Theo Sở Tài chính, các quy định, chế độ, định mức cho cán bộ thuộc diện bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ đang áp dụng trên địa bàn tỉnh Hải Dương không còn phù hợp so với mức tăng lương cơ sở và tốc độ trượt giá của thị trường.
Đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bùi Học Anh phát biểu kết thúc buổi làm việc
Chiều 25.11, Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở Nội vụ, Sở Tài chính về 3 dự thảo tờ trình của UBND tỉnh về kế hoạch giao biên chế công chức, viên chức năm 2023; sắp xếp, sáp nhập, chia tách, thành lập mới một số thôn, khu dân cư; mức chi thực hiện một số chế độ chính sách cho cán bộ thuộc diện bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bùi Học Anh nhất trí với nội dung dự thảo tờ trình về kế hoạch giao biên chế năm 2023 với các nguyên tắc, kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tiễn địa phương. Về thẩm quyền ban hành nghị quyết, Ban Pháp chế và Sở Nội vụ sẽ tiếp tục xin ý kiến Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Thường trực HĐND tỉnh để thống nhất.
Lãnh đạo Sở Nội vụ giải trình một số nội dung đại biểu còn vướng mắc liên quan đến thẩm quyền ban hành nghị quyết về kế hoạch biên chế
Theo dự thảo tờ trình của UBND tỉnh, nguyên tắc xác định biên chế giao năm 2023 được thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, bảo đảm đến năm 2026 giảm ít nhất 5% số biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2022-2026. Theo đó, năm 2023, tổng số biên chế công chức đề nghị HĐND tỉnh phê duyệt là 1.835 chỉ tiêu, giảm 23 chỉ tiêu so với năm 2022.
Đồng chí Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh cơ bản nhất trí với dự thảo tờ trình chia tách, sáp nhập thôn, khu dân cư và cho rằng dự thảo đã bảo đảm căn cứ pháp lý, đúng quy định hiện hành và cần thiết ban hành. Dự thảo đề xuất thành lập 14 thôn, khu dân cư trên cơ sở sáp nhập, sắp xếp, chia tách, thành lập mới ở các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, thị xã Kinh Môn và TP Hải Dương. Sau sắp xếp, toàn tỉnh sẽ có 902 thôn, 444 khu dân cư, tăng 6 thôn, 2 khu dân cư. Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ tiếp tục rà soát nội dung, tiếp thu ý kiến của đại biểu tại buổi làm việc và tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện tờ trình.
Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện tờ trình
Về việc điều chỉnh mức chi thực hiện một số chế độ chính sách cho cán bộ thuộc diện bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bùi Học Anh đồng tình với quan điểm của Sở Tài chính cho rằng các quy định, chế độ, định mức cho cán bộ diện bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ hiện đang áp dụng trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ năm 2012, thấp hơn so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và hiện không còn phù hợp. Bên cạnh đó, từ năm 2012 đến nay, Nhà nước đã nhiều lần thay đổi mức lương cơ sở, tỷ lệ trượt giá các mặt hàng tiêu dùng tăng cao nên việc ban hành nghị quyết là cần thiết. Nhấn mạnh đây là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, đồng chí đề nghị Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp rà soát lại để bảo đảm đúng quy định.
Theo đề nghị của Sở Tài chính về chế độ khám sức khoẻ định kỳ, các đối tượng được khám tối đa từ 1.260.000 - 3.500.000 đồng/lượt khám, tần suất khám từ 1-2 lần/năm tuỳ từng đối tượng. Về chế độ điều dưỡng, quy định mức điều dưỡng là 3 triệu đồng/người/lượt, tần suất từ 1-3 năm/lần.
PHONG TUYẾT