Là quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng Gambia được mẹ thiên nhiên ban tặng khí hậu tuyệt vời và nhiều ánh nắng.
Một khoảnh khắc ở Tanji (Gambia). Nguồn: Theconversation.com
Trên bãi biển phía bên ngoài một khách sạn sang trọng gần Banjul, những chiếc ghế tắm nắng trống trải nằm dưới bóng cọ và những chiếc dù che nắng làm từ rơm, trong khi những con sóng thỏa thích xô bờ không bị những người đi tắm biển làm phiền.
Là quốc gia nhỏ nhất ở châu Phi và là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhưng Gambia được mẹ thiên nhiên ban tặng khí hậu tuyệt vời và nhiều ánh nắng.
Cũng chính vì lẽ đó, nền kinh tế của Gambia phụ thuộc nhiều vào du lịch - ngành đóng góp hơn 15% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này năm 2019, theo số liệu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Thông thường, mùa du lịch ở Gambia bắt đầu vào tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh doanh của nước này 2 năm liên tiếp.
Ông Malleh Sallah - chủ nhân của khách sạn 4 sao Tamala với 140 phòng cho biết trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các bãi biển ở nước này thường xuyên đầy ắp người.
Nhưng hiện giờ, trước mắt ông chỉ có một khách du lịch người Côte d’Ivoire và một đôi vợ chồng người Hà Lan đang đứng ngắm Đại Tây Dương. Trong nhà hàng và bể bơi có thêm vài người khách.
Hầu hết khách du lịch tới Gambia bị hấp dẫn bởi những bờ biển dài cát trắng và sự mến khách của những người dân ở đất nước tự mệnh danh là “Bờ biển tươi cười” này.
Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế để đề phòng dịch bệnh đã tàn phá ngành du lịch của Gambia, khiến nước này phải tìm cách thu hút du khách từ các quốc gia khác, kể cả các quốc gia ở châu Phi.
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lượng khách du lịch tới Gambia đã giảm từ mức 235.000 người trong năm 2019 xuống chỉ còn chưa tới 90.000 người vào năm 2020.
Khoảng 19% doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực trên khắp đất nước Gambia buộc phải đình chỉ hoạt động. Ngành du lịch tại Gambia đã bắt đầu gặp khó khăn vào năm 2019, sau sự sụp đổ của công ty lữ hành Anh Thomas Cook. Trong năm tiếp đó, số việc làm tại nước này sụt giảm đáng kể.
Bãi biển Bijilo ở Gambia. Nguồn: Theconversation.com
Theo Bộ trưởng Du lịch Hamat Bah, nước này đã mất khoảng 200.000 việc làm trong đại dịch COVID-19, điều này cũng dẫn đến gia tăng tội phạm tại Gambia, khi khoảng 20.000 người - gần 1% dân số tại đây - rơi vào cảnh nghèo cùng cực.
Ông Sallah là đồng sở hữu của tập đoàn giải trí Djeliba. Ông cho biết trong số 1.000 người được tuyển dụng trước đại dịch, chỉ có 1/4 tiếp tục duy trì việc làm.
Ba trong số 5 khách sạn thuộc tập đoàn Djeliba đã phải đóng cửa trong suốt 7 tháng diễn ra đại dịch COVID-19 và mới chỉ mở cửa trở lại trong thời gian gần đây. Khách sạn Tamala hiện cũng đã có 70% phòng có khách đặt, mặc dù vào mùa cao điểm nơi đây thường "cháy" phòng.
Doanh thu từ ngành du lịch của Gambia hiện đã phục hồi ở mức 1/3 so với trước khi đại dịch bùng phát và tỷ lệ này đang được tăng dần lên.
Một phần trong chiến lược mới của chính phủ nước này là thu hút du khách từ những quốc gia khác ở châu Phi, chẳng hạn nước láng giềng Senegal, hoặc Nigeria và Ghana - vốn là những nơi ít bị ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế đi lại. Sự thay đổi chiến lược này dường như đang mang lại kết quả.
Ông Sallah cho biết 80% số phòng có người thuê hiện phục vụ các khách hàng từ Tây Phi. Lượng khách du lịch từ châu Âu dường như cũng đang chứng kiến sự thay đổi do đại dịch. Lượng khách người Hà Lan và người Đức đang dần được thay thế bằng du khách Anh.
Du khách trên bãi biển ở Gambia. Nguồn: Africanews.com
Với việc chỉ có hơn 10.000 trường hợp mắc COVID-19 kể từ khi dịch bùng phát, Gambia được coi là điểm đến du lịch an toàn.
Mặc đù vậy, giới chuyển gia nước này cảnh báo sự phục hồi của du lịch sẽ phụ thuộc cả vào cách thức chính phủ Gambia tiếp tục phòng chống đại dịch cũng như sự ứng phó của các quốc gia khác đối với các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Theo TTXVN