Chia rẽ, hỗn loạn "rình rập" lưỡng đảng Mỹ hậu bầu cử

06/11/2020 19:00

Với những người ôn hòa và cấp tiến sẵn sàng đối đầu nhau ở cánh tả, cùng một loạt lực lượng đang hướng tới thời kỳ hậu Trump bên cánh hữu, tương lai mờ mịt về ý thức hệ dường như đang chờ đợi lưỡng đảng Mỹ.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) vận động ở Bắc Carolina hôm 21.10 và ứng viên Dân chủ Joe Biden tại Pennsylvania hôm 24.10

Theo truyền thống, các cuộc bầu cử tổng thống giúp vạch rõ tầm nhìn về chính trị trong tương lai của mỗi đảng. Khi bước vào Nhà Trắng hồi năm 2008, Barack Obama được cho là đã phục hưng hình tượng tiến bộ của một đảng Dân chủ ngày càng đa dạng. 8 năm trước đó, cựu tổng thống George W. Bush cũng tái tạo chủ nghĩa Cộng hòa, với thông điệp về "chủ nghĩa bảo thủ nhân ái".

Tuy nhiên, với những người ôn hòa và cấp tiến sẵn sàng đối đầu nhau ở cánh tả, cùng một loạt lực lượng đang hướng tới thời kỳ hậu Trump bên cánh hữu, tương lai mờ mịt về ý thức hệ dường như đang chờ đợi lưỡng đảng Mỹ. Những câu hỏi đặt ra cho cả hai đảng phần lớn chưa được giải đáp sau hơn một năm đầy biến động của chiến dịch tranh cử. Tranh cãi về Trump được cho là đã phủ bóng các cuộc tranh luận về cách điều hành đất nước giữa khủng hoảng quốc gia.

4 năm trước, Trump nhận được sự ủng hộ rộng rãi của phe Cộng hòa nhờ thông điệp phá vỡ tư tưởng bảo thủ chính thống về các vấn đề như trách nhiệm tài chính, chính sách đối ngoại và thương mại, nhưng một nhóm "vệ binh cũ" trong đảng lại muốn biến Tổng thống thành "kẻ phản diện", nhằm tránh sa vào chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy và những giả thuyết thiếu nền tảng chính sách nghiêm túc.

Cựu thượng nghị sĩ bang Arizona Jeff Flake nằm trong số đó. "Không gì giúp thu hút sự tập trung bằng một thất bại lớn. Đối với Tổng thống thì càng lớn càng tốt. Chủ nghĩa Trump là một ngõ cụt về nhân khẩu học". Cựu thượng nghị sĩ này muốn đảng Cộng hòa khôi phục một quá trình đánh giá từng được tiến hành hồi năm 2012, nhằm tìm hiểu lý do họ thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm đó. Bản báo cáo kêu gọi phe Cộng hòa tiếp cận tốt hơn các cử tri da màu và phụ nữ.

Tuy nhiên, Ari Fleischer, đồng chủ tịch dự án trên, cho rằng Tổng thống Trump đã hoàn thành mục tiêu mở rộng số lượng cử tri ủng hộ, nhưng theo cách hoàn toàn khác. Thay vì thu hút người da màu hoặc phụ nữ, ông chủ Nhà Trắng lại thúc đẩy tầm ảnh hưởng của đảng Cộng hòa trong tầng lớp lao động và cử tri da trắng.

Sara Fagen, giám đốc chính trị của Nhà Trắng dưới thời cựu tổng thống George W. Bush, cũng đồng tình. "Chủ nghĩa Trump đã trở nên vững chắc. Cơ sở của đảng Cộng hòa đã thay đổi. Ưu tiên của họ giờ đây khác với phương hướng dẫn dắt đất nước của Mitt Romney hay Bush", Fagen nhận xét.

Đảng Dân chủ cũng đối mặt với tình trạng chia rẽ trong nội bộ, xung quanh việc liệu có nên tận dụng cuộc khủng hoảng toàn quốc để thúc đẩy những thay đổi sâu rộng trong những vấn đề như y tế, bất bình đẳng kinh tế, hoặc biến đổi khí hậu, hay không.

Phe Dân chủ đã tập hợp nhóm chuyên trách riêng, nhằm nỗ lực đoàn kết đảng sau cuộc bầu cử sơ bộ đông đảo ứng viên năm nay. Các đề xuất của nhóm này phần lớn có phạm vi rộng hơn so với những gì Biden đề ra trong vòng sơ bộ, nhưng lại ngừng theo đuổi các chính sách cấp tiến chủ chốt, như "bảo hiểm y tế cho tất cả", Thỏa thuận Xanh Mới hay cấm khai thác dầu đá phiến.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Pramila Jayapal, đồng minh của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho biết những kế hoạch này là "mức sàn, không phải mức trần" mà phe cánh tả trong đảng Dân chủ sẽ yêu cầu nếu Biden chiến thắng.

Tại Texas, ngày càng nhiều chính trị gia cánh tả trẻ tuổi tin rằng họ có thể biến "thành trì" bảo thủ, vốn luôn bầu cho đảng Cộng hòa từ năm 1980, thành một "bang xanh" bằng cách theo đuổi đường lối cấp tiến.

ÁNH NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chia rẽ, hỗn loạn "rình rập" lưỡng đảng Mỹ hậu bầu cử