Sau Tết Nguyên đán là lúc nhiều hộ chăn nuôi ở TP Chí Linh tập trung tái đàn. Đây cũng là thời điểm chuyển mùa, dịch bệnh trên đàn gia cầm diễn biến phức tạp.
Trang trại của chị Nguyễn Thị Chinh ở khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh tiêm vaccine phòng cúm cho đàn gà
Nhiều hộ tái đàn
Trang trại chăn nuôi gà của chị Nguyễn Thị Chinh ở khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh đang nuôi 5.000 con gà trên diện tích 500 m2. Trong Tết, gia đình chị bán 2.000 con, giá từ 55.000-60.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 40 triệu đồng. Sau khi xuất bán, chị để trống một phần chuồng trại 1 tháng, tập trung vệ sinh, khử trùng chuồng trại.
Hiện trang trại còn 3.000 gà thịt sắp được xuất bán, 2.000 gà con đang trong giai đoạn nuôi úm, khi điều kiện thời tiết thuận lợi chị sẽ nuôi thả vườn. "Vài năm nay, gia đình tôi thường nuôi tránh vụ gà Tết vì giá rẻ, lãi không nhiều mà còn khó bán. Sau Tết, tôi nuôi gối vụ gà tiếp theo. Trung bình, mỗi năm tôi nuôi được 3 lứa gà. Nhiều trang trại ở đây cũng đang tập trung tái đàn", chị Chinh nói.
Anh Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Chí Linh cho biết mấy năm gần đây các hộ chăn nuôi đều né vụ gà Tết. Hiện có khoảng 50% số hộ tái đàn. Do chưa tự sản xuất được con giống nên các hộ phải nhập gà giống từ các nơi khác về, chủ yếu từ huyện Gia Lộc. Năm nay, do dự báo lứa gà Tết tiêu thụ chậm nên chỉ có 400 trong tổng số 600 hộ tái đàn với khoảng 70.000 con, giảm nhiều so với những năm trước. Dù vậy, đến nay chỉ có hơn 70% số hộ tiêu thụ hết gà Tết, số còn lại chưa có thương lái đến mua.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Chí Linh, trên địa bàn có hơn 1.000 hộ chăn nuôi với tổng đàn gia cầm gần 3 triệu con. Nhiều hộ đang tập trung vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị tái đàn nhưng ngành chức năng khuyến cáo, các hộ không nên tái đàn ồ ạt mà phải nghiên cứu trước thị trường, tránh tình trạng gà bị tồn đọng như hiện nay. Chủ các trang trại, gia trại phải chọn mua giống tại các cơ sở uy tín, rõ nguồn gốc; thực hiện tốt việc cách ly giống mới, bảo đảm an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Nâng cao ý thức phòng dịch cúm
Các hộ chăn nuôi tăng cường phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại 2 lần/tuần
TP Chí Linh là địa phương có đàn gia cầm lớn nhất tỉnh, lại giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh, nơi phát sinh ổ dịch cúm gia cầm vào đầu tháng 1.2020. Đây cũng là địa bàn có nhiều tuyến đường lớn thông thương với các tỉnh khác nên việc buôn bán, vận chuyển gia cầm khá sôi động. Thấy rõ nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm ở mức cao nên các hộ đã chủ động có biện pháp phòng ngừa để bảo vệ đàn gia cầm.
Ngay khi biết được thông tin dịch cúm gia cầm xuất hiện ở Quảng Ninh, anh Nguyễn Văn Lộc ở thôn Mệnh Trường, xã Bắc An đã thực hiện nhiều biện pháp vệ sinh chuồng trại. Định kỳ 2 lần/tuần, anh phun thuốc khử trùng chuồng nuôi. "Thời tiết mưa phùn, nồm ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát sinh. Ngoài vệ sinh chuồng trại, tôi còn dùng thêm các loại vitamin và thuốc bổ trộn vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng cho đàn gà. Các loại vaccine phòng bệnh đều được tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà theo đúng ngày tuổi. Đàn gà được nuôi cách ly với môi trường bên ngoài", anh Lộc cho biết.
Các trang trại chăn nuôi gia cầm khác cũng rất quan tâm đến phòng dịch. Chị Nguyễn Thanh Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Chí Linh cho biết: "Dịch bệnh cúm gia cầm đã từng phát sinh, gây thiệt hại cho chăn nuôi gia cầm trong tỉnh. Biết rõ những hậu quả nên những năm gần đây, người chăn nuôi luôn có ý thức phòng chống dịch bệnh.
Việc tiêm phòng được thực hiện tương đối đầy đủ, chuồng trại chăn nuôi bảo đảm hơn trước. Trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh nào lớn trên đàn gia cầm". Để chủ động hơn trong phòng chống dịch cúm gia cầm, thành phố yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để các hộ dân tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức phòng chống dịch cúm gia cầm.
Trong khi hậu quả do dịch tả lợn châu Phi còn chưa được khắc phục xong, người chăn nuôi lại phải đối phó với nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm. Nguy hiểm hơn, bệnh này còn có thể lây sang người khi tiếp xúc không an toàn với gia cầm mắc bệnh. Do vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm.
TRẦN HIỀN