Tỉnh ta có 374 cây cổ thụ từ 100 tuổi trở lên. Đây là những “chứng nhân” đặc biệt gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, con người và quê hương Hải Dương.
Cây vải tổ thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) do cụ Hoàng Văn Cơm trồng
Về thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn (Thanh Hà), chúng tôi như lạc vào rừng vải thiều. Mùa này vải đang trổ hoa, hương thơm dìu dịu. Mấy ông chủ nuôi ong đã di chuyển ong về đây để tận thu mật. Người làng Thúy Lâm bảo, vải thiều ở đây và cả vùng Thanh Hà này đều có gốc gác từ cây vải tổ của cụ Hoàng Văn Cơm. Chủ nhân mảnh vườn có cây vải tổ là ông Hoàng Văn Thu, 82 tuổi, cháu 4 đời của cụ Hoàng Văn Cơm. Ông Thu cho biết, ông lớn lên ở đất này. Hai năm nay, vợ chồng ông bà lại về dựng căn nhà nhỏ sống hẳn ở đây để trông nom cây và miếu cụ tổ. Vườn vải của ông Thu có khoảng 20 gốc. Cây vải tổ nằm ngay sau miếu thờ cụ Hoàng Văn Cơm, tán lá trùm kín một khoảng vườn. Từ gốc cây, chúng tôi đếm được khoảng 20 thân lớn nhỏ. Dưới gốc cây có hai tấm bia, một do Hội Làm vườn Việt Nam, một do huyện Thanh Hà dựng. Các cụ già kể lại, cụ Hoàng Văn Cơm sinh năm 1848 trong một gia đình chức sắc trong làng. Thời trai trẻ, cụ thường cùng bạn bè buôn bán hoa quả ra Hải Phòng. Một lần dự tiệc với người Hoa ở một nhà hàng lớn, được ăn một loại vải ngon, cụ lấy 3 hạt về ươm ở vườn nhà, nảy thành 3 cây. Do chưa biết giá trị của giống vải mới, những người trong gia đình chăm sóc thiếu chu đáo nên chỉ sống được một cây. Cây vải được trồng ở vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp, lại thích nghi với khí hậu nên phát triển tốt, cho loại quả ngon nổi tiếng, được nhân dân ca ngợi: "Cau Phù Tải, vải Thúy Lâm". Từ cây vải quý, cụ chiết cành nhân ra vườn nhà, tặng những người ruột thịt. Qua thời gian, vải phát triển ra cả làng, rồi khắp vùng Thanh Hà, đến nay đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong miếu thờ cụ Hoàng Văn Cơm, ngoài tượng của cụ còn có bức trướng ghi: “Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm, ông tổ vải thiều”.
Ở Thúy Lâm hiện còn 8 cây thuộc thế hệ cây con của cây vải tổ. Vải thiều Thúy Lâm từng được nhân dân xã Thanh Sơn mang lên Hà Nội biếu Bác Hồ năm 1958. Cây vải tổ cũng từng được nhiều vị lãnh đạo Nhà nước về thăm. Đài Truyền hình Việt Nam đã làm bộ phim về huyền thoại cây vải tổ. Cuối năm 2011, một đoàn làm phim của Bỉ cũng đã đến đây làm phim. Vào mùa vải, mỗi ngày vườn vải của ông Thu đón hàng chục đoàn khách từ các nơi đến tham quan, thưởng thức. Năm nào cây vải tổ cũng cho quả. Năm nhiều khoảng hai tạ, năm ít cũng một tạ. Quả cây vải tổ vỏ đỏ hơn các cây khác, quả nhỏ nhưng cùi dày, bóc ráo nước, ngọt và giòn. Ai về đây cũng muốn nếm thử trái cây vải tổ. Và cây vải tổ đã trở thành biểu tượng của đất vải Thanh Hà.
Mang giá trị tâm linh đặc biệt là rừng lim cổ trên núi Thiên Bồng thuộc di tích đền Cao, thôn Đại, xã An Lạc (Chí Linh). Đây là rừng lim duy nhất ở tỉnh ta hiện nay. Mặc dù không ngừng tìm kiếm song chúng tôi vẫn chưa tìm được sử liệu nào ghi chép về xuất xứ, lai lịch. Từ lâu rừng lim trở thành điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích. Hiện rừng còn 54 cây có đường kính hai, ba người ôm. Với người dân An Lạc, rừng lim và ngôi đền là thần hộ mệnh, chốn linh ứng, chở che cho họ trong cuộc sống. Ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng lim cũng tự nhiên hình thành trong mỗi người dân địa phương. Ngày 25-2-2011, 54 cây lim cổ thụ đền Cao đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là "Cây di sản Việt Nam".
Cùng với cây vải tổ, 54 gốc lim đền Cao, trên mảnh đất xứ Đông còn có những cây cổ thụ có niên đại sáu, bảy trăm năm gắn liền với các trung tâm phật giáo lớn. Chùa Côn Sơn (Chí Linh) được nhà sư Pháp Loa cho xây dựng năm Hưng Long thứ 12 (1304), gọi là Kỳ Lân. Đến năm Khai Hựu thứ nhất (1329), chùa được mở rộng, đổi tên thành Côn Sơn do Huyền Quang Tôn giả trụ trì. Đến thăm Côn Sơn ta chìm trong cảnh đẹp thiên tạo, trong tiếng vi vút của thông đại ngàn. Những gốc thông vài trăm năm tuổi muôn hình vạn thế sừng sững trước cổng chùa, treo mình trên vách núi. Cùng với thông đại ngàn, trước cửa chùa còn có 4 cây đại cổ thụ được cho là cùng tuổi ngôi chùa. Trải qua trên 700 năm, thân đại đã xù xì, nằm ngả trên đất. Cũng ngần ấy tuổi là cây đại bên ngọn Viên Thông Bảo Tháp, nơi an nghỉ của Đệ nhị Pháp Loa, xây dựng năm 1334 tại chùa Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Cây đại có thân hơn vòng tay ôm này được nhận định trồng khi ngọn tháp được dựng. Ở chùa Thanh Mai hiện cũng còn nhiều gốc vải cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Còn tại chùa Thánh Quang, xã Nhẫm Dương (Kinh Môn) thờ đức Thánh tổ Thủy Nguyệt, người có công trong sự nghiệp hộ quốc an dân, xây dựng nền Phật giáo nước nhà thời Trần, hiện có một cây thị cổ thụ lớn có tuổi ước 600 năm.
Trên mảnh đất xứ Đông còn có những cây cổ thụ gắn với những sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc. Vũng Trần Xá thuộc thôn Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) nằm ở sông Kinh Thầy được cho là nơi nhà Trần họp hội nghị Bình Than (1282). Tại đầu làng Trần Xá bây giờ còn hai gốc ruối cổ thụ tán xòe rộng một vùng, thân xù xì, to hai người ôm mà nhân dân truyền tụng là nơi buộc ngựa của quan quân khi về họp hội nghị trên sông. Ngoài ra, về các vùng nông thôn trong tỉnh ta dễ dàng bắt gặp những cây đa, si, gạo, đề. Những cây cổ thụ này gắn với sự hình thành các ngôi làng Việt.
Theo đợt kiểm kê di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và danh lam thắng cảnh năm 2009 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trừ các vùng rừng nguyên sinh, trên địa bàn tỉnh ta có 374 cây cổ thụ các loại có độ tuổi từ 100 năm trở lên, chủ yếu là đa, gạo, lim, si, thị, ruối, phân bố ở các di tích lịch sử văn hóa, các ngôi làng… Địa phương có nhiều cây cổ thụ nhất là Chí Linh (72 cây), Tứ Kỳ (70 cây), ít nhất là Thanh Miện (3 cây). Hiện phần lớn các cây này nằm trong các khu di tích lịch sử nên được bảo vệ theo Luật Di sản và được nhân dân gìn giữ. Tuy nhiên, một số cây không nằm trong các di tích vẫn chưa có giải pháp bảo vệ. Do vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để cả cộng đồng vào cuộc giữ gìn, bảo vệ những tài sản quý giá này.
NGỌC HÙNG