Xăng dầu thế giới "hạ nhiệt" có thể khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm tại kỳ điều chỉnh giá chiều nay 1.7.
Chiều nay 1.7 là kỳ điều hành tiếp theo của giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày/lần. Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật ngày 28.6 với RON92 là 148,5 USD/thùng, xăng RON95 là 155,7 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn nhiều so với ngày 21.6 (lần lượt là 153,5 USD/thùng với RON92 và 160,8 USD/thùng với RON95). Tương tự, giá các loại dầu cũng có xu hướng giảm khoảng 9 - 12 USD/thùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhận định việc giá dầu thế giới “hạ nhiệt” sẽ khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước bớt nóng. Kỳ điều hành chiều nay, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh giảm sau nhiều lần tăng “sốc”. Tuy nhiên mức giảm chắc không nhiều, có thể trong khoảng 500 – 700 đồng/lít.
Vị này cũng cho rằng, kỳ điều hành giá này, nhà điều hành có thể sẽ không thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn (BOG) với xăng nhằm làm dịu bớt sức nóng của mặt hàng chiến lược.
Trong khi đó, theo tính toán của lãnh đạo một doanh nghiệp khác, giá bán lẻ xăng dầu có thể được điều chỉnh giảm ít hơn, khoảng 100 - 200 đồng/lít, do giá dầu trên thị trường Singapore đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Tại kỳ điều hành trước, mỗi lít xăng E5 RON92 được điều chỉnh tăng 190 đồng, RON95 tăng 500 đồng và dầu tăng 380 - 990 đồng/lít. Cụ thể, sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 là 31.300 đồng/lít, RON95 là 32.870 đồng/lít. Hầu hết các mặt hàng dầu cũng đều tăng giá, trong đó, dầu diesel tăng mạnh nhất, thêm 990 đồng một lít, lên mức 30.010 đồng; dầu hỏa là 28.780 đồng/lít, tăng 950 đồng; dầu mazut là 20.730 đồng/kg, tăng 380 đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh đà tăng của thế giới chưa dừng lại, Quỹ Bình ổn (BOG) đã cạn, việc giảm thuế phí, theo các chuyên gia, là giải pháp duy nhất hạ nhiệt giá xăng trong nước.
Trước thực trạng giá xăng tăng nóng ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết mới đây đã trình Thủ tướng phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể chưa được tiết lộ.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm thêm 1.000 đồng (xăng), 500 đồng (dầu), theo các chuyên gia, vẫn quá ít. Do đó, việc giảm thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) là cần thiết.
Hiện mỗi lít xăng, dầu chịu bốn loại thuế gồm: thuế nhập khẩu 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế bảo vệ môi trường (1.900-2.000 đồng với xăng; 1.000 đồng một lít với dầu) và thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Ngoài ra, còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
Theo VTC