Chị Thụy tạo việc làm cho phụ nữ khó khăn

18/07/2023 09:29

Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thụy (sinh năm 1980) ở khu dân cư Ngọc Trì, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đã tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khó khăn tại địa phương.


Nhiều phụ nữ khó khăn được chị Thụy (bên trái) tạo việc làm và có thu nhập ổn định

Đến trang trại của vợ chồng chị Thụy vào 7 giờ sáng một ngày cuối tuần, nhiều nhân công đã đến, tranh thủ làm việc từ sáng sớm. Một trong số đó là chị Nguyễn Thị Toàn (sinh năm 1971) ở xã Phú Điền (Nam Sách). Chị Toàn sống một mình, hoàn cảnh khó khăn, làm việc ở đây từ năm 2018. “Tôi đã nhiều tuổi, làm công nhân không công ty nào nhận, may có chị Thụy tạo việc làm với thu nhập ổn định. Nếu chi tiêu tằn tiện còn có chi phí để phòng lúc ốm đau”, chị Toàn nói.

Nhiều phụ nữ ở đây hoàn cảnh khó khăn, đơn thân, có người không lập gia đình, có người chồng mất, con ở xa… đều được chị Thụy nhận vào làm với thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Chị hiện thuê 8 nhân công, lúc cao điểm có 20 người.

Để có được cơ ngơi như hôm nay, vợ chồng chị Thụy đã trải qua hàng chục năm vất vả, khởi nghiệp gần như từ con số 0 với vỏn vẹn 10 thước đất nông nghiệp. Lấy chồng khi cả hai tay trắng, lúc đầu, vợ chồng chị cũng làm nông nghiệp như những hộ xung quanh. Sau khi thấy các hộ lân cận muốn mua giống rau phải lên chợ huyện Nam Sách, chị bắt đầu bàn với chồng thay vì trồng rau thương phẩm thì trồng rau giống. Đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, vợ chồng chị cung cấp nhiều giống rau như su hào, cải bắp, rau diếp… 

Nhận thấy thị trường giống rau dần bão hòa, vợ chồng chị đã tìm hiểu và chuyển sang cung cấp giống nhiều loại cây hoa, cây ăn quả như cúc, ly, dơn, đồng tiền, hồng xiêm, xoài, mít… Gia đình chị đầu tư làm hệ thống nhà lưới, tưới nước tự động... để trồng cây giống. Hiện vợ chồng chị có gần 2 ha đất sản xuất, trong đó có gần 1,7 ha nhà lưới. Năm 2021, thấy thị trường hoa giống không còn hấp dẫn, đất trồng có biểu hiện chai, cho năng suất kém, vợ chồng chị quyết định chuyển sang trồng nho, vì đây là giống cây khỏe, cho năng suất cao.

Sau khi học kỹ thuật trồng nho sạch tại Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang, vợ chồng chị đã đưa các giống nho trên vào trồng với diện tích hơn 1 ha. Trước khi trồng, đất được nghỉ một thời gian, quá trình trồng và chăm sóc chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân ủ từ cá, đỗ tương… tạo ngọt cho quả nho. Đến nay, khoảng 2 sào nho hạ đen đã cho thu hoạch, tạo điểm check-in hấp dẫn với nhiều người trong tỉnh. Chị không thu tiền vào vườn check-in nên càng hấp dẫn hơn với nhiều người. Vườn nho của chị đã có hàng trăm lượt khách tới check-in và mua nho mang về. Nho được cắt và bán ngay tại vườn với giá 120.000 đồng/kg. Tuy cao hơn giá nho ngoài thị trường nhưng vườn nho nhà chị chỉ đủ bán cho khách đến mua tận vườn chứ không bán ở chợ. Chị cũng cung cấp cây giống, hướng dẫn trồng cây đúng kỹ thuật miễn phí cho những người có nhu cầu trồng nho.

Đến nay, vợ chồng chị Thụy có hơn 2 ha hoa, nho, cây giống với hệ thống phun nước và máy móc hiện đại, tổng trị giá hơn chục tỷ đồng; hằng năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng.

Thời gian tới, chị dự định đầu tư thêm các điểm check-in tại vườn sen, vườn dừa, tạo điểm nhấn bên cạnh vườn nho của gia đình, có thêm việc làm cho lao động địa phương.

Chị Vũ Thị Gấm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ái Quốc đánh giá, nhiều năm qua chị Thụy là hội viên phụ nữ tiêu biểu ở địa phương, không chỉ tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khó khăn mà còn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau, hoa giống cho nhiều hộ. Chị nhiều lần được các cấp hội, chính quyền khen thưởng, là tấm gương sáng vươn lên thoát nghèo ở địa phương.

BÌNH AN

(0) Bình luận
Chị Thụy tạo việc làm cho phụ nữ khó khăn