Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã thực sự trở thành người bạn tin cậy của nhân dân lao động, của người nghèo, những người có ý chí vươn lên...
Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Hà luôn tạo điều kiện thuận lợi
cho khách hàng vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh
Thành lập từ năm 2003, lúc đầu chỉ thực hiện 2 chương trình là hộ nghèo cho vay và giải quyết việc làm nên tổng dư nợ mới đạt 23 tỷ đồng. Sau 8 năm hoạt động, đến nay đơn vị đã thực hiện 6 chương trình cho vay. Đến hết tháng 8 năm nay, tổng dư nợ của đơn vị đạt gần 197 tỷ đồng, cho gần 15 nghìn hộ vay. Trong đó, hơn 99 tỷ đồng dành cho chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, hơn 64 tỷ đồng dành cho 5.520 hộ nghèo. Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm, đơn vị giải ngân được gần 6 tỷ đồng. Phần còn lại là giải ngân cho các chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Nhờ những nguồn vốn ý nghĩa của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Thanh Hà, nhiều gia đình có cơ hội vươn lên thoát nghèo và có vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Trường hợp của gia đình anh Nguyễn Hữu Phong ở thôn Song Động, xã Tân An là một ví dụ. Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, nhưng đến nay anh đã là chủ của một doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 2 tỷ đồng. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, sẵn có nghề mộc trong tay, anh đã mở xưởng chế biến gỗ tại gia đình. Ban đầu do chưa có vốn, máy móc phục vụ công việc lại thô sơ nên xưởng gỗ của gia đình anh đứng trước nhiều khó khăn. Năm 2004, anh được vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Việc kinh doanh ngày càng phát triển, anh đã mở rộng quy mô của xưởng sản xuất lên 300m2, thuê thêm nhân công và mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ công việc. Mỗi năm, xưởng gỗ của gia đình anh xuất ra thị trường hàng trăm sản phẩm đồ gỗ, với nhiều mẫu mã và chủng loại khác nhau, thu lãi gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, xưởng gỗ của anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ là chủ một cơ sở đồ gỗ lớn của huyện Thanh Hà, anh Phong còn là chủ một trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng trên 3.000 m2, với 600 con gà, 30 con lợn, 100 cây chuối tết và 5 sào ao thả cá. Hằng năm, trang trại này cho lãi vài chục triệu đồng.
Chuyện thành đạt của chị Phạm Thị Thịnh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tuyết Thịnh, ở xóm 1 xã Tân An cũng là một minh chứng cho hiệu quả từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH. Từ một cơ sở dạy nghề may nhỏ trang thiết bị thiếu thốn, năm 2005, chị được vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của ngân hàng này với số tiền 100 triệu đồng. Có vốn, chị đã mở rộng quy mô xưởng lên 200m2, mua sắm thêm trang thiết bị, thuê thêm nhân công. Công việc kinh doanh dần dần ổn định, chị trả được hết nợ. Năm 2007, phòng giao dịch lại tạo điều kiện cho chị vay tiếp 250 triệu đồng và năm 2010 là 400 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Đến nay, doanh nghiệp của chị Thịnh đã trở thành cơ sở dạy nghề tin cậy và tạo việc làm thường xuyên cho nhiều người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi trong huyện. Doanh thu hằng năm đạt hơn 2 tỷ đồng.
HTX Chiếu cói Tiên Kiều, xã Thanh Hồng được thành lập từ tháng 3 - 2010, với 8 thành viên. Ban đầu HTX chỉ có 2 máy dệt chiếu, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Sau khi được vay gần 200 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, HTX đã mua thêm 1 máy dệt chiếu mới và mở rộng nhà xưởng. Nhờ đó, năm 2010, tổng doanh thu của HTX đã đạt gần 2 tỷ đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho những lao động nông nhàn ở địa phương.
Không chỉ là chỗ dựa vững chắc giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thanh Hà còn là điểm tựa, giúp các hộ nghèo và cận nghèo, các hộ khó khăn đột xuất có điều kiện chăm lo cho con em mình ăn học. Đến nay, tổng dư nợ từ chương trình này là hơn 99 tỷ đồng cho 5.361 lượt hộ vay. Gia đình chị Nguyễn Thị Lộc ở thôn Thừa Liệt, xã Thanh Hải, một hộ nghèo của xã với 5 miệng ăn mà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cấy lúa. Gia đình chị đã phải chắt chiu, dành dụm mà vẫn không thể nào vượt qua rào cản cơm áo, gạo tiền để nuôi 2 người con ăn học. Nhưng từ khi được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của ngân hàng này các con của chị đã có điều kiện tiếp tục theo đuổi việc học hành.
Chương trình cho hộ nghèo vay để xây dựng nhà ở của Ngân hàng CSXH cũng trở thành một trong những động lực giúp người nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Hằng năm, đã có hàng trăm gia đình nghèo được ngân hàng hỗ trợ tiền xây nhà theo Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ. Xã Phượng Hoàng có nhiều hộ được hỗ trợ tiền xây dựng nhà của huyện. Năm nay, xã có 21 hộ được hỗ trợ xây nhà, đến nay đã có 12 hộ được nhận 8 triệu đồng từ phòng giao dịch ngân hàng này. Anh Nguyễn Đức Thực, một hộ nghèo tại thôn Văn Xuyên cho biết: "Nhờ có chính sách hỗ trợ của ngân hàng mà tôi mới mạnh dạn vay thêm kinh phí từ anh em, họ hàng để xây nhà. Tôi cũng mong rằng ngân hàng sẽ có nhiều sự hỗ trợ hơn nữa cho những hộ nghèo như chúng tôi...”.
Những năm qua, số hộ nghèo ở huyện Thanh Hà đã giảm đi đáng kể, số hộ khá, giàu liên tục tăng cao. Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã thực sự trở thành người bạn tin cậy của nhân dân lao động, của người nghèo, những người có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Giúp họ có thêm nghị lực, niềm tin, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương.
ĐỨC ANH