Chén nhục

26/01/2015 13:49

Nửa đêm thấy đứa em họ cập nhật dòng trạng thái đầy phẫn uất và chán nản trên chuyến tàu đêm Yên Bái-Lào Cai, tôi gọi cho em.



Giọng nó nấc nghẹn trong điện thoại: “Bố em say rượu nên đuổi mẹ con em ra khỏi nhà giữa trời mưa gió. Em đã không thể kiềm chế được mình…” Đây không phải lần đầu tôi nghe thấy chuyện như thế. Hình ảnh mẹ con thím dắt nhau gọi cửa nhà tôi xin ngủ nhờ đã quá quen thuộc trong ký ức tuổi thơ. Chú say rượu như cơm bữa bởi cái tính vui đâu chầu đấy, từ đầu làng cuối xóm, cứ ai có cỗ bàn là chú đến. Cỗ không động một miếng nhưng rượu thì chú uống tì tì, uống đến bao giờ say bí tỉ thì ngật ngưỡng đi về. Hình ảnh em tôi đi tìm người cha say rượu của mình đã từng khiến bao người thương cảm. Nó thường mặc cái áo rộng thùng thình, vạt áo đã quăn tít cứ thế lẽo đẽo đi sau bố. Tay nó lúc nào cũng giang ra hai bên để nếu cái dáng chân nam đá chân chiêu kia có đổ xuống thì còn kịp đỡ. Nhìn đứa em gầy còm lầm lũi, lòng tôi không khỏi xa xót. Chắc hẳn ước mơ của nó không vượt quá một giấc ngủ bình yên…

Đứa em họ càng lớn càng lầm lì và cục tính. Nó ít trò chuyện và bày tỏ cảm xúc trước mọi người. Có một ông bố suốt ngày say xỉn là nỗi xấu hổ ê chề với bạn bè. Bởi nhiều buổi chú cầm chai rượu đến trường quậy phá lôi nó về bằng được. Nhiều lúc tôi nghĩ phần lớn cuộc đời chú sống trong cơn say nên đã không hiểu được cảm giác của vợ con mình. Những ngày tỉnh táo ngắn ngủi không đủ cho những ý nghĩ tích cực nảy mầm, dù cả hai bên gia đình nội ngoại đã tìm mọi cách khuyên can. Chú lúc nào cũng có câu cửa miệng “còn sống thì còn uống”. Dân làng không còn gọi chú bằng cái tên cha sinh mẹ đẻ, từ người già đến trẻ nhỏ cứ hễ thấy bóng chú từ xa là buột miệng gọi “thằng say”. Chú đến nhà ai người ta cũng sợ, ban đầu vì thương nên cũng rót rượu mời nhưng lâu dần thì khinh, đến đâu người ta cũng tìm cách đuổi khéo về.

Thím từng bầm dập bao lần vì những trận đòn của chú. Cứ rượu vào là chú gây sự không cần biết đúng sai. Ban đầu thì đánh vợ, sau thì đánh con, ngà ngà hơi men ra đường chú đánh cả người dưng vô nguyên cớ. Tôi rất sợ phải nhìn thấy ánh mắt ngùn ngụt lòng thù hận như mỗi ngày mỗi lớn dần trong mắt đứa em. Dù nó vẫn đi tìm bố mình trong nhập nhoạng những cơn say nhưng ánh mắt đó mang đến trong tôi những dự cảm không lành. Thím tôi than “chỉ sợ có ngày không chịu đựng nổi nó sẽ đánh bố mình thì loạn hẳn”. Cuối cùng thì điều bất nhẫn ấy cũng đã xảy ra. Mẹ tôi điện bảo chú đang nằm cấp cứu trong bệnh viện vì bị xô ngã gãy xương. Tôi xót thương chú một thì đau hộ em mười. Em còn trẻ lắm, nhẽ ra cuộc đời của em, tuổi xuân của em tràn ngập những thương yêu đẹp đẽ. Nhưng cuối cùng nó lại chẳng khác gì địa ngục giam giữ em trong thứ bóng tối đáng sợ của hơi men. Để rồi em làm đau chính người sinh ra mình và hủy hoại cuộc đời em bởi một vết nhơ là đứa con đánh bố.

Chuyến tàu đưa em đi xa giữa đêm giông bão như trốn chạy. Chắc hẳn thím đang ngồi trong bệnh viện nhìn người đàn ông của đời mình thê thảm vì chén rượu. Lòng thím hẳn đang tan nát vì giận, vì thương, vì những đọa đày của cuộc đời này đổ lên vai thím. Còn thiên hạ hẳn sẽ chép miệng cười khan: “Chao ôi! Chén say là chén nhục”… Mong sao chuyến đi này sẽ thay đổi cuộc đời em.


 VŨ THỊ HUYỀN TRANG


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chén nhục