''Về số lượng chúng ta đáp ứng đủ nhân lực cần thiết cho ngành công nghệ thông tin, nhưng chất lượng thì còn xa''.
Đó là nhận xét của ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ - thông tin, Bộ Thông tin - truyền thông, về nguồn nhân lực cho phát triển công nghệ thông tin tại hội thảo về định hướng chính sách chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, giai đoạn 2021 - 2030.
Hội thảo tổ chức ngày 13.12 tại TP Hồ Chí Minh, thu hút nhiều chuyên gia khu vực phía Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tuyên cho biết mỗi năm cả nước có thêm khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin với trình độ từ cao đẳng trở lên.
Về cơ bản, con số này đáp ứng được nhu cầu về số lượng, nhưng chỉ 1/3 trong số đó đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp đặt ra.
Ông Tuyên cho biết thêm theo thống kê hiện nay, trong hơn 250 trường đại học trên cả nước, có khoảng 150 trường đào tạo ngành công nghệ thông tin.
"Đây là con số rất lớn. Dù nhiều như thế, nhưng chỉ có 20 trường có chỉ tiêu tuyển sinh trên 400 sinh viên ngành này trở lên, còn lại chỉ nhỏ lẻ" - ông Tuyên nói.
Ông Lê Hoàng Ngọc, Giám đốc Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn số người tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin cũng nhiều hơn các ngành khác. Trong những đợt thi tuyển các vị trí liên quan đến công nghệ thông tin, số ứng viên dự tuyển nhiều hơn hẳn.
"Công nghệ thông tin như một ngành đại trà, trường nào cũng có thể dạy và học" - ông Ngọc nói.
Theo ông Tuyên, trong đào tạo ngành công nghệ thông tin cần ưu tiên tập trung chất lượng hơn số lượng, bằng cách thay vì chạy đua theo chỉ tiêu tuyển sinh thì nên chú trọng đầu tư để các kỹ sư có thể đáp ứng yêu cầu thực tế khi ra trường.
"Chúng tôi cũng sẽ đề xuất đầu tư mạnh hơn vào 20 trường lớn đang giảng dạy công nghệ thông tin ở Việt Nam" - ông Tuyên nói.
Bên cạnh đó, các trường có thể phối hợp các doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các bạn trẻ để có thể tiệm cận với những nhu cầu thực tế và bắt kịp các công nghệ mới.
"Cũng cần một chuẩn chung cho kỹ sư công nghệ thông tin khi ra trường, từ đó chương trình đào tạo và thi cử có thể đi theo" - ông Tuyên nói.
Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, cho rằng mối liên kết giữa nhà trường, nhà nước và doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết.
Ông kể một doanh nghiệp từng chia sẻ lý do trả lương cho nhiều bạn trẻ vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin thấp là do phải tốn công đào tạo lại, ít nhất 6 tháng. Tuy nhiên, nhờ trường đã giảng dạy 4, 5 năm trời nên doanh nghiệp mới có thể đào tạo thêm trong 6 tháng.
Nền tảng của các trường cho sinh viên là có, nhưng thật sự không thể đáp ứng 100% yêu cầu của các doanh nghiệp, do đó rất cần chính doanh nghiệp chung tay trong việc đào tạo nhân lực cho ngành này.
"Kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ cũng là một trong nhiều hạn chế của sinh viên ngành công nghệ thông tin khi tốt nghiệp" - ông Cường nói.
Theo Tuổi trẻ