Nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa của Đại học Washington đang thử một phương cách mới: cấy ghép ốc tai điện tử vào người mắc hội chứng ù tai vừa đạt hiệu quả điều trị và không làm giảm chức năng nghe.
Dược phẩm và việc thay đổi lối sống phần nào làm giảm nhẹ hội chứng Meniere. Nhưng, bệnh có thể ngày càng nặng hơn đến mức cần can thiệp ngoại khoa. Tuy nhiên, việc giải phẫu có thể làm ảnh hưởng chức năng nghe cũng như sự cân bằng tai trong nên làm bệnh nhân thường xuyên chóng mặt.
Để khắc phục tình trạng trên, nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y khoa của Đại học Washington đang thử một phương cách mới là cấy ghép ốc tai điện tử vào người mắc hội chứng Meniere. Họ hy vọng phương thức này vừa đạt hiệu quả điều trị vừa không làm suy giảm chức năng nghe của bệnh nhân.
Hiện nay giới y khoa vẫn chưa hiểu rõ về cơ chế gây nên hội chứng Meniere. Người ta vẫn cho rằng một lớp màng trong tai bị vỡ bất thường làm rò rỉ dịch khỏi hệ thống tiền đình nên làm mất thăng bằng của não bộ.
Phương thức điều trị mới là cấy ghép thiết bị vào phần xương thái dương của hộp sọ, phía sau tai của bệnh nhân. Ba điện cực sẽ tác động vào phần mê cung của bệnh nhân, kiểm tra tín hiệu thần kinh. Bên cạnh đó người bệnh cũng sẽ mang một bộ xử lý nhỏ phía sau tai để nhận tín hiệu và điều hành các điện cực cấy ghép. Khi người bệnh cảm thấy hội chứng Meniere sắp xảy ra, họ sẽ kích hoạt hệ thống, truyền xung điện qua ba điện cực giúp cân bằng cơ thể đến khi các triệu chứng khó chịu qua đi.
Các nhà khoa học đã mất bốn năm nghiên cứu, đến nay thì Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ đã cho phép thử nghiệm ở diện hẹp đối với con người.