãng phí

HOÀNG LONG 05/11/2024 05:10

Tiến độ thực hiện các công việc chậm là nguyên nhân dẫn đến lãng phí. Để chống lãng phí cần đẩy nhanh tiến độ, giải quyết triệt để hạn chế ở các lĩnh vực với từng việc cụ thể.

00:00

cang-noi-dia-hai-duong(1).jpg
Dự án Đầu tư xây dựng cảng nội địa Hải Dương của Công ty CP Giao nhận kho vận Hải Dương (TP Hải Dương) bị chấm dứt một phần do không khai thác hiệu quả quỹ đất

Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ về phòng chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng thời Ban Chỉ đạo có tên mới là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Việc trên cho thấy quyết tâm mới đẩy lùi nạn lãng phí của Đảng.

Trước đó, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết “Chống lãng phí”. Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng chống lãng phí trong bối cảnh hiện tại nhằm khơi dậy sức dân và tăng cường nguồn lực cho đất nước. Công tác phòng chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách. Đồng chí Tổng Bí thư đánh giá lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.

Ở Hải Dương cũng có những việc cho thấy sự lãng phí. Từ năm 2023 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành trong tỉnh kiểm tra, rà soát, đánh giá và phân loại các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm đúng quy định. Qua 2 đợt rà soát gần 2.000 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, cơ quan chức năng của tỉnh đã xác định 276 dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định. Cùng với các dự án đầu tư cấp tỉnh, 750 dự án đầu tư của các hộ kinh doanh do UBND cấp huyện chấp thuận đầu tư cũng được kiểm tra. Qua đó xác định 155 dự án chậm tiến độ, tồn tại vướng mắc cần giải quyết, xử lý.

Sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2021, toàn tỉnh dôi dư 30 trụ sở công. Thực hiện phương án sắp xếp, xử lý, các địa phương giữ lại tiếp tục sử dụng; bố trí nơi làm cho các cơ quan, đơn vị khác; điều chuyển cho trường học, xây dựng nhà văn hóa, khu di tích lịch sử văn hóa hoặc bán đấu giá. Tuy nhiên, không ít trụ sở khi chuyển đổi sử dụng còn chưa phát huy hiệu quả, công năng. Việc đấu giá các trụ sở dôi dư tạo nguồn lực phục vụ phát triển ở địa phương rất chậm. Giai đoạn 2023-2025, Hải Dương có 56 đơn vị hành chính cấp xã diện sắp xếp, sáp nhập. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh sẽ dôi dư 28 trụ sở. Dù đã có phương án dự kiến nhưng việc sử dụng hiệu quả các trụ sở dôi dư dự báo thời gian tới cũng còn khó khăn, kéo dài…

Bài viết “Chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra 4 giải pháp trọng tâm phòng chống lãng phí. Nhanh chóng quán triệt, thực hiện nghiêm túc những định hướng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ngày 1/11/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương có thông báo kết luận về tăng cường thực hiện công tác phòng chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện công tác phòng chống và xử lý lãng phí. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu báo cáo kết quả chỉ đạo xử lý các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp triển khai chậm tiến độ, không bảo đảm quy định trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/11/2024. Quyết liệt chỉ đạo thực hiện và tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án đầu tư công, các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn 2024 được giao. Hiện nay, tiến độ đầu tư công còn chậm, hết tháng 10, ước luỹ kế thanh toán vốn của tỉnh mới đạt gần 40% so với kế hoạch.

Ngày 14/10, tại phiên họp lần thứ 7, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cũng đã giao Sở Tư pháp rà soát tiến độ tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các sở, ngành; xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong việc chậm tham mưu ban hành văn bản pháp luật dẫn đến chậm triển khai các chính sách mới của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, chậm giải phóng, bàn giao mặt bằng; chậm thực hiện các dự án; chậm giải ngân vốn đầu tư; chậm xử lý trụ sở dôi dư; chậm triển khai các chính sách mới… đang là những nguyên nhân trực tiếp gây lãng phí.

HOÀNG LONG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương chỉ rõ việc chậm để chống lãng phí