Với chiếc xe thô sơ, hằng ngày những người bán cây cảnh dạo vẫn miệt mài len lỏi tới từng khu phố để bán hàng mưu sinh...
Mỗi ngày anh Đệ chở 40-50 giò lan rừng trên chiếc xe Cup cũ kỹ từ Hưng Yên sang bán tại TP Hải Dương
Từ vài năm nay, hình ảnh những người bán cây cảnh dạo đã trở nên quen thuộc với người dân TP Hải Dương. Bà Sang ở khu 3, phường Hải Tân (TP Hải Dương), một người có thâm niên bán cây cảnh dạo cho biết, hiện phường có khoảng 20 người làm nghề này. Ngoài 3 tháng chăm chút đào Tết, thời gian còn lại, họ làm nghề bán cây cảnh rong. Mỗi ngày dù nắng hay mưa, họ đều cần mẫn kéo cây len lỏi khắp các ngõ phố. Tuổi đã cao như bà Sang cũng chở gần 20 cây, với những người trẻ, số lượng cây còn nhiều hơn. Vừa đưa tay quệt mồ hôi trên trán, bà Sang chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi bộ hơn 20 km qua nhiều con phố để bán hàng. Gần 60 tuổi rồi, sức khỏe yếu nên đi một chút lại phải nghỉ. Tiết trời mùa hè nóng nực, chỉ đi bộ không trên đường nhựa nóng hầm hập đã vất vả, huống chi còn phải kéo thêm cả chiếc xe chở đầy cây cảnh”.
Có không ít người bán cây cảnh rong là người Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa... Vì gánh nặng mưu sinh, họ tới tận đây bán hàng. Chị Ngọc, một người chuyên bán lan rời trên đường Bạch Đằng, quê ở tận Hoài Đức (Hà Nội), cách Hải Dương cả trăm cây số, nhưng tuần nào chị cũng dành 4 ngày để chở lan xuống bán. Gắn bó với nghề được gần 2 năm, ngày thì chị chở lan qua Hải Dương, ngày ở lại Hà Nội, lúc lại xuống Hải Phòng. “So với lan giò, lan rời rẻ hơn nhiều, lời lãi ít, ngày bán được, ngày không, thu nhập cũng chẳng đáng là bao. “Thân gái dặm trường” vất vả lắm, nhưng không đi làm thì lấy gì để trang trải cuộc sống” - Chị Ngọc ngậm ngùi.
Cũng có khá đông “cánh mày râu” làm nghề bán cây cảnh dạo. Tại khu vực Quảng trường Thống Nhất (đối diện với Trung tâm Thương mại) có 6-7 người bán cây cảnh dạo trên xe gắn máy. Mỗi chiếc xe máy chỉ chở 1-2 cây sanh, phi lao... được uốn nắn, tạo dáng cẩn thận. Anh Giang, một người bán hàng cho biết: "Hầu hết chúng tôi đều có nhà vườn, mang cây đi bán để kiếm thêm thu nhập. Tôi ở An Châu (TP Hải Dương) còn gần, có anh ở tận Nam Định cũng chở cây ra ngoài này bán. Bán hết cây lại về quê lấy hàng, nếu không sẽ thuê trọ ở lại. Có khi bán chậm phải ở trọ lại 2-3 ngày".
Vất vả là thế nhưng những người bán hoa, cây cảnh dạo chỉ lãi được từ vài chục đến 100 nghìn đồng/ngày. Với những người như bà Sang, giống cây tự ươm, đi lại ít tốn kém, số tiền đó coi như lấy công làm lãi, còn những người như chị Ngọc thì không thấm tháp so với chi phí đi lại, giống, vốn… Thu nhập không đáng là bao, nhưng họ đều đã có thâm niên trong nghề. Anh Vũ Văn Đệ ở Hưng Yên cũng đã “rong ruổi” cùng lan tới nhiều nơi như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Mặc dù là một nhà vườn ở Hưng Yên, nhưng do phong trào chơi lan ở đây chưa thực sự phát triển, nên anh phải đi bán thêm để tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay cũng đã 5 năm làm nghề. Anh chia sẻ: Gắn bó với nghề này rồi cũng khó dứt ra, vì ngoài mục đích kinh tế, tôi còn muốn lan được nhiều người chơi và yêu thích nữa.
Dạo một vòng qua điểm bán cây cảnh ở Quảng trường Thống Nhất, sau khi hỏi giá một cây sanh, chúng tôi được ông chủ “thét giá” 9,5 triệu đồng. Nhưng sau một hồi nói chuyện, giá hạ xuống chỉ còn... 5 triệu đồng (mặc dù chúng tôi chưa hề mặc cả). Bên cạnh đó, còn không ít người bán hàng theo kiểu “cây giả - giá thật”. Đó là nguyên nhân khiến nhiều khách hàng tỏ ra không mấy thiện chí với những “cửa hàng lưu động” này. Chị Đỗ Thùy Trang (ở phường Quang Trung, TP Hải Dương) cho biết: “Mua cây cảnh của những người bán rong phải thật tinh ý, nếu không sẽ mua phải cây vừa kém chất lượng, giá lại cao. Có lần tôi đã mua phải cây trà “mù”, hoa được gắn bằng... keo 502, cây chỉ được trồng qua quýt nên sau đó cứ héo dần rồi chết. Từ đó, tôi không còn mấy hứng thú với cây cảnh rong nữa”. Suy nghĩ ấy cũng là trăn trở của bà Sang: “Con sâu làm rầu nồi canh”, vì vẫn còn người bán hoa kém chất lượng nên chúng tôi cũng bị “vạ lây”. Khách tới xem hàng khá đông nhưng lượng người mua không nhiều. Họ còn đắn đo vì sợ cây không bảo đảm chất lượng.
Việc bán cây cảnh rong cũng tạo nhiều thuận lợi cho khách hàng và mang lại lợi nhuận cho người bán. Tuy nhiên, việc bán rong trên các tuyến đường vừa ảnh hưởng tới an toàn giao thông, lại gây mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, người bán cần tìm những địa điểm thích hợp để ổn định hàng quán. Bên cạnh đó, họ cần bán hàng bảo đảm chất lượng, tạo niềm tin cho khách hàng.
HỒNG HẠNH