Chậm nhất đến ngày 31.12 phải chấm dứt hoạt động của nhà máy lấy nước sông nội đồng

12/12/2019 18:22

Đây là yêu cầu của đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 12.12.


Đồng chí Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp

Trả lời chất vấn các đại biểu HĐND tỉnh về giải pháp khắc phục tình trạng "được mùa mất giá" trong mùa vải năm 2020 chiều 12.12, đồng chí Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết sẽ tập trung hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để có vụ vải được mùa. 

Sở tổ chức hướng dẫn các địa phương đăng ký cấp mã vùng sản xuất vải xuất khẩu và mã cơ sở sơ chế, đóng gói để đáp ứng xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc, Úc và Liên minh châu Âu (EU). Tiếp tục tổ chức tổ Lễ hội vải thiều Thanh Hà năm 2020. Đưa vải thiều tham gia các hội trợ quảng bá, giới thiệu vải thiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh có cửa khẩu xuất khẩu như Lào Cai, Lạng Sơn... Tích cực tìm kiếm, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thu mua, bảo quản, chế biến tiêu thụ vải thiều. Đẩy mạnh thông tin, quảng bá, ngăn chặn những thông tin thất thiệt gây hại cho việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều...

Trả lời chất vấn về các giải pháp ứng phó, khống chế các loại dịch tương tự như dịch tả lợn châu Phi, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết năm 2020, ngành nông nghiệp tập trung tham mưu ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chú trọng việc tiêm vắc xin phòng bệnh, vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát cơ sở giết mổ, vệ sinh thú y. 

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo huớng an toàn sinh học, từng bước chấm dứt chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trả lời đại biểu về đề nghị tỉnh cần áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Văn Quân cho biết trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án áp dụng công nghệ này vào sản xuất để tiết kiệm nguồn nước, tạo ra sản phẩm an toàn. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX, người dân áp dụng.

Về vấn đề ô nhiễm nguồn nước trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải, đồng chí Trần Văn Quân cho biết ngành nông nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp để thanh thải, khắc phục ô nhiễm nguồn nước nội đồng. Tuy nhiên, do hệ thống Bắc Hưng Hải được điều hành ở Trung ương, liên tỉnh nên tỉnh không chủ động được hoàn toàn. Trên hệ thống, các nhà máy thuộc địa bàn TP Hà Nội gây ô nhiễm nhiều nhất, Hải Dương ở cuối nguồn chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trả lời về việc 5 nhà máy cung cấp nước sạch vẫn sử dụng nguồn nước sông nội đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết nhà máy nước ở xã Lê Hồng (Thanh Miện) đã hoàn thành đường ống mua nước sạch từ Hưng Yên nhưng do trạm tăng áp đang lắp đặt nên nước yếu, hết tháng 12 này sẽ hoàn thành. Nhà máy nước ở xã Tiên Động (Tứ Kỳ) chuyển sang lấy nước ở sông Luộc, hiện đã hoàn thiện các thủ tục, đề nghị UBND huyện Tứ Kỳ sớm bàn giao đất để triển khai xây dựng. Nhà máy ở xã Trùng Khánh (Gia Lộc) đã mua nước của Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương, đang hoàn thiện lắp đặt đường ống...

Không đồng tình với ý trả lời của đồng chí Trần Văn Quân, đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) cho biết đến nay chưa có doanh nghiệp nào gặp huyện để thực hiện triển khai xây dựng nhà máy ở xã Tiên Động. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN-PTNT và Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ phối hợp hoàn thiện hồ sơ để doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà mày nước sạch ở xã Tiên Động.

Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho biết nhiều người dân không dám dùng nước sạch của nhà máy nước ở xã Lê Hồng mà quay lại dùng nước giếng khoan. Việc chuyển đổi nguồn nước của nhà máy bị chậm gần 2 năm nay. "Cần phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Nếu nhà máy không chuyển đổi đúng thời hạn thì tỉnh phải chỉ đạo để doanh nghiệp khác cung cấp nước sạch cho người dân", đại biểu Mạnh đề nghị.

Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, tổ chức sản xuất nông nghiệp tốt hơn nữa, theo hướng sản xuất sạch. Ngành nông nghiệp cần tham mưu cho tỉnh cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp sạch. Mỗi địa phương phải có ít nhất 1 sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu riêng, chất lượng cao, sản xuất quy mô lớn.

Các nhà máy cấp nước sạch chậm chuyển nguồn, hạn cuối cùng đến ngày 31.12  phải hoàn thiện, nếu không làm được thì phải chấm dứt hoạt động, chuyển đơn vị khác cấp nước sạch cho người dân. Các sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch, không được để người dân bỏ tiền mua nước sạch nhưng phải dùng nước không bảo đảm chất lượng.

Sáng 13.12, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc và bế mạc.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chậm nhất đến ngày 31.12 phải chấm dứt hoạt động của nhà máy lấy nước sông nội đồng