Tăng trưởng tín dụng đã đạt mức dương tháng thứ 3 liên tiếp sau 6 tháng tăng trưởng âm. Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra là quá thấp...
Nguồn vốn dồi dào, nhiều gói tín dụng được triển khai nhưng các ngân hàng vẫn khó đẩy vốn vào thị trường
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh, đến hết tháng 9, tổng nguồn vốn huy động tại chỗ trên địa bàn tỉnh đạt 29.581 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cuối năm 2011. Trong đó, tiền gửi tổ chức kinh tế và kho bạc đạt 7.310 tỷ đồng, tăng 1,3%, tiền gửi dân cư đạt 22.271 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cuối năm 2011. Từ đầu năm đến nay, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đạt 30.102 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cuối năm 2011. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức dương tháng thứ 3 liên tiếp sau 6 tháng luôn duy trì ở mức âm (6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tăng trưởng âm 1,8%). Đây là dấu hiệu của sự phục hồi nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân dần tiếp cận với nguồn vốn để thúc đẩy phát triển sản xuất. Nhưng tốc độ tăng trưởng lại đang khá “ì ạch” cho dù các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai nhiều biện pháp để đẩy mạnh tăng trưởng.
Nhiều biện pháp…Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hải Dương triển khai hàng loạt gói tín dụng với lãi suất ưu đãi hướng tới khách hàng doanh nghiệp như: gói kích thích 25 nghìn tỷ đồng với lãi suất 9%/năm, gói 700 triệu USD cho vay ưu đãi với lãi suất 2- 3%/năm, gói cho vay hỗ trợ cá nhân và hộ kinh doanh vay xây nhà, mua nhà kinh doanh tài lộc với lãi suất 12%/năm với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng; gói cho ưu đãi lãi suất 9.000 tỷ đồng, lãi suất 11-11,5%... Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh KCN cũng triển khai gói cho vay doanh nghiệp vi mô lãi suất 12,5%/năm, gói cho vay đồng hành cùng doanh nghiệp lãi suất 10,5%/năm, cho vay chương trình tín dụng mục tiêu lãi suất 12,5%/năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Hải Dương vẫn tiếp tục triển khai gói 20 nghìn tỷ đồng cho khách hàng truyền thống với lãi suất chỉ từ 9 – 9,5%/năm, gói 5.000 tỷ đồng cho hộ kinh doanh ưu đãi với lãi suất 12%/năm. Các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)... cũng triển khai nhiều gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp và cá nhân nhằm giải ngân nguồn vốn khá dồi dào của mình.
Để doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận với các chương trình tín dụng này, các TCTD tiến hành rà soát các khách hàng vay vốn, chủ động thông báo tới tất cả khách hàng việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Tập trung đưa vốn vào các lĩnh vực ưu tiên: phát triển nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, ngành công nghiệp phụ trợ... Thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay cao nhất chỉ còn 15%, nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất dao động chỉ từ 11 - 12%/năm, thậm chí có những TCTD áp mức lãi suất từ 9,5 - 10%/năm cho những lĩnh vực ưu tiên theo Nghị quyết của Chính phủ.
… vẫn khó tăng trưởng Nhiều gói tín dụng được triển khai, nguồn vốn dồi dào nhưng các ngân hàng vẫn khó đẩy vốn vào thị trường. Bà Vũ Thị Yên, Phó Giám đốc MHB Hải Dương cho biết: "Năm nay, MHB được xếp nhóm 1 với chỉ tiêu tăng trưởng 17%. Tuy nhiên, với tình hình này, cố gắng lắm chúng tôi cũng chỉ có thể đạt mức tăng trưởng 5 - 7% kế hoạch. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ của MHB Hải Dương mới đạt khoảng 300 tỷ đồng, bằng 80% tổng dư nợ của năm 2011. Đạt được mức này cũng là một thắng lợi trong bối cảnh nền kinh tế vẫn trong tình trạng khủng hoảng, suy thoái”.
Cùng quan điểm này, bà Đồng Thị Mai, Giám đốc VIB Hải Dương cho biết, đạt được kế hoạch tăng trưởng được giao từ đầu năm là điều không hề dễ dàng. Hiện tại, dư nợ của VIB Hải Dương mới bằng khoảng 85% tổng dư nợ của năm 2011. Cũng được xếp vào nhóm 1 với chỉ tiêu tăng trưởng 17%, nhưng VIB Hải Dương đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay đã là một thành công ngoài mong đợi.
Là một ngân hàng lớn trên địa bàn, nhưng tốc độ tăng trưởng dư nợ của Vietinbank chi nhánh KCN cũng đạt thấp. Ông Lê Văn Nhuận, Giám đốc chi nhánh cho biết, đến hết tháng 9 - 2012, tổng vốn huy động của Vietinbank chi nhánh KCN là 1.200 tỷ đồng, tăng trên 100 tỷ đồng so với cuối năm 2011. Tuy nhiên, dư nợ lại tăng chậm khi mới đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, thấp hơn cuối năm 2011 gần 300 tỷ đồng. Năm nay, Vietinbank chi nhánh KCN được giao tăng trưởng 15%, nhưng chúng tôi phải cố gắng mới đạt mức tăng trưởng 5 - 7%.
Đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ của BIDV Hải Dương cũng mới đạt mức 3.600 tỷ đồng, đạt 5% chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch năm 2012. Năm 2012, BIDV Hải Dương không giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng là ngân hàng được xếp nhóm 1, mức tăng trưởng chấp nhận được cũng phải xấp xỉ hoặc thấp hơn chút ít chỉ tiêu chung. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương thì thời điểm này, tăng trưởng được 1% cũng là một sự nỗ lực, cố gắng của toàn chi nhánh.
Các ngân hàng khác như: Vietcombank Hải Dương, Vietinbank Hải Dương, Sacombank Hải Dương, Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)... cũng đều chưa đạt mức tăng trưởng dư nợ năm 2011. Vì vậy, việc đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như kế hoạch được giao của năm 2012 là vấn đề vô cùng khó khăn.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương, nhiều doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện, còn những doanh nghiệp đủ điều kiện lại thờ ơ với nguồn vốn của ngân hàng. Tình trạng suy thoái kéo dài của nền kinh tế khiến hàng loạt doanh nghiệp dừng sản xuất, giải thể hoặc phá sản. Bên cạnh đó, chính sách thắt chặt tín dụng kéo dài khiến thị trường nhà đất đóng băng quá dài, sức mua của người dân kém, lượng hàng tồn kho lớn. Năng lực của các doanh nghiệp rất yếu, khả năng hấp thụ vốn kém. Nhiều doanh nghiệp do không có tài sản thế chấp, dự án sản xuất, kinh doanh yếu hoặc chưa giải quyết xong nợ cũ... đều không được giải quyết vay mới. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện lại “không dám vay” do sức tiêu thụ của thị trường kém, hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được nên chỉ tập trung cơ cấu lại sản xuất, duy trì hoặc thu nhỏ quy mô, tìm cách tiêu thụ hàng tồn kho.
Có thể khẳng định, tăng trưởng tín dụng của các TCTD năm nay chắc chắn sẽ không đạt chỉ tiêu đề ra, dù đã điều chỉnh từ giữa năm. Từ nay đến cuối năm, nền kinh tế vĩ mô vẫn chưa cho thấy nhiều dấu hiệu khởi sắc. Các doanh nghiệp vẫn đang nghe ngóng diễn biến tiếp theo của thị trường tín dụng để có những kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể cho năm 2013.
Đến hết tháng 9 - 2012, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 30.102 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cuối năm 2011. Trong đó, tăng trưởng dư nợ của các tổ chức tín dụng nhà nước và cổ phần có vốn nhà nước chi phối đạt 22.873 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2011. Dư nợ cho vay ngắn hạn tăng 3,4%, dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng 8,2%, dư nợ cho vay bằng ngoại tệ quy ra đồng Việt Nam giảm 30,8% so với cuối năm 2011. Trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt 749 tỷ đồng, tăng 3,4%; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 13.944 tỷ đồng, chiếm 46,3% tổng dư nợ, đạt kế hoạch năm 2012 (từ 45 - 48%).
|
VỊ THỦY