Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 Developers Recruitment State, chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện đại vẫn còn thấp.
Nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin tại Việt Nam luôn tăng trưởng nhanh và mạnh
Cụ thể, trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin (CNTT) tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Sự chênh lệch này tiếp tục dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực CNTT dù số lượng đào tạo hằng năm của Việt Nam khá dồi dào.
Các số liệu thống kê từ năm 2018 - 2022 được đưa ra, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tại Việt Nam vẫn đang tăng cao liên tục. Năm 2021 Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực trong ngành CNTT trong khi số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người. Năm 2022, Việt Nam sẽ thiếu đến 150.000 nhân lực khi nhu cầu thị trường tăng lên đến 530.000 người.
Với nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực CNTT luôn trên đà tăng trưởng nhanh và mạnh, báo cáo dự đoán mức lương của nhân viên CNTT được doanh nghiệp tuyển dụng trong thời gian tới sẽ được phân loại rõ ràng hơn tùy theo trình độ của họ.
Chẳng hạn, bên cạnh kỹ năng chuyên môn vững vàng, những kỹ năng mềm như khả năng tư duy phát triển, giao tiếp, quản lý thời gian, trình độ ngoại ngữ... là yếu tố quan trọng trong quá trình tuyển chọn và đánh giá ứng viên của nhà tuyển dụng.
Sự biến động của tình hình chung do dịch bệnh gây ra cũng như sự đổi mới liên tục của công nghệ đòi hỏi ở các lập trình viên khả năng thích ứng nhanh và nhạy bén với mọi sự biến đổi. Các lập trình viên cần nâng cao kỹ năng công nghệ của bản thân với sự hiểu biết về các công nghệ mới và đột phá như: an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và máy học, điện toán đám mây...
Theo Tuổi trẻ