May vá, thêu thùa là sở thích từ thời còn son rỗi của cô gái Đỗ Minh Kiên ở thôn Ngoại, xã Minh Hòa (thị xã Kinh Môn).
Từ nghề may, chị Kiên (đứng bên trái) đã tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương
Nhiều mẫu quần áo, váy do chính tay chị thiết kế trở thành “hàng hiệu” của nhiều người dân trong làng, ngoài xã. Phát huy sở trường, chị đã lập được xưởng may của riêng mình và tạo nhiều việc làm cho phụ nữ ở địa phương.
Chị Kiên xây dựng gia đình với anh Bùi Văn Thường ở cùng quê. Có thêm hai con, chi phí cuộc sống của gia đình cứ tăng dần lên trong khi anh Thường làm ở xưởng mộc, thu nhập bấp bênh. Lúc này chị Kiên thấy việc may quần áo tại gia đình không còn phù hợp nên đã gửi con nhờ ông bà nội ngoại trông giúp rồi xin vào làm may trong doanh nghiệp. Do có kinh nghiệm, lại nhanh nhẹn, tháo vát, vào làm chưa lâu chị được lãnh đạo công ty phân công vị trí tổ trưởng, chuyền trưởng. Từ đây chị càng có thêm động lực để gắn bó với công việc.
Việc làm tại công ty may xa nhà, thường xuyên tăng ca đã chiếm trọn thời gian hằng ngày của chị, những lúc con ốm đau, chị cũng không có mặt để chăm sóc. Mặc dù cuộc sống vật chất có ổn định hơn nhưng tình cảm mẹ con ngày càng xa dần. Sau nhiều đêm trăn trở, chị quyết định nghỉ việc tại công ty.
Nhờ vào các mối quan hệ, chị Kiên xin nhận sản phẩm thô về may tại gia đình, đồng thời động viên, hỗ trợ dạy nghề cho một số chị em có cùng hoàn cảnh con nhỏ. Nhận thấy tiềm năng phát triển may gia công một số sản phẩm tại nhà, chị đã bàn tính với gia đình mở xưởng may gia công các mặt hàng của doanh nghiệp. Được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, chị được vay vốn ưu đãi để mua máy may. Chị đã ký được một số hợp đồng may gia công các mặt hàng như quần áo, vỏ gối, chăn ga…
Cuối năm 2019, chị ký hợp đồng dài hạn với Công ty TNHH Thương mại, sản xuất và xuất nhập khẩu Hoàng Anh (TP Hải Dương). Từ đó, xưởng của chị chuyển đổi sang may túi lưới sinh học xuất khẩu. Từ 10 máy may ban đầu, đến nay xưởng đã có 50 máy. Mỗi năm xưởng may cho thu lãi trên 200 triệu đồng. Xưởng tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động với thu nhập từ 3,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Phần lớn lao động là những người có con nhỏ, người ngoài độ tuổi lao động. Chị Trịnh Thị Mơ ở xã Minh Hòa cho biết: “Tôi làm việc tại xưởng may của chị Kiên được hơn 1năm nay. Công việc ở đây rất phù hợp với mẹ bỉm sữa như tôi. Do gần nhà, làm không gò bó về thời gian nên tôi có thể chủ động đưa đón con đi học, mỗi tháng tôi được trả trên 5 triệu đồng”.
Thời gian tới, chị Kiên mong muốn tiếp tục tìm kiếm được đối tác, địa điểm thuê mặt bằng để mở thêm xưởng may túi lưới sinh học đựng nông sản. Qua đó tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho những người không có điều kiện làm việc tại các doanh nghiệp.
Chị Trương Thị Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Minh Hòa cho biết: “Thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của cấp trên, Hội Phụ nữ xã triển khai thực hiện nhiều mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhiều mô hình được hỗ trợ làm ăn hiệu quả, điển hình như mô hình may gia công túi lưới sinh học của chị Kiên đã tạo việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ ngay tại địa phương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Kiên còn tích cực tham gia phong trào hội".
ĐÀO HƯƠNG