Cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả cao

30/11/2021 10:00

Xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh) là một trong những địa phương có nhiều diện tích trồng cây ăn quả với cơ cấu đa dạng. Tuy nhiên, hiệu quả nhất phải kể tới cây thanh long ruột đỏ.

Thanh long ruột đỏ được gắn tem truy xuất nguồn gốc và có bao bì sản phẩm hút người tiêu dùng

Hiệu quả dẫn đầu

Gia đình ông Hoàng Văn Toàn ở thôn Hố Giải đã nhiều năm gắn bó với cây vải nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế. Cuối năm 2019, ông phá bỏ toàn bộ vườn vải để trồng thanh long ruột đỏ. Sau hơn 1 năm trồng, 6 sào thanh long đã bắt đầu cho thu hoạch. Năm đầu tiên thu hoạch, sản lượng thanh long chưa nhiều nhưng hiệu quả đã thấy rõ. "Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá bán giảm nhưng lượng tiêu thụ ổn định. Với 7 lứa quả, sản lượng mỗi lứa từ 3-5 tấn, tôi đã thu lãi hơn 30 triệu đồng. Từ những năm sau, sản lượng quả tăng gia đình tôi sẽ có nguồn thu nhập cao và ổn định hơn", ông Toàn nói.

Ông Nguyễn Văn Xuyên cùng ở thôn Hố Giải là một trong những hộ đầu tiên đưa cây thanh long về trồng và phát triển trên đất rừng Chí Linh. Ông khẳng định: “Thanh long ruột đỏ hiệu quả cao hơn nhiều so với các loại cây ăn quả ở địa phương". Trước khi trồng loại cây này, ông Xuyên đã từng trồng vải, nhãn lồng, táo... nhưng thu nhập không cao, giá cả lại bấp bênh. Sau khi tìm hiểu nhiều loại cây trồng khác nhau, ông nhận thấy thanh long ruột đỏ có nhiều ưu điểm như nhanh cho quả, thu hoạch nhiều lứa trong năm, năng suất ổn định. Từ năm 2009, ông chuyển sang trồng thanh long, đến nay đã mở rộng lên 1 ha thanh long ruột đỏ. Mỗi năm ông thu hoạch từ 10-12 lứa thanh long, năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha. Giá bán thanh long ổn định từ 15.000-17.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi 200 triệu đồng/năm.

Sau 10 năm phát triển, thanh long ruột đỏ đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương và mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Hiện cả xã có 22 ha trồng thanh long, chiếm 10% tổng diện tích cây ăn quả. Thời gian tới, địa phương tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng gấp đôi diện tích trồng thanh long ruột đỏ, hình thành vùng chuyên canh gắn với du lịch trải nghiệm.

Thanh long ở xã Hoàng Hoa Thám được chăm sóc theo hướng hữu cơ nên chất lượng quả thơm ngon, vị ngọt đậm hơn ở các vùng trồng khác



Sản phẩm OCOP

Khác với những vùng khác, thanh long Hoàng Hoa Thám được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Văn Xuyên cho biết: "Phân bón sử dụng là phân hữu cơ ngâm ủ từ cá và đỗ tương lên men. Loại phân bón này giàu dinh dưỡng, tốt cho cây trồng". Cây được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ cho quả to và ngon, ngọt hơn so với sử dụng phân bón thông thường.

Thanh long ruột đỏ là loại trái cây chứa nhiều dinh dưỡng và được thị trường ưa chuộng. Đặc điểm nổi trội của loại cây này là dễ trồng, ít sâu bệnh và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương. Để nâng cao chất lượng quả, xã Hoàng Hoa Thám đã thành lập tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ thanh long an toàn với 35 thành viên. Các thành viên hỗ trợ nhau cả về khâu sản xuất và tiêu thụ. Hội Nông dân xã và các thành viên trong tổ đều thống nhất quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ để bảo đảm chất lượng quả được đồng đều, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Ông Phùng Gia Vương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám cho biết sản phẩm thanh long của xã đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc và bao bì sản phẩm. Ngoài thị trường trong tỉnh, thanh long của xã đã có mặt ở nhiều hệ thống cửa hàng hoa quả sạch khu vực miền Bắc và được người tiêu dùng đánh giá cao bởi vị ngọt đậm, chất lượng thơm ngon. Hiện sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ và đợi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao trong năm nay.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả cao
    ss