Người bệnh gout nếu không có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp trong dịp nghỉ lễ có nguy cơ gặp phải cơn gout cấp tính phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Bùi Huy Cận - Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cơ sở 3 - cho hay trong dịp nghỉ lễ người bệnh gout cần chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày để phòng tránh nguy cơ gout cấp tính.
Nếu đã được khám và chẩn đoán bệnh gout, cần chú ý tái khám, xin toa thuốc uống cho qua hết thời gian nghỉ lễ.
Đặc biệt, nên duy trì dùng thuốc điều trị bệnh đều đặn hằng ngày. Nếu dùng thuốc không đều hoặc tự ý bỏ thuốc sẽ làm bệnh dễ tái phát.
Ngoài ra, nếu có dùng thêm thuốc để điều trị những bệnh lý khác thì nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn. Tránh tự uống những thuốc có thể làm tăng acid uric/máu.
Trong thời gian dùng thuốc, nếu có lên cơn viêm gout cấp thì người bệnh cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị hạ cơn đau gout xuống.
Đối với chế độ ăn uống, dịp nghỉ lễ trên mâm cơm của mỗi gia đình đều có rất nhiều món ăn, những món ăn này giàu calo.
Do đó, người bệnh gout không nên ăn uống nhiều và phải kiêng những món ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng bệnh.
Cụ thể, cần tránh uống nước ngọt, nước tăng lực vì các loại này sẽ làm tăng nguy cơ kết tủa urat ở ống thận, tăng nguy cơ mắc bệnh và sỏi thận.
Với rượu, bia, đồ uống có gas, người bệnh càng không nên sử dụng vì các thức uống này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp gây tăng sản xuất acid uric và giảm đào thải uric qua thận.
Đối với đồ ngọt, nên hạn chế ăn sô cô la trắng (sữa), bánh kẹo để tránh thừa cân hoặc làm tăng đường/máu không tốt cho người bị bệnh đái tháo đường và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh gout.
Theo bác sĩ Cận, người bị bệnh gout cần tuyệt đối tránh ăn những loại thịt màu đỏ như thịt bò, thịt trâu, thịt dê, thịt ngựa, thịt chó… bởi chúng chứa hàm lượng đạm cao.
Nếu người bệnh ăn vào sẽ dẫn đến dư thừa protein, sản sinh và gia tăng acid uric/máu, gây ra các cơn đau gout.
Đặc biệt tránh ăn tạng phủ động vật như tim, gan, lòng, lá lách, thận, phổi do trong tạng phủ động vật có chứa lượng cholesterol và purin khá cao có thể gây ra các cơn đau gout cấp bất cứ lúc nào.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo như mỡ, da động vật, đồ chiên xào, những thực phẩm chế biến sẵn với nhiều chất béo như mì tôm, thức ăn nhanh.
Với thực vật, không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều nhân purin như măng tây, măng tre, nấm, giá đỗ, các loại đậu đỗ, bạc hà (dọc mùng)… dễ làm bộc phát cơn đau gout cấp.
Người bệnh gout tránh ăn gà tây, thịt ngỗng, trứng vịt lộn, hải sản, tôm, cua... bởi đây là những thực phẩm có hàm lượng purin cao, giàu đạm và chất béo.
Thay vào đó, nên sử dụng tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như dưa leo, củ sắn, cà chua… giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric/máu.
Ưu tiên ăn nhiều trái cây tươi chứa nhiều vitamin C, E như: cherry, dâu tây, dứa, nho, dưa hấu, táo, lê, đu đủ chín, các loại rau như cải bẹ xanh, súp lơ, rau cần, rau muống, rau ngót, lá lốt, rau cải xoong, cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ… vì vừa giàu vitamin C, E, vừa giúp đào thải acid uric/máu rất tốt cho người bệnh gout.
Bác sĩ Cận lưu ý, người bệnh gout cũng nên có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao hợp lý, kiểm soát cân nặng, để luôn đảm bảo có một sức khỏe dồi dào.
Duy trì thói quen tập thể dục, tránh làm việc nặng, quá sức. Nếu lỡ ăn nhiều món ăn giàu đạm, người bệnh nên tăng cường vận động để tiêu hao lượng calo dư thừa bằng cách đi bộ, đạp xe đạp hoặc khởi động tại chỗ…
Đặc biệt, luôn giữ cho mình trạng thái tinh thần vui vẻ, lạc quan và yêu đời. Tránh thức khuya, dậy sớm, lo âu và căng thẳng. Giữ ấm cơ thể để tránh bị cảm lạnh và đau nhức xương khớp.