Các nhà khoa học tìm thấy cây nắp ấm Thorel ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) sau hơn một thế kỷ vắng bóng.
Cây nắp ấm Thorel. Ảnh: Redfernnaturalhistory. |
Cây nắp ấm Thorel (Nepenthes thorelii Lecomte) được phát hiện trong chuyến khảo sát giữa Viện Sinh học Nhiệt đới và các nhà nghiên cứu đến từ Pháp và Anh hồi năm ngoái.
Cây nắp ấm là một trong những giống cây leo từ Đông Nam Á. Một số lá của chúng tạo thành hình ấm để bắt côn trùng. Bên trong lá hình ấm có lông răng. Đó là vòng tròn chứa các gai nhỏ hướng xuống dưới và bao quanh lối vào ấm. Ở phía trên ấm có một nắp để ngăn chặn nước mưa (nếu nước mưa vào quá nhiều thì các enzyme tiêu hóa sẽ bị hòa tan hết). Nắp có vô số tế bào trong và mờ nên côn trùng dễ lầm tưởng đó là một mảng của bầu trời.
Khi con mồi rơi vào lá, nắp sẽ nhanh chóng úp xuống để nó không thể thoát ra. Sau đó con mồi sẽ trượt xuống phần cuống lá, nơi có rất nhiều enzyme tiêu hóa đang chờ sẵn.
Loài cây nắp ấm Thorel được nhà thực vật học người Pháp Clovis Thorel phát hiện lần đầu tiên ở xã Thị Tĩnh, huyện Lò Thiêu, tỉnh Bình Dương khoảng 1861-1869. Sau đó, nhà thực vật học Paul Henri Lecomte mô tả năm 1909. Paul Henri Lecomte đã lấy tên Thorel để đặt tên cho loài cây.
Kể từ khi Thorel thu được mẫu vật của loài này, cho đến khi nhóm khoa học tìm thấy ở vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát thì chưa có một ghi nhận về nắp ấm Thorel còn tồn tại ngoài tự nhiên.
Phân biệt hoa của cây nắp ấm Thorel (A) và hoa cây nắp ấm hiện đang được trồng làm cảnh (B). Ảnh: Lưu Hồng Trường. |
Theo tiến sĩ Lưu Hồng Trường, thành viên nhóm nghiên cứu, người quan sát rất dễ nhầm lẫn nắp ấm Thorel với các loài nắp ấm được ghi nhận ở các nước khác đang được làm cây cảnh.
Ông Trường cho hay, loài nắp ấm Thorel có bộ phận "ấm" hay "bình" (được tạo ra từ lá) gần đất có dạng bầu tròn, so với các loài tương tự ở nước ta (khá phổ biến trong tự nhiên và được trồng rộng rãi) thì bình của nắp ấm Thorel tròn hơn rất nhiều. Ở các loài tương tự, dạng ấm tròn đôi khi xuất hiện ở một vài cá thể riêng biệt nhưng đặc tính này rất ổn định ở loài nắp ấm Thorel.
Ông Trường lo ngại về hiện trạng tuyệt chủng của Thorel khi số lượng chỉ còn chưa đến 100 cá thể. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại nắp ấm Thorel ở tình trạng Cực kỳ nguy cấp.
"Việc phát hiện loài cây sau hơn 100 năm đã khẳng định giá trị độc đáo của thiên nhiên Việt Nam, vì vậy cần có biện pháp bảo tồn và kế hoạch phục hồi loài nắp ấm Thorel, bảo tồn nguồn gene quý hiếm của nước ta. Đặc biệt, nắp ấm Thorel chứa nhóm naphthoquinones có hoạt tính chống sốt rét.", ông Trường đề nghị.
Hương Thu (VnE)