Chiêu trò chống phá chính quyền

21/03/2019 12:04

Kẻ xấu xuyên tạc, rêu rao Nam đã bị “vu oan” và phong cho đối tượng này là “người hùng diệt BOT bẩn”.


Đối tượng Hà Văn Nam bị khởi tố để điều tra hành vi “gây rối trật tự công cộng” 

Sau khi Công an huyện Quế Võ (Bắc Ninh) ra quyết định khởi tố bị can Hà Văn Nam để điều tra hành vi “gây rối trật tự công cộng” tại trạm thu phí BOT Phả Lại ngày 31.12.2018, trên mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh, video kêu gọi “ủng hộ những người dấn thân trong cuộc đấu tranh chống các BOT bẩn”.

Kẻ xấu xuyên tạc, rêu rao Nam đã bị “vu oan” và phong cho đối tượng này là “người hùng diệt BOT bẩn”. Số bất mãn, cực đoan đã mở cái gọi là “cuộc thăm dò dư luận” cho rằng trong số hàng trăm nghìn ý kiến của tài xế, có gần 90% số ý kiến bênh vực Nam. Chúng suy diễn, quy chụp việc bắt giữ Nam là hành động tấn công, đàn áp, “cố tình hình sự hóa một vụ việc dân sự”, “có những hành động thô bạo để ngăn cản quyền giám sát chính đáng của người dân” để bảo vệ lợi ích nhóm.

Chúng ra lời “hiệu triệu” cư dân mạng cùng nhau góp gió thành bão, cùng chia sẻ một cảm nghĩ, băng rôn, khẩu hiệu, bài viết, chữ ký… dù nhỏ lúc này nhưng cũng góp phần đòi tự do cho “người hùng chống BOT bẩn”. Đồng thời yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện, vì ông ấy là “một tù nhân lương tâm” và phải hủy bỏ các dự án BOT vì nó gắn liền với chế độ “độc đảng toàn trị”, nó chỉ làm lợi cho quan chức, nhưng lại gây phương hại đến lợi ích của nhân dân. Đây là “chiêu trò bẩn” của kẻ cơ hội, bất mãn trong nước cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Khẳng định cơ quan chức năng có đủ chứng cứ để khởi tố và bắt tạm giam Nam vì y đã nhiều lần vi phạm tội danh “gây rối trật tự công cộng” được quy định tại điều 318 Bộ luật Hình sự. Đây là việc làm bình thường, cần thiết của cơ quan thực thi pháp luật nhằm góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước, giáo dục mọi công dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thượng tôn pháp luật.

Mặc dù một số trạm thu phí BOT đặt vị trí chưa phù hợp, giá thu phí thời gian đầu khá cao nên gây thắc mắc của người dân và doanh nghiệp vận tải, hiện các cơ quan chức năng cùng nhà đầu tư đang tìm cách tháo gỡ. Thế nhưng không thể phủ nhận những hiệu quả mà mô hình này đã góp phần khơi thông “huyết mạch” cho nền kinh tế quốc dân phát triển.

Đến nay, cả nước đã huy động được 68 dự án BOT đường bộ và đưa 58 dự án vào khai thác, với 88 trạm BOT thu phí. Các dự án đã phát huy hiệu quả, tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, nhất là giảm thời gian đi lại của hành khách, góp phần “ba tăng” (tăng vận chuyển, lưu thông hàng hóa; tăng kích cầu sản xuất trong nước; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế) và “ba giảm” (giảm áp lực nợ công; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm thiểu ô nhiễm môi trường).

Chủ trương đầu tư xây dựng các dự án BOT đường bộ của Đảng, Nhà nước ta là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Không chỉ ở nước ta, mà các nước, như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ… vẫn duy trì mô hình đầu tư này.

Mọi người cần tỉnh táo nhìn nhận, đánh giá các trạm thu phí BOT đường bộ khách quan, toàn diện, thấu đáo. Khi tham gia giao thông trên các dự án BOT đường bộ, mỗi người cần hiểu đúng quyền lợi, nghĩa vụ của mình, có thái độ, hành vi đúng mực, tuân thủ luật pháp, không tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT gây cản trở giao thông, không chia sẻ các thông tin xấu độc và không tham gia ký tên tập thể, mà hãy cùng chung tay giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

PHÙNG VĂN HẠNH(Tứ Kỳ)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiêu trò chống phá chính quyền