Đã nhiều lần anh Khánh nài nỉ vợ “Cho anh được vào bếp” nhưng chị Xuyến, vợ anh lại thẳng thừng chối từ.
Chị cho rằng đôi tay anh thô kệch, vụng về, không thể làm những công việc tỉ mỉ nên chẳng khi nào anh nhặt được cọng rau, rửa được cái bát... Cứ hễ thấy anh vào bếp là chị đuổi ra ngoài như đuổi tà. “Anh mà làm được cái gì, ra ngoài đi, ngồi xem ti-vi em làm xong rồi ăn”. Đúng là anh Khánh vụng về y như vợ mình nói. Đã có lần chị nhờ anh rửa vài cái bát vậy mà vỡ tan tành bộ gốm sứ mới mua. Vừa tiếc tiền lại bực chồng nên chị Xuyến tuyên bố: “Từ nay anh không được vào bếp làm bất cứ việc gì. Để đấy cho em”. Anh Khánh muốn giúp vợ nhưng có lẽ hôm đó không may nên làm chẳng ra trò.
Có một người vợ ôm đồm chuyện nhà, không nhờ chồng giúp thì sướng quá đi chứ. Nhưng trường hợp của anh Khánh thì sướng không nổi. Giành làm chuyện nhà nhưng chị Xuyến lại đi buôn chuyện với mấy người bạn là chồng mình cục mịch, lười, đi làm về chỉ biết ngồi rung đùi xem báo chứ không biết làm gì khác. Đi đâu chị cũng than thở thế, như thể anh Khánh lơ đãng chuyện nhà, vô tình với vợ. Là phụ nữ trước tiên phải giữ sĩ diện cho chồng mình. Chuyện đó chẳng có gì hay ho mà mang đi rêu rao có thể sẽ làm tăng tính nghiêm trọng. Bởi chỉ cần hai người đàn bà, một con vịt cũng đã biến thành cái chợ. Rồi một lần tình cờ anh Khánh nghe được, anh giận vợ, quát chị Xuyến rằng đang hạ thấp danh dự của chồng. Chị Xuyến chống chế rằng nói cho vui, nhưng câu chuyện “ông chồng làm vỡ bát đĩa” đã lan truyền cả xóm, cả chợ.
Bắt đầu từ hôm ấy, anh Khánh nhất quyết vào bếp sau giờ tan làm ở công ty. Chị Xuyến không thể từ chối khi mà chồng nói mạnh miệng: “Nếu không cho anh vào bếp thì em nấu cho em và con ăn đi”. Chị đành để anh vào bếp. Anh học nấu ăn như học sửa điện tử trong vai trò kỹ sư ở công ty. Lúc đầu anh Khánh còn vụng về, làm vỡ bát, kho cá mặn, nấu canh nhạt nhưng dần dần cũng tạm chấp nhận được. Anh Khánh tự nhủ: "Chẳng có gì khó khăn cả. Cái chính là bản thân có chịu khó học hỏi hay không thôi".
Nhưng nhờ vào bếp nên anh Khánh đã nhận ra rằng suốt nhiều năm qua vợ mình cơ cực, vất vả chẳng khác gì công việc kỹ sư của mình. Việc nhà nói chung và việc bếp nói riêng làm cả ngày cũng không hết. Lắm lúc quanh đi quẩn lại đã hết một ngày mà công việc vẫn còn đầy ra đấy. Vì thế anh mới trân trọng công việc nữ công gia chánh của vợ mình và những người phụ nữ khác, thay vì trước kia xem nhẹ. Riêng về phần chị Xuyến, khi thấy chồng nấu ăn thuần thục, chị khen lấy khen để. Cái tật buôn chuyện của phụ nữ lại trỗi lên. Đi đâu chị cũng khoe rằng chồng mình đã biết nấu ăn, mà nấu ăn ngon. Để kiểm chứng, hôm chủ nhật, chị rủ mấy cô bạn về nhà chơi. Được dịp anh Khánh trổ tài nấu ăn cho vợ và bạn vợ thưởng thức. Ai cũng khen là anh nấu ngon không kém gì chị Xuyến.
Từ đấy, ngôi nhà anh Khánh trở nên ấm cúng hơn khi vợ chồng anh cùng chia sẻ việc nhà. Những hôm anh đi công tác xa, bữa cơm trở nên nhạt nhẽo vì các con anh đòi bố phải về nấu ăn cho bằng được. Chỉ nghe vợ gọi điện thoại nói tranh thủ về nhà nấu cơm cho vợ con ăn, anh đã cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Anh nghĩ đàn ông làm việc nhà, nhất là nấu ăn, không có gì phải xấu hổ. Thời đại này rồi, làm gì còn chuyện “chồng chúa vợ tôi”. Nhiều khi cần thay đổi vai trò cho nhau để làm cho tổ ấm gia đình thêm thú vị.
NGUYỄN HOÀNG DUY