Cho vay theo chuỗi liên kết sẽ mở ra hướng đi mới cho hoạt động tín dụng của các ngân hàng, tuy nhiên, việc này vẫn chưa khởi sắc.
Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương)
được vay theo chương trình liên kết sẽ đưa vào sử dụng từ đầu năm 2015
Nhiều chương trình lớnThời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng cho một số đối tượng vay mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có diện tích nhỏ, giá thấp. Đây là mô hình mới, trong đó ngân hàng cho vay ký hợp đồng liên kết với chủ đầu tư, nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu xây dựng để thực hiện các nghiệp vụ quản lý dòng vốn tín dụng được sử dụng đúng mục đích. Đã có 8 ngân hàng được chỉ định tham gia chương trình và tất cả các ngân hàng này đều đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ta, trong đó những ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank... Các ngân hàng đều cam kết sử dụng một nguồn vốn lớn, cấp các gói tín dụng không giới hạn với lãi suất thấp cho các dự án. Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương cho biết, chương trình sẽ có sự hợp tác giữa nhiều ngân hàng cùng tham gia tài trợ một chuỗi liên kết, gồm ngân hàng phục vụ chủ đầu tư, ngân hàng phục vụ nhà thầu, ngân hàng phục vụ nhà cung cấp nguyên, vật liệu xây dựng. Từ đó, dòng vốn trong lĩnh vực xây dựng sẽ được khơi thông, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay được vốn triển khai các dự án bất động sản, hạn chế tình trạng đầu tư dang dở, hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Đặc biệt, chương trình sẽ giúp hàng trăm gia đình có điều kiện mua nhà giá rẻ mà không phải quá lo lắng về kinh phí.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, NHNN cũng có quyết định về chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 5 - 3 - 2014 của Chính phủ. Đối tượng của chương trình là các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các hộ nông dân, HTX đại diện cho nông dân thực hiện ký hợp đồng liên kết theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp được NHNN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo các dự án cụ thể. Lãi suất cho vay đối với chương trình này khá ưu đãi, từ 7 - 10,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020...
Vay còn khó khănĐến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới có dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp ở phường Ái Quốc (TP Hải Dương) do Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18 làm chủ đầu tư được vay theo chương trình liên kết vừa triển khai. Ông Phạm Ngọc Thành, Trưởng Ban Quản lý dự án khu vực Hải Dương cho biết, theo chương trình phối hợp, dự án đã được BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương giải ngân khoảng 7 tỷ trong tổng số 10 tỷ đồng cam kết với lãi suất 5%/năm. Nhờ khoản vay này, công ty đã chủ động nguồn tài chính, đẩy nhanh tiến độ dự án để đến đầu năm 2015 sẽ đưa dự án vào hoạt động. Ngoài ra, những khách hàng mua nhà của công ty cũng sẽ được vay vốn tại BIDV chi nhánh Bắc Hải Dương với mức vay tối đa bằng 70% giá trị căn hộ, thời hạn vay từ 10 - 15 năm, lãi suất ưu đãi 5%/năm. Đây là biện pháp hợp lý để người thu nhập thấp có thể mua được nhà trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.
Giữa tháng 6 vừa qua, tại hội nghị đối thoại giữa ngành ngân hàng và doanh nghiệp do UBND tỉnh tổ chức, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) chi nhánh Hải Dương và Liên danh Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quang Giáp và Công ty TNHH Đức Dương đã ký hợp đồng vay vốn với số vốn đã giải ngân trên 26 tỷ đồng. Số vốn này được liên danh dùng để nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, công ty có thể thế chấp hợp pháp và đăng ký giao dịch bảo đảm với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Cũng tại hội nghị này, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh Hải Dương đã đồng ý cho Xí nghiệp Chế biến nông, lâm sản xuất khẩu Đức Lộc vay mới 7,5 tỷ đồng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, mới có rất ít doanh nghiệp được vay vốn theo chuỗi liên kết với số vốn đã giải ngân không lớn. Tại hội nghị đối thoại giữa ngành ngân hàng và doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư Thành Đô ký với BIDV Hải Dương hợp đồng tín dụng hạn mức 100 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư Thành Đông cũng đã ký hợp đồng tín dụng với Oceanbank chi nhánh Hải Dương hợp đồng tín dụng với hạn mức lên đến 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới là những hợp đồng nguyên tắc cam kết hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp này trong quá trình thực hiện khu nhà ở xã hội tại TP Hải Dương và huyện Gia Lộc. Hiện tại, các dự án này vẫn chưa được giải ngân do còn vướng các thủ tục pháp lý liên quan.
Cho vay theo chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp lại càng khó khăn hơn. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh chưa có nhiều trang trại, vùng sản xuất chuyên canh lớn. Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn ở mức thấp và chưa được nhân rộng, nhất là ứng dụng công nghệ cao. Đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cũng gặp khó khăn. Rất ít doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn theo quy định để được vay ưu đãi. Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, liên kết 4 nhà theo chủ trương của Chính phủ vẫn chưa được triển khai. Giữa doanh nghiệp và người dân chưa có bất cứ mối liên kết, ràng buộc mang tính pháp lý nào. Đây là nguyên nhân khiến các ngân hàng không mạnh dạn cho vay vốn do tính rủi ro của lĩnh vực này còn ở mức cao.
VỊ THỦY