Đến ngày 15.9.1972, thực hiện rút quân theo lệnh của trên, Đại đội 1 chỉ còn vài chục tay súng, trong đó có tiểu đội phó Hà Văn Sơn, người ở thôn Lại Ốc, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Hưng (nay thuộc Hưng Yên).
Cựu chiến binh Hà Văn Sơn kể chuyện ông trực tiếp bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972
Đêm 4.7.1972, Tiểu đoàn 17 Công binh thuộc Sư đoàn 325 sau những ngày hành quân cấp tốc từ miền Bắc đã đặt chân tại căn cứ Nhan Biều (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đại đội 1 bộ binh, đơn vị duy nhất của tiểu đoàn được cấp trên giao nhiệm vụ: Vào Thành cổ thị xã Quảng Trị, cùng với các lực lượng tại chỗ giữ thành cho đến khi nhận nhiệm vụ mới.
Ban chỉ huy Đại đội 1 y lệnh, triển khai tác chiến ngay. Sau khi vượt sông Thạch Hãn, Chính trị viên trưởng Cao Xuân Ý (người Nghệ An) và Đại đội trưởng Trần Xuân Phúc (người Cao Bằng) nằm tại hầm sát bờ sông, chỉ huy bộ đội chiến đấu. Chính trị viên phó Nguyễn Anh Đào (người Quảng Nam) và Đại đội phó Trần Xuân Cắng (người Nghệ An) cùng bộ đội vào trong thành...
Đến ngày 15.9.1972, thực hiện rút quân theo lệnh của trên, Đại đội 1 chỉ còn vài chục tay súng, trong đó có tiểu đội phó Hà Văn Sơn, người ở thôn Lại Ốc, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hải Hưng (nay thuộc Hưng Yên).
Hôm mới rồi, chúng tôi gặp ông Sơn và nghe ông kể chuyện giữ Thành cổ.
“Tôi thuộc Tiểu đội 9 (Trung đội 3, Đại đội 1) và là người duy nhất của tiểu đội này sống đến lúc quân ta rút khỏi Thành cổ. Tôi bơi qua sông Thạch Hãn sang bờ Bắc cùng với đồng chí Đại đội phó Trần Xuân Cắng” - ông Sơn bặm môi một lát rồi mới kể tiếp.
“Tiểu đội 9 có 12 người. Anh Nguyễn Đình Chinh, đảng viên (quê Thanh Hóa) làm Tiểu đội trưởng, tôi lúc đó đang là đối tượng “cảm tình Đảng”, giữ chức tiểu đội phó. Chúng tôi trực tiếp chốt giữ cửa phía tây và hơn 200 m bờ thành liền kề tính từ cửa tây về phía cửa bắc của Thành cổ. Tôi ở đấy 72 ngày đêm, in sâu trong óc trong tim vô số kỷ niệm có thể coi là bi tráng bậc nhất trong chiến tranh. Đặc biệt là ý chí kiên cường thực hiện mục tiêu nhiệm vụ của bộ đội ta trước sự tàn bạo khủng khiếp của kẻ thù. Các phương tiện thông tin đại chúng, các sách báo lịch sử cũng đã nói đến rất nhiều. Tôi chỉ khái quát một số điều tôi mắt thấy tai nghe.
“Ngày ngày, hỏa lực địch từ nhiều phía dội bão lửa vào vành đai xung quanh và bên trong thành. Liên tục những loạt đạn pháo đủ loại: pháo lớn 175 mm, pháo khoan 105 mm, pháo đinh (đạn to bằng cái đinh 10 phân, có cánh xoay như chong chóng, tạo lực đẩy găm ngập đinh vào cơ thể người tiếp xúc). Khi pháo dừng là bắt đầu sự hủy diệt bằng bom phạt và bom khoan các cỡ, cả tới 500 Bảng Anh; bom Na pan thiêu trụi mặt đất, bom bi các loại rơi như rắc mạ, chất độc hóa học mù trời… Thành cổ lúc nào cũng như có động đất. Những chỗ tường (bằng gạch, dày hàng mét) bị trúng bom và đạn pháo nứt đổ thảm hại…
Đối mặt với hỏa lực địch, chúng tôi vừa phải lo tránh thương vong, vừa phải tiêu diệt bọn lính của sư đoàn thủy quân lục chiến địch vào cướp thành. Bọn này thường tổ chức từng tốp vượt qua tường, thậm chí liều mạng ồ ạt tràn qua các cửa thành. Ngoài việc đánh trả địch bằng súng AK, lựu đạn, súng cối, các chiến sĩ ta còn kẹp súng trung liên vào nách truy kích địch, dùng hỏa lực B40 thiêu đốt chúng.
Quân ta thương vong, trừ trường hợp thi thể bị tan nát lẫn trong bùn đất chưa thể thu nhặt được, còn lại, chúng tôi tìm mọi cách để chuyển cho lực lượng tải thương đưa về phía sau nhanh nhất. Nhưng bên địch thì khác, xác chết để chất đống, vô hình trung trở thành hàng rào, bờ công sự, lá chắn cho quân ta.
Bảo đảm hậu cần vô cùng gian nan. Đêm đêm, bộ đội ra sông Thạch Hãn vớt những bao gạo sấy do được tiếp tế. Nước để ăn uống, nếu lấy ở sông Thạch Hãn thì đỡ tanh hơn. Nhưng ra sông nhiều lần, dễ bị địch phục kích bắn chết. Bởi vậy, phải lấy nước ở hố bom trong Thành cổ, để ngâm gạo sấy thành cháo. Có lúc không thể chờ "cháo", cứ nhai gạo sấy rồi uống một bát nước...
Sau khi Đại đội trưởng Trần Xuân Phúc bị thương phải trở về bờ Bắc, lại đến Chính trị viên Cao Xuân Ý bị mảnh đạn pháo địch văng vào mạng sườn. Tôi cùng với đồng chí Thìn - y tá đưa anh vào trạm phẫu trong ngôi nhà của tên tỉnh trưởng Quảng Trị cũ ngay sát Thành cổ. Anh Ý chưa có gia đình. Trước khi chết còn gửi tôi cái áo len xanh, anh mua ở TP Đông Hà hôm trên đường vào đây, nói là về đưa cho cô em gái anh. Tiếc thay, bom đạn đã làm cháy hết mọi thứ.
Trước ngày quân ta rút khỏi Thành cổ vài hôm, chúng tôi được cấp trên thông báo, một đơn vị của Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325) ở phía tây nam Thành cổ bị địch khống chế tứ bề, cần các lực lượng giúp giải vây. Tình hình vô cùng khẩn trương. Đại đội 1 chúng tôi lúc ấy cán bộ các cấp đã thương vong gần hết. Tiểu đội 9 còn một mình tôi. Tôi lên tiếng tập trung số anh em khỏe mạnh trong đại đội được gần hai chục người đi tham gia với các lực lượng giải cứu của Trung đoàn 95. Nhập nhoạng tối, chúng tôi vượt cổng Thành cổ phía tây, qua khoảng lưu không, tiếp cận đơn vị đang bị quân địch thắt chặt vòng vây.
Sau ít phút giao tranh, biết không thể vượt qua những ổ phục kích của địch có số quân đông và hỏa lực mạnh, chúng tôi vừa kiên cường chống trả chúng vừa cấp tốc đưa đồng đội bị thương vong ra, chuyển cho bộ phận tải thương, rồi rút về để tiếp tục giữ thành.
Đối với quân Giải phóng giữ Thành cổ, sự hy sinh xương máu diễn ra trong từng giờ, từng phút, nhưng không lúc nào nguôi ý chí quyết chiến quyết thắng. Ngày nào cũng như ngày nào, bộ đội mong có một vài phút yên tĩnh, thảnh thơi mà thực sự hiếm hoi. Song, kể cả những lúc gay cấn nhất cũng không hề có ai bàn chùn. Chỉ đến khi có lệnh của cấp trên mới chịu rút lui.
Khoảng 0 giờ ngày 16.9.1972, tôi trong nhóm anh em cuối cùng rời khỏi Thành cổ, vượt sông Thạch Hãn dưới những làn đạn tàn ác của địch”...
Trở lại căn cứ, Đại đội 1 được củng cố lực lượng rồi di chuyển đến vùng Tích Tường, Như Lệ phía tây thị xã Quảng Trị, tiếp tục chống giặc. Tháng 3.1973, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đối với công tác tuyên truyền chiến dịch chống quân địch tái chiếm thị xã Quảng trị, anh Sơn và một số đồng chí thuộc Tiểu đoàn 17 được đơn vị cử về quê hương (huyện Văn Giang) để báo công, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng trong quần chúng, tạo niềm hưng phấn cho thế hệ trẻ trước nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Sau đó, anh trở lại đơn vị, cùng đồng đội tiếp tục đánh giặc cho đến ngày toàn thắng…
Hòa bình, anh Sơn được học văn hóa hết lớp 10 phổ thông (hệ 10 năm) do quân đội tổ chức. Tháng 6.1977 anh xuất ngũ, hưởng chế độ dành cho thương binh mất 31% sức khỏe. Sau thời gian dự học bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trường đảng Nguyễn Ái Quốc tỉnh Hải Dương (nay là Trường Chính trị Hải Dương), anh trở về xây dựng quê hương. Đảng viên Hà Văn Sơn nhận huy hiệu 45 tuổi Đảng vào năm 2018. Tháng 6.2023 tới, anh tròn nửa thế kỷ đứng trong đội ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam…
PHẠM XƯỞNG