Chiều đông thương mẹ rưng rưng

23/01/2022 09:50

Bài thơ "Về thăm mẹ" của cố thi sĩ Đinh Nam Khương là một trong những thi phẩm lục bát giàu cảm xúc, khắc họa thành công hình tượng người mẹ nông dân nghèo khổ, tần tảo nhưng tình thương con vô hạn.

Về thăm mẹ 

Con về thăm mẹ chiều đông
Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà
Mình con thơ thẩn vào ra
Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi.

Chum tương mẹ đã đậy rồi
Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa
Áo tơi qua buổi cày bừa
Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.

Đàn gà mới nở vàng ươm
Vào ra quanh một cái nơm hỏng vành
Bất ngờ rụng ở trên cành
Trái na cuối vụ mẹ dành phần con.

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn
Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày...

ĐINH NAM KHƯƠNG

Bài thơ "Về thăm mẹ" của cố thi sĩ Đinh Nam Khương là một trong những thi phẩm lục bát giàu cảm xúc, khắc họa thành công hình tượng người mẹ nông dân nghèo khổ, tần tảo nhưng tình thương con vô hạn. Vẻ đẹp ấy neo lại trong lòng người đọc bằng một nghệ thuật thơ điêu luyện, tài hoa.

Trong bốn câu thơ đầu, tác giả giới thiệu hoàn cảnh người con trở về thăm mẹ. Đó là vào một buổi chiều mùa đông, trời đang nắng bỗng mưa rơi bất chợt. Người mẹ vắng nhà, cơm chiều chưa nấu nên bếp vẫn chưa thấy khói bay lên. Khung cảnh cửa nhà vắng vẻ, hiu quạnh. Qua việc giới thiệu giản đơn vậy, nhà thơ đã giúp người đọc hình dung về một người mẹ nông dân nghèo khổ, neo đơn, dường như mẹ chỉ có con là người yêu thương duy nhất. Một thoáng buồn, cảm thương, nhưng sâu lắng nhất vẫn là tình cảm đứa con nóng ruột cứ thơ thẩn vào ra trông ngóng mẹ về: "Con về thăm mẹ chiều đông/ Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà/ Mình con thơ thẩn vào ra/ Trời đang yên vậy bỗng òa mưa rơi".

Sau một thoáng cảm xúc nhẹ nhàng mong ngóng mẹ, nhà thơ đã dừng lại trước khung cảnh ngôi nhà, sân vườn quen thuộc. Người mẹ không xuất hiện, không được miêu tả cụ thể bằng da bằng thịt như nếp nhăn, áo vá, chân đất, lưng còng… thế nhưng người đọc vẫn hình dung một cách sinh động qua các vật dụng hằng ngày đang bày biện trước sân. Những hình ảnh quen thuộc ấy gắn với cuộc đời lam lũ, tảo tần của mẹ. Một chum tương mẹ tự tay làm đang đậy chiếc nón mê đã cũ, chiếc áo tơi một thời ra đồng cày bừa với mẹ giờ lại tiếp tục khoác hờ người rơm. Đàn gà con mới nở loanh quanh vào ra với chiếc nơm hỏng vành. Dường như các vật dụng trong căn nhà của mẹ cái gì cũng cũ kỹ, hư hỏng. Nhìn vật biết người, mẹ đích thị là một nông dân có cuộc sống lam lũ, tằn tiện nơi miền quê nghèo khổ. 

Tuy nhiên, cái hay, cái độc đáo của bài thơ không phải ở sự quan sát tỉ mỉ, tài miêu tả chính xác các vật dụng mà người mẹ nghèo thường dùng trong cuộc sống hằng ngày. Cái chính là tác giả xây dựng hình tượng thông qua các thủ pháp nghệ thuật đặc sắc đã tạo được cảm xúc cao độ, khơi dậy trong lòng người đọc một sự đồng cảm, yêu thương vô hạn đối với người mẹ chốn quê nghèo. Phép ẩn dụ được Đinh Nam Khương sử dụng nhiều lần để chỉ hình ảnh người mẹ nghèo như nón mê, áo tơi song vẫn khiến ta ngỡ ngàng, thích thú. Phép liệt kê qua một loạt từ ngữ như chum tương, nón mê, áo tơi, người rơm… có sức cuốn hút thật đặc biệt và gợi nhiều liên tưởng ý vị về việc làm hằng ngày của mẹ. Ngoài ra, cách biểu đạt mới mẻ, ấn tượng như “Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa” nghe sống động và hấp dẫn, cứ như mẹ đang hiện ra trước mặt người con, song tuyệt nhiên mẹ vẫn chưa về. Nhờ thế, khổ thơ thứ hai rất gợi hình, gợi cảm, có thể xem là hay nhất của bài thơ này: "Chum tương mẹ đã đậy rồi/ Nón mê xưa đứng nay ngồi dầm mưa/ Áo tơi qua buổi cày bừa/ Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm".

Đặc biệt, hình ảnh quả na cuối vụ trên cành mẹ để dành cho con đã nói lên tất cả những điều nhà thơ muốn nói. Ngoài phẩm chất tần tảo sớm hôm, vất vả để làm ra hạt lúa, củ khoai nuôi con khôn lớn nên người, mẹ muôn đời vẫn là biểu tượng thiêng liêng và cao quý nhất về tình yêu thương vô bờ bến đối với con mình: "Bất ngờ rụng ở trên cành/ Trái na cuối vụ mẹ dành phần con".

Quả na cuối vụ lắng qua tấm lòng người mẹ, không sao đếm đong hết được, tình thương ấy như núi cao biển rộng ngàn trùng mà suốt đời con không bao giờ hiểu thấu hết mẹ ơi!

Bài thơ khép lại bằng nỗi lòng của đứa con dành cho người mẹ nghèo suốt đời vất vả. Hai từ láy nghẹn ngào, rưng rưng không mới, nhưng đã đặt thật đúng chỗ, đúng lúc cần thiết để nâng ý tứ bài thơ lên thành một cảm xúc trọn vẹn ngập tràn, thể hiện tấm lòng biết ơn, cảm tạ ân tình hiền mẫu của đứa con xa xứ khi được trở về thăm quê, thăm mẹ. Dấu chấm lửng… ở cuối bài thơ gợi thêm nhiều trăn trở, day dứt về bổn phận và trách nhiệm, đồng thời cũng là tiếng lòng thương mẹ trào dâng tha thiết không nguôi: "Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn/ Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày…".

Với thể thơ lục bát nhẹ nhàng, sâu lắng; ngôn ngữ thơ trong sáng, giàu hình ảnh; cách biểu đạt chắc gọn trong cấu tứ và mạch cảm xúc thật dào dạt, bài thơ "Về thăm mẹ" của nhà thơ Đinh Nam Khương là nỗi niềm của đứa con trở về thăm mẹ với bao cảm xúc rưng rưng, nghẹn ngào trước những gì quen thuộc, gần gũi từ cuộc đời tảo tần, gian lao của mẹ. Bài thơ thực sự để lại nhiều dư vị đằm sâu trong trái tim người đọc từ khi nó ra đời đến nay, xứng đáng là tác phẩm thơ hay viết về hình tượng người mẹ của thi ca Việt Nam hiện đại. 

 LÊ THÙY YÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiều đông thương mẹ rưng rưng