"Chiều thu quê em" là bài thơ thật hay của tác giả Trương Nam Hương. Qua bức tranh mùa thu thơ mộng, yên bình, nhà thơ đã bồi đắp cho mỗi chúng ta tình yêu thiết tha với quê hương, đất nước.
CHIỀU THU QUÊ EM
Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ
Chuồn kim khâu lá trong vườn
Hoa chuối rơi như tàn lửa
Đất trời được ướp bằng hương.
Con chim giấu chiều trong cánh
Để rơi tiếng hót khi nào
Hoàng hôn say về chạng vạng
Lục bình líu ríu cầu ao.
Dòng sông mát lành tuổi nhỏ
Nước tung tóe ướt tiếng cười
Con bò mải mê gặm cỏ
Cánh diều ca hát rong chơi.
Lúa bá vai nhau chạy miết
Dừa cầm gió lọt kẽ tay
Mây trốn đâu rồi chẳng biết
Chiều lo đến tím mặt mày!
Không gian lặn vào ngòi bút
Bé ngồi phác họa mùa thu
Quê hương hiện lên đậm nét
Buổi chiều rung động tâm tư.
TRƯƠNG NAM HƯƠNG
Viết cho tuổi thiếu nhi, thơ Trương Nam Hương in dấu những chân trời xa xanh đượm nồng ký ức. Mỗi tác phẩm thơ thường là một bức họa về thiên nhiên thật bình yên, trong trẻo và lắng đọng cảm xúc hồn nhiên. Nhờ đó, nhiều bài thơ của anh được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông, được độc giả nhỏ tuổi yêu mến và đón chào nồng nhiệt. Thi phẩm "Chiều thu quê em" dựng lên bức tranh chiều quê thanh bình, yên ả, đồng thời lan tỏa những “rung động tâm tư” sâu lắng, ngọt ngào trước mùa thu nên thơ.
Thật vậy, với 5 khổ thơ xuyên suốt tác phẩm, chỉ có khổ cuối bài là nói đến cảm xúc của bạn nhỏ khi một mình ngồi phác họa bức tranh chiều thu quê hương, 4 khổ còn lại chủ yếu miêu tả cảnh vật mùa thu bằng một ngôn ngữ thơ thật nhẹ nhàng, tinh tế. Mỗi khổ thơ là một góc nhìn từ bức tranh chiều thu thật đẹp và thanh bình, ẩn giấu trong đó biết bao tình cảm mến yêu và rung động của tác giả.
Trước hết, tín hiệu mùa thu ở khổ thơ mở đầu được Trương Nam Hương miêu tả qua nhiều sự vật khác nhau, song rất đặc trưng và gợi cảm về bức tranh chiều thu dịu dàng, yên tĩnh. Sợi nắng chiều mong manh, chuồn kim khẽ khàng “khâu lá trong vườn”, hoa chuối rơi một vệt đỏ như tàn lửa. Tất cả trở nên thơm tho như thể đất trời được ướp bằng một làn hương quyến rũ, mê ly: "Nắng chiều mỏng manh sợi chỉ/Chuồn kim khâu lá trong vườn/Hoa chuối rơi như tàn lửa/Đất trời được ướp bằng hương".
Nếu khổ thứ nhất nhà thơ tập trung miêu tả bức tranh chiều thu qua cảm nhận từ mảnh vườn gần gũi, thân thuộc thì đến các khổ thơ còn lại, không gian được mở rộng cao xa, thoáng đãng hơn. Vẫn buổi chiều thu yên ả, thanh bình, nhưng vẻ đẹp tập trung vào hình ảnh “con chim giấu chiều trong cánh”, vô tình để rơi tiếng hót giữa tầng không xa thẳm. Đẹp hơn nữa là khung cảnh lục bình trôi “líu ríu” nơi cầu ao và dòng sông mát lành những trò chơi của tuổi thơ tinh nghịch. Sự thú vị ở đây chính là tác giả cảm nhận mùa thu bằng tất cả các giác quan rất bén nhạy của mình với sự rung động vô cùng tinh vi qua phép tu từ nhân hóa đặc sắc: "Con chim giấu chiều trong cánh/Để rơi tiếng hót khi nào/ Lục bình líu ríu cầu ao/ Dòng sông mát lành tuổi nhỏ/Nước tung tóe ướt tiếng cười/ Cánh diều ca hát rong chơi".
Thú vị hơn, người đọc nhận ra trên đây, mỗi sự vật dường như có linh hồn, có cảm xúc và được hóa thân vào khung cảnh vui đùa của tuổi thần tiên ngộ nghĩnh. Nhờ vậy, chỉ từ bức tranh cảnh vật chiều thu ta vẫn như nghe có cả tâm tình và niềm xúc động thiêng liêng của con người trước cảnh sắc quê hương.
Đến khổ thơ thứ tư, bức tranh chiều thu hiện ra qua hình ảnh đồng lúa “bá vai chạy miết”, “dừa cầm gió lọt kẽ tay”. Thật ngộ nghĩnh và dễ thương, qua cái nhìn của Trương Nam Hương, lúa và dừa cũng tinh nghịch, hồn nhiên như các bạn nhỏ, cũng “bá vai”, “cầm gió” rong chơi giữa đất trời cao rộng. Nhờ vậy biện pháp nhân hóa ở đây thực sự phát huy hiệu quả nghệ thuật, làm cho các sự vật vô tri như có tâm hồn, có những hành động trong sáng và hồn nhiên rất đáng nhớ: "Lúa bá vai nhau chạy miết/Dừa cầm gió lọt kẽ tay/Mây trốn đâu rồi chẳng biết/Chiều lo đến tím mặt mày!".
Không gian mùa thu qua bốn khổ thơ trên với rất nhiều cảnh vật mang vẻ đẹp của làng quê Việt Nam thanh bình, hồn hậu. Từ ánh nắng chiều vàng, dòng sông xanh biếc, bèo lục bình trôi, cánh đồng lúa chín…, tất cả hóa thành bức tranh tuyệt đẹp “lặn vào ngòi bút” của bạn nhỏ đang say mê phác họa buổi chiều thu “rung động tâm tư”. Quả vậy, làm sao không xúc động, không rung cảm khi cảnh sắc mùa thu đẹp đến ngỡ ngàng, lắng sâu vào tâm hồn tuổi nhỏ: "Không gian lặn vào ngòi bút/Bé ngồi phác họa mùa thu/Quê hương hiện lên đậm nét/Buổi chiều rung động tâm tư".
"Chiều thu quê em" là bài thơ thật hay của tác giả Trương Nam Hương. Qua bức tranh mùa thu thơ mộng, yên bình, nhà thơ đã bồi đắp cho mỗi chúng ta tình yêu thiết tha với quê hương, đất nước. Mai này dù đi đâu về đâu, nhưng những ký ức tuổi thơ, những vẻ đẹp nơi làng quê xưa cũ vẫn “hiện lên đậm nét”, vẫn “rung động tâm tư” làm lòng ta xao xuyến khi nhớ về.