Khắc phục khó khăn, bất lợi vì điều kiện làm việc về đêm, nhiều kỹ sư, công nhân vẫn hăng say chong đèn trên công trường, chạy đua trong giai đoạn nước rút, để các công trình trọng điểm ở Hải Dương có thể về đích đúng hạn.
Công trường những đêm không ngủ
Những ngày đầu đông, cái nắng hanh cháy da, rát má nhường chỗ cho từng cơn gió mùa đông bắc ùa về. Thời tiết thay đổi đột ngột đến ngỡ ngàng, mọi người tất tả tìm cách thích nghi. Ai cũng muốn nhanh chóng xong việc để về nhà, tránh cái rét khi trời đã tối đen. Thế nhưng, công trường thi công gói thầu số 14 dự án đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện (giai đoạn I) vẫn sáng đèn. Công nhân tranh thủ từng giờ, từng phút để thi công. Nhiều ngày nay, không khí ở đây vẫn luôn nhộn nhịp như thế bất kể ngày hay đêm.
Cuối năm, áp lực công việc trên công trường lớn khi tiến độ thúc sau lưng, các nhà thầu đều phải bố trí tăng ca.
Trời vừa nhập nhoạng tối, anh Vũ Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng công trường đã tất bật đi kiểm tra, xem xét các hạng mục đã thực hiện và động viên anh em thay ca. 17 giờ kết thúc ca ngày song nhiều công nhân vẫn hăng hái làm thêm giờ để công việc không bị dang dở. Nắng gió công trường khiến anh Tuấn trông già dặn, chững chạc hơn cái tuổi gần 40. Đã 15 năm rong ruổi khắp trong Nam, ngoài Bắc theo những công trình lớn nhỏ, anh Tuấn thấm thía hết nỗi vất vả của công nhân xây dựng. Môi trường làm việc ngoài trời dãi nắng, dầm mưa rồi ăn uống, sinh hoạt tạm bợ đòi hỏi người công nhân phải có sức khỏe dẻo dai và sự kiên trì. Những ca làm việc đêm càng khó khăn, vất vả hơn vì những đặc thù riêng.
Ngày đông, trời nhanh tối. Mới 18 giờ, công trường thi công gói thầu số 14 đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện đã sáng loáng ánh đèn. Công trường giữa cánh đồng lớn nên gió rít càng dồn dập hơn. Trong khung cảnh này, những công nhân trông lại càng nhỏ bé, lỏm loi hơn. Họ cần mẫn, mỗi người một công, một việc, phối hợp nhịp nhàng. Chỉ tay về phía tốp công nhân đang rải cấp phối đá dăm, anh Tuấn cười nói: “Hôm nay, họ đã làm việc suốt 8 tiếng đồng hồ mà vẫn đề nghị làm thêm tới đêm để hòm hòm công việc mới yên tâm về nghỉ ngơi. Thợ lái máy còn không rời buồng máy đi ăn tối vì sợ mất thời gian, không làm kịp việc để công nhân phía sau phải đợi. Do đó, anh em phải đưa cơm tới tận buồng lái”.
Gói thầu số 14 chiếm khối lượng công việc lớn của dự án đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh nên càng về cuối năm, không khí lao động càng hối hả, khẩn trương. Để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã huy động 50 công nhân, kỹ sư cùng hơn 20 đầu máy chia 3 mũi thi công làm việc ngày đêm. Nhà thầu bố trí thiết bị chiếu sáng phục vụ thi công khi trời tối, bảo đảm điều kiện cho công nhân làm việc an toàn, hiệu quả.
Công trường thi công cầu Bắc Hưng Hải được ví là nơi không có đêm vì ở đây đêm luôn sáng đèn. Để kịp khớp nối dự án đường trục Đông-Tây, Công ty CP Đầu tư xây dựng số 18 đã dồn lực thi công suốt mấy tháng qua. Nhà thầu tập trung 70 kỹ sư, công nhân chia 5 mũi thi công, rốt ráo hoàn thành các hạng mục.
Cầu vượt sông Cái (Tứ Kỳ), bao quanh là sông nước và cánh đồng sau vụ gặt hoang vu. Tìm tới đây lúc ban ngày còn khó vì đường ngoằn ngoèo, huống hồ chúng tôi lại đến buổi đêm. Công trường về đêm cũng khác hẳn ban ngày, ánh sáng từ đèn cao áp lấp loáng mặt sông. Công nhân cặm cụi làm việc, tiếng máy khoan, máy cắt, máy hàn rộn rã. 20 giờ 30 là thời điểm tan ca 3 và đã thấm mệt vì làm việc nặng nhọc suốt 8 giờ đồng hồ nhưng ông Bùi Đăng Tuynh vẫn ở lại hỗ trợ anh em làm sắt. Vừa nhanh tay uốn sắt, ông Tuynh vừa nói: “Những người làm ca từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau sẽ mệt, vất vả hơn nên tôi cũng muốn đỡ đần anh em được việc gì hay việc đấy”.
Ông Tuynh quê ở Thái Bình và đã gắn bó với nắng gió công trường gần 40 năm nên đã quen thức đêm, làm khuya. Khi mới biết tin được tham gia thi công cầu Bắc Hưng Hải, ông rất phấn khởi vì công trường chỉ cách nhà hơn chục cây số, có thể tranh thủ về thăm người thân, gia đình. Nhưng gần 9 tháng làm việc tại đây, số lần ông về nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi nhiều ngày nay, nhà thầu luôn duy trì 3 ca, 4 kíp/ngày để tăng tốc thi công. Công nhân phải xoay ca liên tục. Hầu hết công nhân đều ở lại công trường để chủ động khi được giao việc đột xuất. “Dù đã quen việc song thi công vào ban đêm có hạn chế nhất định, nhất là về tầm nhìn. Ánh sáng từ đèn điện không thể bằng nguồn sáng tự nhiên nên việc quan sát khó hơn, đặc biệt thi công trên sông nước cũng phải cẩn thận hơn”, ông Tuynh chia sẻ.
Về đích
Trước áp lực về tiến độ, thời gian, những công nhân tham gia thi công trên các công trình trọng điểm của tỉnh đều nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ca ngày nối tiếp ca đêm, tất cả vì mục tiêu sớm bàn giao công trình, đưa vào sử dụng. Do vậy dẫu có vất vả thì tinh thần của công nhân vẫn phấn chấn, hăng hái.
Dù khởi đầu có phần trắc trở vì vướng mặt bằng nhưng giai đoạn về sau, khối lượng thi công đường dẫn cầu Đồng Việt (Chí Linh) thay đổi theo ngày. Nếu như được thời tiết ủng hộ, dự kiến công trình có thể về đích trước hạn. Đóng góp vào kết quả này là sự cố gắng không ngừng nghỉ của những người trực tiếp thi công. Anh Nguyễn Văn Kiên, Chỉ huy công trường phấn khởi nói: “Ban đêm, công trường còn sôi động, tấp nập hơn ban ngày vì nhà thầu huy động được thêm máy móc, thiết bị từ nơi khác về. Công nhân cũng không ngại khó, chia sẻ, đồng hành cùng nhà thầu trong thời điểm nước rút này. Nhiều anh em làm việc quên ăn, quên ngủ, thậm chí còn sẵn sàng hỗ trợ khi cần dù đã hết ca”.
Tranh thủ vài phút giải lao ngắn ngủi, ông Vương Văn Đại phụ trách lái máy lu ở công trình đường trục Bắc-Nam huyện Thanh Miện chỉ kịp khoe với mấy công nhân làm cùng là hôm nay được lên chức ông nội, rồi lại nhanh chóng lên buồng máy tiếp tục công việc. Nhà ông chỉ cách công trường vài cây số nhưng vì đang gối ca, ông chưa thể về nhà để thăm cháu ngay. Ông nói khi nào công việc xong xuôi sẽ xin nghỉ phép để về với con cháu, còn giờ không thể vì việc cá nhân mà ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung. Nói rồi ông lên máy lu, bật đèn pha soi đường. Ánh sáng từ đèn xé toang cái tối, cái lạnh của đêm đông để anh em công nhân tiếp tục làm việc…
Những công trình trọng điểm trong tỉnh đều đang tăng tốc thi công để kịp tiến độ giải ngân. Thời điểm ban đêm đáng lẽ là thời gian được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động thì nhiều công nhân vẫn miệt mài trên công trường. Công trường ban đêm rực rỡ ánh đèn, công nhân không vì sức ép công việc mà mệt mỏi. Thay vào đó, họ làm việc với tinh thần hăng say, vì thu nhập và cũng vì những mục tiêu lớn lao hơn.
Đến ngày 31/10, Hải Dương đã giải ngân hơn 2.700 tỷ đồng, đạt 32,4% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 (hơn 8.400 tỷ đồng). Theo đánh giá của UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ ngày 8/11, Hải Dương cơ bản đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Tỉnh phấn đấu bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% trong năm 2023.
NGUYỄN MƠ-THÀNH CHUNG