"Chìa khóa" bảo vệ sức khỏe người lao động

18/04/2022 05:30

Quan trắc môi trường lao động giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có biện pháp cải thiện môi trường làm việc, người lao động tránh được nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.


Không ít cơ sở sản xuất chưa tuân thủ quy định quan trắc môi trường lao động

Sức khỏe của người lao động (NLĐ) ảnh hưởng lớn đến năng suất, hiệu quả công việc. Do đó, việc quan trắc môi trường lao động là rất cần thiết để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sớm có biện pháp cải thiện môi trường làm việc, giúp NLĐ tránh nguy cơ mắc các bệnh nghề nghiệp.

Nhiều nơi chưa quan tâm

Không ít NLĐ trong các xưởng chế biến gỗ ở làng nghề mộc Đức Minh (TP Hải Dương) phải làm việc trong môi trường bụi mù mịt, đậm đặc mùi sơn và tiếng ồn đinh tai, nhức óc. Khi đặt câu hỏi về môi trường sản xuất như vậy có bảo đảm sức khỏe cho NLĐ và doanh nghiệp có thực hiện quan trắc môi trường làm việc định kỳ theo quy định hay không thì nhiều chủ doanh nghiệp ở làng nghề này cho biết chưa bao giờ làm thủ tục quan trắc môi trường lao động (MTLĐ). 

Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động (năm 2015) và Thông tư số 19 của Bộ Y tế ban hành năm 2016 về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe NLĐ thì hằng năm chủ sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc MTLĐ ít nhất một lần. Bất cứ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nào dù lớn hay nhỏ thì khi có hợp đồng lao động phải thực hiện quan trắc MTLĐ. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) thì có không ít doanh nghiệp, nhất là cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trong khu dân cư, làng nghề chưa tuân thủ quy định này. Đặc biệt, hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khó khăn nên bỏ qua thủ tục quan trắc MTLĐ.
Anh Nguyễn Văn Giang, Trưởng Nhóm An toàn lao động của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) cho biết việc quan trắc MTLĐ định kỳ không chỉ để tuân thủ Luật An toàn, vệ sinh lao động mà đối với những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Australia hoặc một số nước châu Âu thì đây là yêu cầu bắt buộc, là một trong những tiêu chuẩn cứng để doanh nghiệp có thể đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.

Mặc dù quy định đã có nhưng không ít doanh nghiệp vẫn chưa tuân thủ việc quan trắc MTLĐ hoặc lờ đi nếu không bị kiểm tra, giám sát. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất muốn tiết kiệm chi phí hoặc đang tập trung mở rộng thị trường, đáp ứng các đơn hàng mới để nhanh chóng phục hồi sản xuất mà "quên" quan trắc MTLĐ định kỳ và cũng có không ít doanh nghiệp thực hiện theo kiểu đối phó. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát quan trắc MTLĐ của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, liên tục.

Phòng bệnh nghề nghiệp

Theo ông Lê Đức Minh, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), việc quan trắc MTLĐ rất cần thiết. Các chỉ số đo lường này giúp chủ sử dụng lao động kiểm soát được các yếu tố nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ, từ đó có giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường làm việc, tránh cho NLĐ mắc các bệnh nghề nghiệp.

Chị Đinh Thị Hiền, đại diện Công ty CP May Hải Anh (Bình Giang) cho rằng, MTLĐ không an toàn thì NLĐ sẽ dần bỏ đi và doanh nghiệp sẽ thiếu nhân lực. Môi trường làm việc an toàn cũng là một trong những tiêu chí để thu hút lao động. Doanh nghiệp cũng hạn chế được chi phí hỗ trợ khi NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp. Do đó, thời gian qua Công ty CP May Hải Anh luôn tuân thủ quy định quan trắc MTLĐ. Hằng năm, thông qua các chỉ số đo lường này, doanh nghiệp đánh giá từng phân xưởng sản xuất để kịp thời cải thiện môi trường làm việc phù hợp, không để ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng công việc. Doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống lọc bụi để tránh ảnh hưởng đến hệ hô hấp của công nhân. Mùa hè đã có hệ thống làm mát. Về lâu dài, doanh nghiệp cũng tính toán đến việc đổi mới công nghệ, trang bị máy móc hiện đại để vừa tăng năng suất vừa hạn chế tiếng ồn…

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện nay các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp đã xác định được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn một số nơi môi trường sản xuất, điều kiện làm việc chưa tốt. NLĐ còn phải làm việc trong môi trường có chứa nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại vượt mức cho phép như: bụi, ồn, khí độc, rác thải chậm được xử lý và cải thiện.

Hưởng ứng Tháng An toàn vệ sinh, lao động năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện an toàn lao động. Phối hợp với một số cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá môi trường làm việc của một số doanh nghiệp, nhất là tại doanh nghiệp có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần thường xuyên giám sát, lên tiếng khi phải làm việc trong môi trường không bảo đảm sức khỏe. Có thể thông qua tổ chức công đoàn phản ánh và yêu cầu chủ doanh nghiệp phải thực hiện quan trắc MTLĐ, công khai kết quả quan trắc để NLĐ giám sát…

Khi NLĐ được làm việc trong môi trường an toàn, không gặp những rủi ro về sức khỏe, tai nạn lao động họ sẽ coi nơi làm việc như ngôi nhà thứ hai của mình, từ đó sẵn sàng chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm giúp tăng năng suất, hiệu quả làm việc và chất lượng sản phẩm. Đó cũng chính là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Chìa khóa" bảo vệ sức khỏe người lao động