Châu Âu đã thức tỉnh: Không thể cậy Trump, cũng chẳng thể nhờ Biden

09/11/2020 11:25

Nếu ông Biden làm Tổng thống, Mỹ cũng sẽ chẳng nhiệt tình hậu thuẫn châu Âu. Nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng EU cần phải củng cố tự chủ chiến lược về kinh tế và an ninh.

>>>Ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ


Báo chí Anh ngày 8.11 (giờ địa phương) đồng loạt đăng bài Joe Biden chiến thắng. Ảnh: AP

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) và các nhà phân tích đã cảnh báo một khi ông Joe Biden cầm quyền tổng thống Mỹ, EU sẽ tìm thấy một đồng minh và một đối tác, dù vậy EU không nên ảo tưởng Washington sẽ bảo bọc cho châu Âu.

Mỹ rồi sẽ trở thành "con vịt què"

Trong thông điệp chúc mừng Biden hôm 7.11 (giờ địa phương), Cao ủy EU phụ trách đối ngoại Josep Borrell tóm tắt vấn đề: "Chúng ta sẽ phải xây dựng lại quan hệ đối tác".

Chính quyền Mỹ đã bắt đầu thu hẹp vai trò chính trị và quân sự trên thế giới ngay từ thời Tổng thống Barack Obama và Joe Biden làm phó tướng.

Tổng thống Donald Trump tiếp tục xu thế này với hành động mạnh mẽ hơn làm dấy lên căng thẳng với EU.

Cựu chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker lập luận: "Ông ấy (Joe Biden) không thể thay đổi cách tiếp cận của Washington với các vấn đề quốc tế".

Ngoài ra, một khi Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong Thượng viện Mỹ, chính quyền của Biden rồi sẽ trở thành "con vịt què" như TS Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Ý nhận định.

TS chính trị học Markus Kaim người Đức nhận xét: "Mỹ sẽ vẫn tiếp tục co cụm". Hệ quả là "người châu Âu phải học cách sống không có Mỹ với vai trò đầu tàu" như giám đốc Viện nghiên cứu Jacques Delors (Pháp) Sébastien Maillard đề nghị.


Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ bên lề hội nghị NATO ở Anh ngày 4.12.2019. Ảnh: REUTERS

EU sẽ nhọc nhằn thức tỉnh 

Những người đứng đầu các thể chế ở châu Âu cảnh báo một khi Joe Biden làm tổng thống, mọi thứ có thể trở nên dễ dàng hơn nhưng "đừng trông đợi sẽ có thay đổi triệt để".

Nghị sĩ EU Arnaud Danjean (Pháp), chuyên gia về các vấn đề quốc phòng cảnh tỉnh: "Tin tưởng thời kỳ vàng son ảo diệu của quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ quay trở lại là không hiểu gì về quá trình phát triển của Mỹ và bối cảnh quốc tế".

Ông dự đoán sau cơn hưng phấn ngắn ngủi, châu Âu rồi sẽ nhọc nhằn tỉnh thức.

Các chuyên gia đều nhấn mạnh để bảo vệ lợi ích của mình, EU cần tiếp tục củng cố quyền tự chủ chiến lược về kinh tế và an ninh.

Nhà nghiên cứu Mujtaba Rahman, giảng viên Trường Thương mại Đại học New York và Học viện Chính trị Paris, phân tích rằng quan hệ EU - Mỹ không hoàn toàn u ám: "Mối quan hệ rồi sẽ dễ dự kiến hơn và mang tính xây dựng hơn về thương mại, NATO, Iran, Trung Đông và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nếu Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu".


Ngày 8.11 tại Tokyo (Nhật), người đi đường chụp ảnh với bài báo đưa tin Joe Biden chiến thắng. Có thể Biden sẽ trao cho EU nhiều trách nhiệm hơn để tham gia nhiều hơn vào châu Á. Ảnh: AP

NATO phân hóa

TS Nicole Koenig, chuyên gia quốc phòng ở Viện Nghiên cứu Jacques Delors, dự báo ông Biden sẽ không thay đổi quan điểm về trục xoay chiến lược hướng tới Thái Bình Dương do Washington điều hành và về Trung Quốc.

Biden cũng mong muốn chia tay với các cuộc chiến "không có hồi kết" để đưa binh lính Mỹ về nhà bởi hợp lòng dân.

Đối với NATO, các quyết định đơn phương của Tổng thống Trump và thái độ ác cảm của ông ấy với một số nhà lãnh đạo và thành viên NATO đã gây căng thẳng và chia rẽ trong NATO.

Một nhà ngoại giao giấu tên trao đổi với Hãng tin AFP rằng suốt thời gian qua Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã rất cực nhọc xoa dịu Trump. Hôm 7.11, ông Stoltenberg đã nhanh chóng khen ngợi Biden là "người ủng hộ mạnh mẽ NATO".

Dù vậy, TS Markus Kaim lưu ý nếu NATO kêu gọi bình thường hóa, Washington sẽ chỉ tập trung vào lợi ích của Mỹ và điều này "sẽ gây khó chịu cho châu Âu" vì các nước thành viên NATO đang phân hóa giữa phe ủng hộ châu Âu và phe ủng hộ Mỹ.

Một giải pháp trung dung

Trong một bài viết đăng trên trang web Politico châu Âu, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer - một nhân vật cổ súy thắt chặt quan hệ EU-Mỹ, nhận xét: "Ảo tưởng về tự chủ chiến lược của châu Âu phải chấm dứt. Người châu Âu không thể thay thế vai trò then chốt của Mỹ như một nguồn cung cấp an ninh".

Ngược lại, Bộ trưởng Clément Beaune phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp ghi nhận: "Chúng ta sẽ không bao giờ sống trở lại với thế giới trước đây, một thế giới trong sự bảo bọc và lòng nhân từ có hệ thống của Mỹ".

Tuy nhiên, một kịch bản trung gian có thể xuất hiện.

TS Markus Kaim đánh giá: "Joe Biden sẽ đề xuất một hình thức phân công theo vùng địa lý. Châu Âu sẽ đảm trách nhiều trách nhiệm hơn đối với an ninh và ổn định của khu vực lân cận châu Âu để Mỹ tham gia nhiều hơn vào châu Á".

Theo Tuổi trẻ


Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp gỡ bên lề hội nghị NATO ở Anh ngày 4.12.2019. Ảnh: REUTERS
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu đã thức tỉnh: Không thể cậy Trump, cũng chẳng thể nhờ Biden