[Video] Bộ trưởng: Sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, điều chỉnh quy định về livestream

04/11/2022 08:29

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định vụ bà Nguyễn Phương Hằng livestream cho thấy thể chế đi sau thực tiễn. Sau vụ việc này, các quy định liên quan đến livestream đã được điều chỉnh.

>>> [Video] Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao​

Xem video phiên chất vấn sáng 4.11

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Ảnh: Quochoi.vn

Ông Hùng sẽ trả lời về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Cũng như công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia. Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

"Chia lửa" với ông Hùng sẽ là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
------------------

Tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều sim

Về vấn đề sim rác, Bộ trưởng Hùng cho biết nếu nói là xử lý triệt để sim rác với nghĩa là bằng 0 thì trong cuộc sống khó có thể làm được, mà vẫn còn đó những tồn tại nhưng phải hạn chế, đưa về mức có thể chấp nhận được. 

Ông Hùng cho hay từ nay đến cuối năm sẽ tổng thanh tra các nhà mạng liên quan đến chuyện một người nhiều sim. Ngoài ra việc xử lý sim rác gắn với đăng ký thông tin chính chủ, kết nối, đối chiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có căn cứ xác định thông tin đăng ký là chính xác.

Về dữ liệu dân cư khi bỏ hộ khẩu giấy, theo Bộ trưởng Hùng sẽ cần sự kết nối nhiều hơn. Ông nói đây là lần đầu chúng ta làm, trục trặc phải xử lý. Thêm vào đó là cơ sở cở dữ liệu dân cư mới kết nối được 30/90 bộ, ngành, địa phương. 

Hiện Bộ yêu cầu 60 bộ, ngành, địa phương còn lại phải bảo đảm an toàn thông tin mới cho kết nối. Bộ cũng đang chỉ đạo hướng dẫn mạnh mẽ để 60 cơ quan đó sẵn sàng an toàn thông tin kết nối.

Trả lời tranh luận của đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ khi ra Luật Báo chí cũng chưa có khái niệm "báo hóa tạp chí". Có những vấn đề đi vào cuộc sống mới nảy sinh và chúng ta mới ứng xử. 

Việc ứng xử như vậy là chậm, đến tận năm 2022 Bộ mới ban hành, công khai bộ nhận dạng thế nào là báo hóa tạp chí. Song theo Bộ trưởng, có vấn đề khi chín, tường minh, mới công bố và xử lý được.

Nên mang vấn đề này ra xử lý các đơn vị, cá nhân trong bộ, theo ông Hùng đúng là "điểm khó với bộ trưởng". Ông Hùng xin nhận trách nhiệm và nghĩ rằng mình phải chịu trách nhiệm chính. 

"Mong đại biểu thông cảm là cuộc sống diễn biến và khi quản lý Nhà nước phải chắc tay, phải tường minh, rõ rồi mới đưa vào luật. Còn những gì chưa rõ phải thí điểm, xem xét, cân nhắc", ông Hùng nêu. 

Bộ trưởng nhắc lại việc khi bà Nguyễn Phương Hằng livestream, đây là công nghệ hoàn toàn mới, các thể chế chưa có quy định nên phải dùng các hình thức khác xử lý hành chính, chuyển công an. Bây giờ đưa vào nghị định, chắc chắn sẽ xử lý gọn gàng hơn.

Đối với ý kiến đại biểu nêu "có tiền xử lý chậm", Bộ trưởng Hùng khẳng định: "Các cơ quan của Bộ không có việc này. Còn giả sử có thì tôi không biết. Tôi tự tin nói không có việc này. Không có chuyện chúng ta là nhà nước xã hội chủ nghĩa mà lại có việc tiền thì làm, không có tiền không xử lý".

Người có tiền thì xử lý chậm, nghe ngóng trước, xử lý sau?

Bộ trưởng: Sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, điều chỉnh quy định về livestream - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Hoàng Anh - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Lê Hoàng Anh tranh luận lại về trách nhiệm của bộ để xảy ra tình trạng mạng xã hội báo hóa; việc chậm trễ, lúng túng trong việc xử lý vụ việc vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên lĩnh vực mạng xã hội. 

"Trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân để xảy ra việc này? Bộ có rút kinh nghiệm về việc này như thế nào?", đại biểu hỏi. 

Chỉ ra một số vụ việc vi phạm trên mạng xã hội mà cơ quan quản lý Nhà nước về thông tin truyền thông đã xử lý rất nhanh, đại biểu Lê Hoàng Anh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phải chăng những người vi phạm có ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn được, còn người có tiền thì sẽ xử lý chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau?

Về khủng bố qua điện thoại, bộ trưởng nói năm 2022, phản ánh của người dân mỗi tháng đến Bộ, qua các công ty viễn thông, là khoảng 30.000 và 88% trong đó liên quan đến các số điện thoại về rác hoặc khủng bố. Với tin rác do chúng ta dùng công nghệ xử lý nên chùng xuống và mỗi tháng chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác. Các mẫu tin nhắn rác lên tới 400.000 để các nhà mạng chia sẻ nhau cùng chặn. 

Tuy nhiên, hiện nổi lên vấn đề điện thoại. Ở Mỹ số lượng người dân nhận các cuộc điện thoại không liên quan gấp 3 lần Việt Nam, còn chúng ta tương đương Indonesia.

Để giải quyết việc này, gần đây Bộ đã công bố số điện thoại mà người dân có thể nhắn tin, gọi điện phản ánh các cuộc gọi này. Sau khi nhận sẽ chuyển nhà mạng hoặc chuyển công an xử lý. 

Cạnh đó cần sử dụng công nghệ bởi đối tượng cũng dùng công nghệ. Bộ đã chỉ đạo các nhà mạng phát triển công nghệ để chặn các cuộc gọi rác và mỗi tháng chặn 30.000-40.000 số điện thoại phát tán thông tin rác, trong đó có đe dọa. Số xử lý những tháng gần đây tốt hơn, tăng khoảng 30% so với năm ngoái.

Dữ liệu dân cư có kịp kết nối để bỏ hộ khẩu giấy?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói tại nhiệm kỳ trước đã chất vấn bộ trưởng về việc xử lý sim rác nhưng đến nay vẫn còn tình trạng sim rác, đề nghị bộ trưởng cho biết tại sao đến nay vẫn tồn tại và giải pháp.

Đại biểu Đồng Tháp cũng đặt vấn đề đến ngày 1.1.2023 sắp tới, người dân sẽ không sử dụng hộ khẩu giấy, tuy nhiên đến nay dữ liệu dân cư không được kết nối đến các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương. Như vậy, sắp tới, người dân đến giao dịch ở các cơ quan, bộ ngành sẽ rất khó khăn. 

Đại biểu hỏi quan điểm của bộ trưởng về vấn đề trên, và liệu từ đây đến cuối năm việc sử dụng và kết nối dữ liệu dân cư có đạt hiệu quả không? Câu hỏi này cũng được gửi đến Bộ trưởng Công an.

Chuyển 2 vụ việc vi phạm dữ liệu cá nhân sang công an

Về mua bán dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Hùng cho rằng đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. 

"Vừa qua chúng ta cũng khá dễ dãi, như tôi đến cửa hàng làm kính họ hỏi số điện thoại cũng đưa. Tuy nhiên nguyên tắc đúng là phải nhìn hợp đồng và xem xét việc thu thập thông tin này có đồng thuận không, sẽ dùng vào việc gì… Việc này liên quan đến nhận thức, cần tuyên truyền", ông Hùng chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết trong năm 2022 sẽ thanh tra toàn diện nhà mạng viễn thông về việc thu thập, xử lý, bảo đảm và thời gian tới sẽ làm sang doanh nghiệp bưu chính, các mạng xã hội lớn kể cả trong, ngoài nước hoạt động ở Việt Nam.

Về hành lang pháp lý, Bộ Công an sẽ ra nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các nước ASEAN cơ bản có luật bảo vệ dữ liệu cá nhân còn chúng ta sẽ có nghị định trước và tiến tới luật.

Đặc biệt vấn đề xử lý mang tính răn đe. Chúng ta đã tăng mức phạt gấp 2 lần nhưng mức cao nhất với doanh nghiệp, cá nhân vi phạm mới chỉ là 60 triệu đồng. Ở các nước khác họ không có con số tuyệt đối mà là % doanh thu, có nước 6%, có nước 10%, có nghĩa mức phạt có thể lên tới 1 tỉ USD.

Bộ trưởng thông tin thêm năm 2022 đã có 11 đoàn chuyên ngành thanh tra về vấn đề dữ liệu cá nhân và chuyển 2 vụ việc sang cơ quan công an xử lý hình sự. Năm 2023, Bộ đang dự kiến đề xuất Chính phủ lấy làm năm dữ liệu số Việt Nam.

Vụ bà Phương Hằng livestream cho thấy thể chế đi sau thực tiễn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hoàng Anh, ông Hùng nêu rõ Bộ coi thể chế là đầu tiên, số một. Vừa qua có một số vấn đề thể chế đi sau như xử lý vụ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng.

Theo ông Hùng, lúc xảy ra vụ việc thì chưa có quy định pháp luật nào quản lý hành vi livestream. Các cơ quan chức năng đã dùng thể chế cũ xử phạt hành chính 2 lần và chuyển cho cơ quan công an xử lý hình sự. Hiện vụ việc đang tiếp tục xử lý.

Bộ trưởng cho biết sau đó vấn đề livestream đã được đưa vào Nghị định 72 và Thủ tướng Chính phủ sẽ ký ban hành trong năm nay. Trong đó quy định rõ livestream chỉ những người định danh trên môi trường số mới được thực hiện. Đã livestream phải công bố địa điểm, thời gian. Nếu livestream bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ quan thu thuế.

Về vấn đề chảy máu chất xám, nhân tài công nghệ thông tin, ông Hùng nói rất nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản, yếu tố quyết định trong việc làm chủ cũng như ứng dụng khoa học công nghệ. 

Theo ông nhân tài có vấn đề của thị trường: Các doanh nghiệp Việt Nam có trả được mức lương như các doanh nghiệp nước ngoài không. Đã có khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao trả mức lương tương đương. Đã bắt đầu xuất hiện những học sinh, sinh viên, người lao động làm cho công ty nước ngoài về Việt Nam. Có cả những người nước ngoài làm cho công ty công nghệ.

Vấn đề chính theo ông Hùng là các doanh nghiệp có lợi nhuận cao không, có những việc tạo ra giá trị cao để thuê được nhân tài. Đảng, Nhà nước đã có nhiều cơ chế để thu hút nhân tài. Tuy nhiên cần có nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để thu hút nhân tài.

Trả lời về chương trình máy tính cho em, ông Hùng cho hay 1 triệu máy tính, trong đó có 600.000 máy tính bảng, là nguồn lực xã hội hóa. Hiện nay 500.000 máy tính bằng nguồn lực xã hội hóa đã chuyển đến cho các em, còn 100.000 đang làm. 

Nguồn ngân sách của quỹ viễn thông công ích do các doanh nghiệp đóng góp là 400.000 máy. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất thời điểm cho 400.000 máy này. Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất khi nào bắt đầu đưa chính thức chương trình học trực tuyến trong lúc không còn COVID-19 sẽ thực hiện. Tiền vẫn còn đó, 1.000 tỉ đồng và thông tư đã xong.

Bà Nguyễn Phương Hằng livestream, đại biểu hỏi trách nhiệm bộ

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông chưa tập trung vào chức năng quản lý nhà nước đối với mạng xã hội, không chủ động vào cuộc sớm, đến khi xảy ra mới nhảy vào cuộc thanh tra xử lý, như vụ bà Nguyễn Phương Hằng "livestream" trên các nền tảng mạng xã hội.

Đại biểu chất vấn vì sao, trách nhiệm của bộ trưởng, cơ quan có thẩm quyền của bộ.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) chất vấn về khả năng đáp ứng của ngành trong việc thưc hiện các mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa .

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) hỏi về giải pháp xử lý tình trạng hàng giả, hàng nhái rao bán công khai trên các nền tảng, mạng xã hội.

Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền GIang) chất vấn về những hạn chế trong việc thực hiện đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Câu hỏi này cũng được gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Tin xấu mà nhiều thì không khí bị vấy bẩn

Trả lời tranh luận của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ông Hùng nói rất nhất trí về câu chuyện đề kháng: Không gian mạng như không khí, tin xấu mà nhiều thì không khí bị vấy bẩn. Nếu sáng nào cũng đọc thông tin xấu độc trên mạng thì bị đầu độc. Không khí bẩn đầu độc phổi, tin xấu độc đầu độc não.

Theo ông Hùng, ai quản lý cái gì trong đời thực thì nên quản lý việc đó trên không gian mạng. Lĩnh vực công thương phải lên quản lý hàng hóa, lĩnh vực văn hóa quản lý thuần phong, mỹ tục… Khi đó mới có đủ nguồn lực làm cho không gian mạng lành mạnh.

Hiện Bộ đã đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung đào tạo kỹ năng số vào trong chương trình dạy công nghệ thông tin cho học sinh từ lớp 3. Đồng thời chính thức cho chạy nền tảng đào tạo kỹ năng mạng cơ bản cho người dân trên online. Người dân có thể vào xem, tìm kiếm, hỏi đáp, trang bị kỹ năng cơ bản.

Bộ trưởng nêu rõ không gian mạng là của chúng ta nên phải có trách nhiệm làm cho nó lành mạnh. Ở đây có cơ quan chủ lực là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an nhưng phải toàn bộ hệ thống chính trị mới có thể làm được.

Bộ thì đang vận hành hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin, với các thông tin được định nghĩa xấu, độc, sai thì chủ động rà quét, gỡ để đảm bảo sạch.

Ngăn chặn tin, xấu độc có hiệu quả?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mức phạt tin giả chỉ bằng 1/10 các nước ASEAN - Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) tranh luận: Ngoài đời thế nào, trên mạng như vậy. Nhưng ngoài đời quản lý theo địa giới hành chính, trên mạng là không gian đa quốc gia, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thì không hiệu quả. Theo ông Nghĩa, giải pháp căn cơ phải là nâng cao sức đề kháng, tức là người dân, công chúng không nghe, không tin theo tin xấu, độc và có nhiều thông tin cho người dân đọc.

Trả lời về nền tảng số, bộ trưởng nêu rõ đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực, nếu chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sẽ sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài, dữ liệu bị thu thập. Trong khi dữ liệu số được gọi là tài nguyên Việt Nam.

Vì vậy Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng số, năm 2022 đã công bố ở mức quốc gia, cơ bản xây dựng xong, đưa vào hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên.

Giải pháp tiếp theo ông Hùng nói "có việc sẽ có người": Có việc khó sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại sẽ có người vĩ đại. Người ở đây là cả người và doanh nghiệp. Chúng ta đã chọn cách này bằng cách công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả trung ương, địa phương, mỗi năm tổ chức công bố, đánh giá, trao thưởng.

Giải pháp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) hỏi về giải pháp thúc đẩy nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số và phát triển kinh tế số.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) chất vấn về giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về công nghệ thông tin, tránh trường hợp chảy máu chất xám nhân lực công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) chất vấn về nguyên nhân và trách nhiệm của bộ khi triển khai chậm chương trình "Sóng và máy tính cho em".

Đến 2023 giải quyết căn cơ vấn đề báo hóa tạp chí, trang tin

Về vấn đề báo hóa tạp chí, báo hóa trang thông tin, bộ trưởng cho biết có một giải pháp rất mới là công khai dấu hiệu, biểu hiện để toàn bộ xã hội biết, tất cả chung tay giám sát. Trong số 650 tạp chí thì những tạp chí có dấu hiệu được phát hiện khoảng 30 là không lớn. Các trang tin được cấp phép là khoảng 2.000 trang tin, trang tin tổng hợp và dấu hiệu báo hoá cũng như số liệu của tạp chí.

Năm nay Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, giải quyết vấn đề báo hóa, vừa qua đã tiến hành tổng thanh tra và cuối năm sẽ xong. Hiện đã xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để bảo đảm từng bước giải quyết vấn đề này. Đến 2023 vấn đề này sẽ được giải quyết căn cơ.

Mức phạt tin giả chỉ bằng 1/10 các nước ASEAN

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mức phạt tin giả chỉ bằng 1/10 các nước ASEAN - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 4.11 - Ảnh: PHẠM THẮNG

Về tin giả, ông Hùng nói trên không gian mạng sẽ lan truyền rất nhanh nếu chúng ta xử lý chậm. Bộ trưởng cho biết vừa qua đã sửa các nghị định, nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định. Trong nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan và thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc từ 48 giờ xuống 24 giờ, với những thông tin đặc biệt là trong 3 giờ. 

Mức phạt đăng tải tin giả theo ông Hùng hiện nay đã tăng lên 3 lần nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN chỉ bằng 1/10. Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ đưa mức phạt lên răn đe để ngang với các nước.

Việc ngăn chặn thông tin xấu độc, ông Hùng nói thực sự là công việc khó khăn. Lực lượng thì mỏng trong khi ở Việt Nam mỗi người có gần 4 tài khoản mạng xã hội. Bộ trưởng Hùng cho rằng giải pháp căn bản là sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, các tổ chức, các gia đình. Khi toàn bộ xã hội vào cuộc thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề này trên không gian mạng, một mình Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an làm không xuể.

Đến nay không còn thuê bao không đủ thông tin

Trả lời câu hỏi về lừa đảo qua mạng, ông Hùng nói đây là vấn đề không chỉ Việt Nam mà có ở hầu hết các nước. Gần đây rất nhiều lừa đảo sử dụng các phương tiện thông tin, trong đó có số điện thoại, thông qua các trang web. 

Thời gian qua Bộ đã hoàn thiện các văn bản thể chế đã ban hành, trong đó định nghĩa rõ các hành vi, quy định quy trình hành chính, mức phạt, quy chế chuyển cho công an xử lý.

Ông nói quan tâm đến xử lý căn bản, trong đó đã công khai đầu số điện thoại là 156, các trang web tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm. Đồng thời phát triển công cụ, công nghệ. Coi công nghệ số là lực lượng thực thi trong không gian mạng.

Năm 2020, Bộ đã rà quét, ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn sẽ có 3,1 triệu người truy cập và xác suất lừa đảo rất lớn.

Về số điện thoại, Bộ tập trung xử lý sim rác. Sim rác là một trong những phương tiện thực thi hoạt động lừa đảo. Bộ có 3 công đoạn lớn, trong đó tất cả thuê bao không có thông tin đầy đủ sẽ xóa khỏi hệ thống. Năm 2018 có 22 triệu và đến nay đã bằng 0.

Thuê bao có thông tin không chính xác, hiện đã có cơ sở dữ liệu dân cư nên các nhà mạng đang đối soát, đã được 1/4. Cơ bản trong năm nay và cùng lắm đầu năm 2023 phải xong.

Thông tin đúng rồi nhưng 1 người đăng ký nhiều sim thì phải xử lý sim chính chủ. Xử lý xong vấn đề này sẽ ngăn chặn đáng kể việc dùng sim rác để lừa đảo.

Giải pháp xử lý tội phạm công nghệ cao, và ngăn chặn tin giả

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) đặt vấn đề gần đây tình hình tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng qua mạng có chiều hướng gia tăng diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. 

Một trong những nguyên nhân là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

Thời gian qua, Bộ có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu độc trên mạng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm tạo cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng, gây hoang mang xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân. 

Đai biểu hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nhận định việc ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là không dễ dàng. Xử lý trường hợp đưa tin thất thiệt cũng rất vất vả, khó khăn, không cẩn thận có thể vô tình PR cho người muốn nổi tiếng. 

Đại biểu hỏi giải pháp nào triệt để, căn cơ nhất trong khi lực lượng của ngành thông tin truyền thông thì mỏng mà có hàng chục triệu tài khoản trên các mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản có địa chỉ ở nước ngoài.

Mặt khác, việc xử lý các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội "báo hóa" hiện diễn ra như thế nào, sao lại khó khăn, Bộ trưởng có cam kết giải quyết triệt để tình trạng này.

Phát biểu trước khi vào trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số mà chúng ta gọi là chuyển đổi số.

"Phần lớn cuộc sống, hầu hết vấn đề của con người, đã sang môi trường số. Đảng và Nhà nước đã xác định chuyển đổi số là phương thức giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, thực thi số, ngân sách số… vẫn đang theo sau. Nếu chúng ta không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này", bộ trưởng nói.

Ông nói Bộ nhận thức sâu sắc và đã có những việc đã làm được nhưng còn những tồn tại, hạn chế, nhức nhối của xã hội, vấn đề mới phát sinh. Bộ luôn coi những tồn tại là động lực thúc đẩy ngành phát triển.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Bộ trưởng: Sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, điều chỉnh quy định về livestream