[Video] Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao

03/11/2022 14:18

"Giá nhà ở xã hội còn đang cao so với thu nhập của người dân", Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận khi trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 3.11.

Xem video clip trả lời chất vấn của Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3.11 - Ảnh: PHẠM THẮNG

Ông Nghị cũng sẽ trả lời về việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản. 

Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.

Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan.

----------------------

Sáng mai 4.11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Làm rõ quan điểm về nhận định kiến trúc và quy hoạch ở nước ta đang phát triển lộn xộn

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị - Ảnh: TTXVN

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, một trong những chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng là xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, trong những năm qua, theo nhận xét chung của giới chuyên môn thì kiến trúc và quy hoạch Việt Nam phát triển còn tương đối lộn xộn, kể cả kiến trúc, quy hoạch nông thôn và đô thị chưa mang dấu ấn đặc trưng dân tộc, vùng miền và giai đoạn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm về vấn đề này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Một số vấn đề được các đại biểu nêu như sử dụng vật liệu mới, vật liệu thay thế trong xây dựng hạ tầng giao thông, thực trạng ngập úng đô thị, kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỉ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư... được chủ tọa tóm lại để mời Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, người vừa đảm nhận vai trò trưởng ngành chưa đầy 2 tuần (từ ngày 22.10), trả lời bổ sung cho Bộ trưởng Xây dựng.

Trả lời câu hỏi liên quan tới thủ tục nhà ở xã hội, bộ trưởng Nghị nhìn nhận các thủ tục theo quy định pháp luật, đặc biệt là nhà ở xã hội, còn phức tạp, kéo dài, các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án chưa đủ hấp dẫn, quy định diện tích tối thiểu trong dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa khả thi, chưa cho phép doanh nghiệp cho thuê, mua. 

Vì vậy bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về quy trình thủ tục, thực hiện giải pháp tháo gỡ thủ tục hành chính, đầu tư xây dựng quy hoạch. Những vấn đề được bộ trưởng nêu tiếp tục lặp lại nội dung đã trả lời trước đó.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu tư nhà ở xã hội?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TP Hồ Chí Minh) nói quá nhiều thủ tục (xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất và thủ tục miễn tiền sử dụng đất quy định trong Luật Đất đai năm 2013, thẩm định giá, xác định đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội…) khiến thủ tục xây dựng nhà ở xã hội nhiều và khó hơn so với nhà ở thương mại, kéo dài thời gian thực hiện, làm nhà đầu tư mệt mỏi, bỏ cuộc, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành rất thấp so với chỉ tiêu đề ra. 

Bà Thúy đề nghị bộ trưởng nêu cụ thể những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn này.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho biết việc di dời các cơ quan, doanh nghiệp ra khỏi nội thành có rất nhiều trường hợp đất lại dùng để xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân theo quy định, định hướng chung, không đạt được mục đích giảm gia tăng áp lực về dân số và quá tải hạ tầng tại khu vực nội thành. 

Đại biểu đề nghị bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết quan điểm, giải pháp về vấn đề này.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm về "quy hoạch treo bền vững"

Trả lời đại biểu Trình Lam Sinh, bộ trưởng Nghị cho rằng việc phát hiện từ sớm từ xa là cần thiết. Vì vậy bộ đã tham mưu Chính phủ hoàn thiện văn bản, theo hướng tăng nặng xử phạt vi phạm.

Hiện nay số công trình sai phép, không phép giảm theo từng năm, là 2020 chiếm 23,8% thì năm 2021 là 13,4% và 6 tháng đầu năm 2022 là 7,1%. Tuy vậy bộ trưởng Nghị nhìn nhận vẫn có tình trạng vi phạm và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời. Tới đây Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện quy hoạch để làm cơ sở quản lý trật tự xây dựng, tăng cường trách nhiệm địa phương, thanh kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật…

Về "quy hoạch treo bền vững", bộ trưởng cho rằng do chất lượng quy hoạch chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tầm nhìn, dự báo chưa chính xác, thiếu tính khả thi. Việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm túc, địa phương mở rộng đô thị nhưng chưa tính toán nguồn lực, năng lực chủ đầu tư không bảo đảm.

"Trách nhiệm là ở các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Bộ Xây dựng chưa kiểm tra đôn đốc thanh tra kịp thời, chưa hướng dẫn kịp thời hoàn thiện quy định pháp luật đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, quy hoạch có tầm nhìn và khả thi", ông Nghị nói sẽ tăng cường tham vấn ý kiến liên quan, thẩm tra năng lực đơn vị đầu tư, tổ chức tư vấn, thu hút đầu tư…

Trả lời chất vấn về vi phạm xây dựng, bộ trưởng Xây dựng cho biết việc xử lý vi phạm hành chính có quy định tương đối đầy đủ và đảm bảo việc xử lý, có chế tài rõ. Với trách nhiệm quản lý, Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, cũng như điều chỉnh, rà soát, bổ sung và hướng dẫn địa phương thực hiện nghiêm. 

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ giám sát chặt chẽ, đánh giá tính khả thi của luật và hướng dẫn các địa phương quản lý tốt hơn đối với hoạt động xây dựng

Có tham nhũng, tiêu cực trong xử lý công trình vi phạm?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói cử tri phản ánh "người dân sửa chữa nhà trong ngõ sâu thì thanh tra vẫn nắm được, nhưng có những công trình sai phạm lớn, nằm ngay ở mặt đường thì không bị phát hiện".

"Liệu có tham nhũng, tiêu cực trong trường hợp này? Ngoài trách nhiệm của địa phương, với trách nhiệm quản lý, bộ trưởng có những giải pháp nào để xử lý nghiêm việc này?", bà Thủy đặt vấn đề.

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) cũng chất vấn bộ trưởng Xây dựng về việc xây dựng không phép, trái phép, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và tình trạng làm đường cao hơn nhà dân gây khó khăn cho người dân.

Đại biểu Dương Khắc Mai đặt vấn đề về quy hoạch treo và giải pháp xóa quy hoạch treo khi cho biết nhiều nơi xảy ra tình trạng "quy hoạch treo bền vững", gây bức xúc của người dân.

Dự báo thị trường bất động sản sắp tới còn nhiều khó khăn

Trả lời đại biểu Hoàng Văn Cường, bộ trưởng Nghị cho rằng thị trường bất động sản thời gian tới sẽ bị tác động bởi tình hình kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác không ổn định, nguồn cung quá thiếu hoặc quá thừa, chính sách tín dụng bị thắt chặt, thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của nhà nước…

"Dự báo thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nguồn cung cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp, nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp còn thiếu. Cần tập trung các giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản, sử dụng đúng mục đích, cho vay đúng dự án tốt, ưu tiên cho vay nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, kiểm soát vốn từ trái phiếu, cổ phiếu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc dự án đang triển khai…", bộ trưởng nêu.

Liên quan vi phạm quy hoạch, ông Nghị cho hay những vi phạm quy định pháp luật bộ đã có báo cáo đầy đủ, được pháp luật quy định cụ thể liên quan đến hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ông cho rằng việc xử lý cán bộ phải theo quy trình, thủ tục.

Với việc sử dụng vật liệu mới, đáp ứng công trình xanh, ông Nghị cho hay các công trình này được quan tâm. Tiêu chí đánh giá công trình xanh đã được xác định, các quy định và quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã được đưa ra, nhưng số lượng công trình xanh mới chỉ có 230. 

Rào cản đặt ra là chưa có nhiều sản phẩm vật liệu dán nhãn sinh thái, nhãn xanh, tiết kiệm năng lượng và vật liệu mới. Vì vậy, giải pháp tập trung là tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, ứng dụng công trình xanh, xây dựng quy định quản lý giám sát…

Không vì tiến độ mà không bảo đảm chất lượng lập quy hoạch

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: PHẠM THẮNG

Tham gia trả lời chất vấn về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay hiện nay đang có nhiều quy hoạch được lập đồng thời với khối lượng lớn. Nhiều quy hoạch đã được trình các cấp, như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đang thẩm định.

Nhìn nhận việc thực hiện đang chậm so với nhu cầu, ông Dũng cho hay kết quả giám sát đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc: lần đầu thực hiện Luật Quy hoạch, còn nhiều cách hiểu khác nhau về tích hợp quy hoạch, có vướng mắc về kinh phí...

"Hiện Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ, trình các văn bản liên quan. Song quan tâm lớn nhất là chất lượng quy hoạch làm sao đồng bộ, đảm bảo tầm nhìn chiến lược, không vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng. Vì vậy chúng tôi cố gắng tháo gỡ khó khăn, cùng địa phương và các ngành lập quy hoạch chất lượng tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo tiến độ", ông Dũng nói.

Dự báo xu thế phát triển thị trường bất động sản?

Đại bểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt vấn đề hiện nay tình hình kinh tế có nhiều biến động, đứng trước nguy cơ suy thoái, đề nghị bộ trưởng dự báo xu thế phát triển thị trường bất động sản sắp tới, những khó khăn, tồn tại cũng như giải pháp khắc phục.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) hỏi quan điểm của bộ trưởng về việc giải quyết  sai phạm, vi phạm xây dựng, cần xử lý nghiêm cả các cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm, hoặc dung túng, bảo kê cho vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đồng Nai) chất vấn về giải pháp tạo nguồn vật liệu mới, vật liệu thay thế để đáp ứng nhu cầu công trình xanh.

Việc thực hiện pháp luật về quy hoạch đô thị, ông Nghị nhìn nhận những tồn tại hạn chế do điều chỉnh tùy tiện, không tuân thủ quy định. Nguyên nhân là công tác rà soát đánh giá chưa kịp thời, khi theo quy định cơ quan, địa phương phải có trách nhiệm rà soát quy hoạch chung, quy hoạch phân khu sau thời hạn 5 năm, nhưng các đơn vị đã không thực hiện kịp thời.

Việc lấy ý kiến điều chỉnh còn mang tính hình thức, do mong muốn và áp lực từ nhà đầu tư, chưa thực thi hiệu quả công tác thanh kiểm tra.

Theo ông Nghị, trách nhiệm thuộc về cơ quan lập và thẩm định quy hoạch. Bộ Xây dựng cũng có trách nhiệm khi thiếu đôn đốc thanh, kiểm tra và chưa kịp thời rà soát bổ sung quy định liên quan, đảm bảo điều chỉnh quy hoạch chặt chẽ.

Do đó, ông nhấn mạnh các giải pháp như đề xuất sửa đổi quy định về quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch đô thị, hoàn thiện quá trình lập quy hoạch, quy trình điều chỉnh cục bộ, rõ hơn thành phần trách nhiệm hội đồng thẩm định, đẩy mạnh thanh tra, cập nhật và nâng cấp thông tin….

Trả lời câu hỏi về việc di dời các trụ sở, bộ trưởng Nghị nói triển khai chậm là có cơ quan chưa thực sự quyết liệt, chậm xây dựng đề án di dời, ngân sách bố trí di dời hạn chế.

Bộ Xây dựng nhìn nhận trách nhiệm chung là chưa kịp thời, hiệu quả, tới đây sẽ tập trung vào thúc đẩy quy hoạch quốc gia, xác định danh mục cơ sở di dời, xây dựng cơ chế chính sách di dời theo đúng nhiệm vụ được giao. Các địa phương lập quy hoạch các cơ sở y tế, giáo dục, chuẩn bị nguồn lực và cơ chế chính sách cho di dời, quan tâm nguồn lực thực hiện công tác di dời…

Làm sao di dời nhanh các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục khỏi nội đô Hà Nội?

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) muốn biết việc điều chỉnh quy hoạch đô thị, bao gồm điều chỉnh tổng thể và cục bộ, hiện nay có biểu hiện tùy tiện và không đúng quy trình, chỉ tiêu, dẫn đến hệ lụy gì, nguyên nhân chủ quan và giải pháp khắc phục.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi thẳng đâu là nguyên nhân khiến việc phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh chậm trễ, tác động thế nào đến việc xây dựng quy hoạc vùng và quy hoạch cấp quốc gia, ai chịu trách nhiệm và giải pháp để đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chất vấn về giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Với tình trạng cư dân chung cư căng băng rôn đòi quyền sở hữu nhà, Bộ trưởng Nghị cho rằng nguyên nhân được xác định qua công tác thanh tra chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, quy chế chi tiêu, xác định sổ chung sổ riêng…

Thời gian qua bộ đã thanh tra xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư, khắc phục hạn chế, góp phần giải quyết dứt điểm khiếu nại và tranh chấp. Tuy vậy, ông Nghị cho rằng vẫn có những hành vi vi phạm pháp luật, nên phải quản lý vận hành bảo đảm đúng pháp luật và quyền lợi, xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Về hợp đồng xây dựng khi giá vật liệu tăng mạnh, ông Nghị nói theo quy định của pháp luật, với hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định, giá trị hợp đồng không đổi và không được điều chỉnh trong khi thực hiện. Với hợp đồng điều chỉnh, chỉ được điều chỉnh trong trường hợp bất khả kháng và hoàn cảnh thay đổi, xem xét điều kiện phải căn cứ vào từng trường hợp.

Bộ Xây dựng đã yêu cầu địa phương công bố giá vật liệu xây dựng, thường xuyên cập nhật điều chỉnh biến động giá thị trường, làm cơ sở điều chỉnh, tăng cường kiểm tra và đôn đốc. Hiện đã có 44 địa phương công bố giá, cơ bản bám sát thị trường.

Về việc thẩm định cấp phép, ông Nghị cho biết hiện Bộ Xây dựng được giao thẩm định các công trình, và bộ vẫn tiếp tục phân cấp cho các địa phương thẩm định công trình dự án nhóm B và cấp 2 trở xuống (chiếm hơn 60%), giúp giảm đáng kể hồ sơ thẩm định tại Bộ Xây dựng.

"Tới đây sẽ đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm cải cách hành chính nhưng tăng cường quản lý và chất lượng công trình. Về cấp phép xây dựng đã phân cấp toàn diện", ông Nghị nói.

Tại sao nhà từ 24 tầng trở lên Bộ Xây dựng phải thẩm định?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao - Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) - Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) nêu chuyện thời gian qua ở một số dự án nhà ở, cư dân căng băng rôn, tập trung đông người để đề nghị chủ đầu tư giao giấy chứng nhận sở hữu căn hộ. Theo tìm hiểu, nguyên nhân chậm giao là do chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc chưa hoàn thành các thủ tục về đầu tư, xây dựng. Bộ trưởng giải quyết vấn đề này như thế nào, có biện pháp, chế tài hữu hiệu?

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu việc đấu thầu hiện nay trong hợp đồng có đơn giá cố định, trong khi giá thực tế biến động lớn, nên nhiều doanh ngiệp trúng thầu các dự án đầu tư, đặc biệt dự án có vốn nhà nước, gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản, và hỏi giải pháp của bộ trưởng?

Đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) hỏi tại sao xây nhà từ 24 tầng trở lên phải do Bộ Xây dựng thẩm định, cấp phép, trong khi bộ chỉ có một đơn vị làm việc này. Bà Phượng muốn biết tới đây Bộ Xây dựng có giao cho các đơn vị ngoài bộ thẩm định không.

Giá nhà ở xã hội vẫn cao so với thu nhập người dân

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn chiều 3.11 - Ảnh: PHẠM THẮNG

Bộ trưởng Nghị cho hay việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách là một ưu tiên, nhưng việc tăng giá vật liệu, nhân công đã khiến thực tế không đáp ứng được yêu cầu.

Bộ Xây dựng đã có chính sách theo hướng tăng mức hỗ trợ cho người có công, xây mới là 60 triệu đồng, cải tạo nhà ở là 30 triệu đồng.

Về giá nhà ở xã hội, ông Nghị cũng nói mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là chưa đạt, do tính khả thi trong thực hiện, quy trình thủ tục phức tạp nên chưa đảm bảo nguồn cung, quỹ đất dành cho phát triển còn hạn chế và nguồn vốn chưa đảm bảo, chính sách ưu đãi khuyến khích chưa thực sự thu hút...

"Giá nhà ở xã hội còn tăng cao so với thu nhập người dân", ông Nghị cho hay để tăng nguồn cung thì sẽ thực hiện đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Liên quan tới việc điều chỉnh quy hoạch nông thôn, ông Nghị cho hay hiện chưa có quy định về điều chỉnh cục bộ, dẫn tới khó khăn vướng mắc, bộ sẽ rà soát, trình sửa đổi bổ sung quy hoạch đô thị và nông thôn, làm rõ quy trình trình tự, gồm điều chỉnh quy hoạch cục bộ nông thôn.

Giá nhà ở xã hội có thể rẻ hơn?

Cũng đặt câu hỏi về nhà ở xã hội, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) nói nhà ở xã hội hướng tới người lao động thu nhập thấp, nhưng hiện giá nhà ở xã hội vẫn rất cao, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu đồng/m2. Nguyên nhân là gì và có thể đưa giá nhà ở xã hội về mức phù hợp với thu nhập của người lao động thu nhập thấp?

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng trong điều kiện vật giá leo thang, mức hỗ trợ phát triển nhà ở của các đối tượng chính sách hiện nay đã lỗi thời, khó hiệu quả và hỏi hướng giải quyết.

Nhiều đô thị ngập úng do lấp ao hồ kênh rạch

Trả lời đại biểu Trần Văn Lâm, ông Nghị cho hay nguyên nhân của tình trạng ngập úng ở các đô thị là do tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, lấp hồ ao kênh rạch nên diện tích bê tông hóa tăng, công tác quy hoạch chưa đảm bảo yêu cầu và đáp ứng phát triển, dự án triển khai theo quy hoạch thoát nước còn hạn chế và nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị chưa đảm bảo yêu cầu.

Với trách nhiệm quản lý, bộ trưởng Nghị nhấn mạnh tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, khả thi, tính tới yếu tố biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, xây dựng đồng bộ công trình cấp nước cho quy hoạch, tăng thanh tra kiểm tra thực hiện quy hoạch…

Với vấn đề nhiều dự án đô thị, nhà ở của Hà Nội xuống cấp nhưng không thể cải tạo mà đại biểu Phan Đức Hiếu đặt ra, bộ trưởng Nghị cho hay nguyên nhân là quy định pháp luật về xây dựng đô thị trước đây chỉ mang tính nguyên tắc, nên khi bàn giao lúng túng. 

Dự án phân kỳ đầu tư kéo dài nên chậm triển khai và bàn giao. Nhiều dự án từ thời kỳ đầu xuống cấp, một số dự án chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Nguồn lực chính quyền đô thị hạn chế, không đủ người và kinh phí duy tu bảo dưỡng nên phải để chủ đầu tư chịu trách nhiệm.

Giải pháp là tiếp tục rà soát quy định, quy định rõ hơn chủ đầu tư, nhà đầu tư đề xuất phương án bàn giao ngay từ khi lập phương án báo cáo khả thi, quy định rõ hơn cơ quan nhà nước có trách nhiệm, sửa đổi các nghị định bổ sung quy định cụ thể về bàn giao, xử phạt vi phạm quy định…

Sau phần trả lời 3 câu hỏi đầu tiên, chủ tọa điều hành phiên chất vấn nhắc bộ trưởng Xây dựng "rút kinh nghiệm", tập trung vào giải pháp và chú ý thời gian.

Tập trung phát triển hiệu quả 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lệ, bộ trưởng Nghị cho hay kết quả giải quyết nhà ở cho người dân, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân trong khu công nghiệp, đến nay mới đạt 7,79 triệu m2 so với yêu cầu 12,5 triệu m2.

Vẫn còn tồn tại, vướng mắc như trình tự thủ tục đầu tư mua bán, xác định giá nhà ở xã hội, các chính sách ưu đãi, quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% cho thuê, chưa có quy định cho phép hợp tác xã được mua, cho thuê nhà ở xã hội…

Việc bố trí nguồn vốn cũng khó khăn, ngân hàng chính sách mới đáp ứng được 35% nhu cầu. Việc phát triển nhà ở xã hội chưa được quan tâm để tập trung nguồn lực đầu tư, chưa xác định rõ quỹ đất, chưa đảm bảo quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính.

Về giải pháp, bộ trưởng Nghị cho rằng cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, tháo gỡ vướng mắc trong nguồn cung...

Giải pháp tạo nguồn cung nhà ở xã hội?

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) chất vấn nguồn cung nhà ở xã hội còn ít, thời gian tới bộ trưởng có chính sách gì, nhất là về hỗ trợ vốn và đơn giản hóa thủ tục để nhằm tăng nguồn cung.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nói hiện nay việc phát triển, đô thị hóa tràn lan dẫn đến ở nhiều đô thị cứ mưa là lụt, không mưa cũng ngập, kẹt xe do xây dựng cao ốc rầm rộ. Giải pháp, chủ trương nào giải quyết tình trạng trên?

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Vĩnh Phúc) đặt vấn đề nhiều dự án khu đô thị, nhà ở ở Hà Nội sau một thời gian xuống cấp, nhưng chính quyền không thể cải tạo, nâng cấp, có phải vấn đề quản lý của bộ, thời gian tới giải quyết như thế nào?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ tham gia trả lời chất vấn

Sau khi Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên chất vấn, phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã điều hành phiên chất vấn với bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Ông Phương cho biết trong phiên chất vấn này, chủ tọa có thể mời thêm lãnh đạo một số bộ, ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó thủ tướng Lê Văn Thành tham gia trả lời, giải trình thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu trước khi nhận các câu hỏi và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, rằng bộ đã luôn nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội của đất nước.

Ông Nghị cũng cho biết nhận thức rõ trách nhiệm của mình về các hạn chế, tồn tại và những kết quả chưa được như mong muốn, đã và đang thực hiện kế hoạch để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm sớm khắc phục các hạn chế tồn tại của toàn ngành, của bộ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Giá nhà ở xã hội vẫn còn cao