Chuyện riêng trong nhà bà Cải nhưng cả làng đều biết vì đám con cháu không giữ kín mà cứ tô tô truyền miệng từ người này sang người khác.
Cũng bởi họ bất bình, bức xúc, không hài lòng về cách cư xử của anh con trưởng của bà Cải. Họ bảo mang tiếng là trưởng, hai vợ chồng đều chức cao vọng trọng, tiền của như nước mà tham, không biết thương mẹ, không biết thương các em. Họ rủ nhau về một phe, kêu gọi cạch anh cả.
Chả là sau khi ông Cải đã mồ yên mả đẹp, bà Cải nằm bẹp một chỗ như tàu lá héo, năm người con của ông bà quây quần bên hòm đựng phong bì phúng viếng và bàn cách giải quyết thế nào cho hợp tình hợp lý. Anh cả quyết định không bóc phong bì mà chia ra làm sáu phần. Nhìn tên người phúng viếng để chia, quan hệ của ai thì người đó nhận, nhà nào mang về nhà đó mà bóc. Các mối quan hệ của ông bà Cải phúng viếng thì bà giữ. Lo hậu sự cho ông Cải hết bao nhiêu thì năm anh em chia đều ra rồi đóng góp, chứ không dùng đến tiền phúng viếng này. Bốn người con còn lại nhao nhao phản đối, họ muốn bóc phong bì ngay tại chỗ, được bao nhiêu dùng để chi trả luôn các khoản trong đám tang của bố, thiếu thì năm anh em cùng bù vào mà thừa thì gửi ngân hàng, lo cúng giỗ sau này và phụng dưỡng bà Cải.
Vợ chồng anh cả cương quyết không đồng tình. Anh xổ toẹt một tràng: “Các chú, các cô nghĩ đơn giản nhỉ? Không phải vợ chồng tôi biết mình có nhiều phong bì nhất mà làm vậy. Chẳng qua là cái nợ đồng lần, trong đống phong bì kia, có cái chứa hàng chục triệu đấy. Tôi không cầm về thì mai kia lấy gì mà đi trả nợ. Các cô các chú có đi trả nợ thay vợ chồng tôi được không?”. Cô út đỏ mặt, cự cãi: “Ai chẳng biết hai bác lắm mối quan hệ, toàn quan hệ nhớn nhưng họ viếng cha thì cứ để lo việc của cha, thiểu số phải phục tùng đa số. Nào! Các anh chị em biểu quyết!”. Anh cả vung tay định tát cô út: “Hỗn thật, cô dám vượt quyền của tôi ở đây à”. Anh thứ vội túm ngực áo anh cả đẩy ra: “Tôi thách anh dám đánh tụi tôi đấy. Đừng có giở thói côn đồ ở đây. Thế mà cũng mang tiếng có học”.
Bà Cải không thể nằm yên được nữa, chống gậy lò dò đi ra, giọng van vỉ: “Tôi xin các anh, các chị! Để cho cha các người ở dưới suối vàng được yên. Chia hết ra rồi mang đi cho khuất mắt tôi”. Chỉ chờ bà Cải nói thế, vợ chồng anh cả chia phong bì thành sáu phần. Chưa biết bên trong ruột phong bì thế nào nhưng chỉ nhìn số lượng phong bì là đủ biết vợ chồng anh cả ôm về phần nhiều nhất. Bốn người em đều tỏ ra hậm hực, có người bóc sạch phong bì mà không đủ đóng góp làm đám hiếu cho cha, phải bỏ tiền túi ra, còn vợ chồng anh cả thì chắc là lãi to. Thành ra anh em mất đi hòa khí.
Giá như vợ chồng anh trưởng đừng quá thực dụng, chấp nhận chịu thiệt một chút thì có lẽ các em sẽ phục lắm, nể lắm và bà Cải cũng mừng lòng. Đằng này, họ tính toán rất chi li.
Từ bữa đó bà Cải vẫn nằm bẹp một chỗ, còn câu chuyện “chia phong bì” của các con bà thì lan truyền khắp đầu thôn, cuối xóm. Ai cũng cho rằng đó là sự lạ bởi ở làng này, chưa gia đình nào làm vậy.
TRẦN THỊ LÀNH