Khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc được coi là trung tâm văn hóa lớn, hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa.
Di tích Côn Sơn
Trong 133 di tích xếp hạng quốc gia thì khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương) được coi là trung tâm văn hóa lớn, hội tụ và kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa. Chính nơi đây từng diễn ra những sự kiện trọng đại của đất nước; từng sinh thành, hun đúc những bậc hiền tài, lập nên nghiệp lớn.
Bởi vậy, vào mùa xuân, mùa thu hằng năm, lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc và ước nguyện của nhân dân mọi miền đất nước hướng về cội nguồn.
Nói đến Côn Sơn là nói đến một trong ba chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm (thiền phái mang tư tưởng tự cường dân tộc, phù hợp với tâm Phật tử) luôn gắn với Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang - ba vị tổ xác lập thiền phái và cũng là ba nhân vật lịch sử - văn hóa tiêu biểu của dân tộc.
Vốn là vùng "địa chung tứ khí", "đất tột cùng thiêng liêng", Côn Sơn nổi tiếng với nhiều địa danh: Đông Thanh Hư, núi Ngũ Nhạc (Ngũ Nhạc Linh Từ), núi Phượng Hoàng, U Bò, Thanh Mai, cầu Thấu Ngọc, Bàn cờ tiên, hồ Côn Sơn, hồ Bán Nguyệt, xóm Tiên Sơn, làng Chi Ngại… nằm trên 4 trái núi hội tụ cả bộ tứ linh long - ly - quy - phượng, ở giữa là hồ đã tạo nên thiên cảnh sơn thuỷ hữu tình, "thơm đến muốn nuốt", "xinh đến muốn ăn".
Từ thế kỷ XVII, Côn Sơn chùa nổi tiếng với hệ thống tượng pháp (nhất là bộ Tam thế) cùng những tấm bia quí hiếm (Côn Sơn tư phúc tự bia). Sau này, những địa danh trên còn được gắn với Nguyễn Trãi - linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới.
Vùng Kiếp Bạc (Vạn Kiếp xưa) với núi non trùng điệp, sông nước bao la và là phên giậu quân sự trọng yếu phía Đông Bắc (bởi núi Rồng, núi Nam Tào - Bắc Đẩu), lại có vị trí đặc biệt về giao thông (bởi hợp lưu của 6 con sông: sông Lục Nam, sông Thương, sông Đuống, sông Cầu, sông Kinh Thầy, sông Thái Bình, giao thương văn hóa, kinh tế các vùng trong cả nước).
Chính vùng đất này, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo (Tổng chỉ huy quân đội kháng chiến quân Nguyên Mông và trở thành vị Anh hùng dân tộc kiệt xuất, nhà chiến lược quân sự thiên tài) chọn là nơi đóng đại bản doanh, thái ấp và sống những năm tháng thanh bình. Sau này, khi Trần Hưng Đạo mất, nhân dân xây dựng đền thờ Kiếp Bạc có quy mô to lớn, hoành tráng với những trạm khắc tinh xảo được coi là những sản phẩm kiến trúc nổi tiếng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và luôn gắn tên tuổi của người danh tiếng.
Bây giờ, cả vùng Côn Sơn - Kiếp Bạc là quần thể di tích lịch sử - văn hóa kỳ vĩ, linh thiêng. Năm 1994, Ban quản lý di tích được thành lập, đã tổ chức nghiên cứu kế hoạch trùng tu, tôn tạo và bảo vệ an toàn. Chỉ sau 10 năm, quần thể di tích càng hoành tráng, thâm nghiêm. Ngoài khuôn viên khu di tích được mở rộng, thiên nhiên được bảo vệ, tiền đường chùa Côn Sơn, nhà bia, tòa Thiên hương, Thượng điện, Nhà tổ, tháp Huyền Quang (Đăng Minh Bảo tháp), tòa Tiền tế, đền Kiếp Bạc, tòa Trung từ, Tả hữu Thành các và sân đền Kiếp Bạc… được trùng tu tôn tạo.
Từ năm 2000 đến nay, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và UBND tỉnh Hải Dương, cùng với đền thờ Nguyễn Trãi, 22 hạng mục công trình được hoàn thiện như đền thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, Ngũ Nhạc Linh Từ (khánh thành vào ngày 13-2-2006, tức 16 tháng Giêng âm lịch, vào dịp khai mạc lễ hội mùa xuân). Đặc biệt, công tác bảo vệ giữ gìn ANTT được coi trọng. Đây là nhiệm vụ có nhiều khó khăn phức tạp trong quản lý khu di tích.
Nhiều năm liền, do mặt trái của cơ chế thị trường, khu vực di tích đã từng là nơi kinh doanh dịch vụ, lợi dụng không gian thiêng để hoạt động mê tín dị đoan, ép giá phục vụ thu lời bất chính, gây ảnh hưởng tiêu cực đến ANTT. Ban quản lý khu di tích đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức nhiều đề án bảo vệ an toàn.
Vào dịp lễ hội mùa xuân 2006, Côn Sơn - Kiếp Bạc là điểm đến của du khách cầu mong đất cường dân thịnh trong sự bình an nhớ về cội nguồn dân tộc. Vui hơn thế, xuân này quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc lại có thêm nét văn hoá mới - đó là lễ hội khánh thành công trình tôn tạo Ngũ Nhạc Linh Từ và đền thờ quan Đại tư đồ Trần Nguyên Đán - càng thêm tôn vinh chốn linh thiêng của nơi hun đúc hiền tài xưa..
(Nguồn : CAND)