Bắc Giang không chỉ có mì Chũ, mà còn một đặc sản khá ngon khác là mì bún ở làng Chàng, xã Việt Tiến, huyện Việt Yên.
Để làm mì bún cần trải qua nhiều công đoan khá phức tạp, cầu kỳ và tốn công sức. Gạo được chọn phải là những loại gạo có độ nở cao, không chọn những loại gạo quá dẻo vì mì sẽ bị dính không tách được. Gạo được đem vo sạch cho hết cám, sau đó cho vào chum vại hoặc thau ngâm qua đêm cho hạt gạo trương. Tiếp đến vớt gạo ra cho ráo nước và xay gạo thành bột.
Khi xay xong gạo ta sẽ có một thứ bột trắng ngần, dẻo và sánh. Bột tiếp tục được lọc, ủ qua đêm để sáng sớm hôm sau ép khô và cho vào máy chạy mì.
Bột mì đã ngâm được cho vào máy để đùn ra các bánh sợi mì |
Mì sẽ dính với nhau thành phên chảy ra liên tục từ đầu máy, người làm phải dùng kéo cắt thành khúc dài khoảng 70cm - 80 cm rồi trải đều ra bao tải.
Bánh tráng tiếp tục được ủ khoảng 3 tiếng để cho sợi mì nguội và không bị dính. Tiếp đến, người làm sẽ ngâm mì vào nước lạnh để những sợi mì tách ra rồi dùng lược thưa chải để những sợi mì gọn gàng, không đóng cục.
Các bánh mì sau đó được ngâm vào nước để chải thành sợi riêng rẽ |
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây thì khi ngâm những “bánh mì” vào nước lạnh không nên ngâm lâu quá mà chỉ ngâm khoảng nửa tiếng đủ để sợi mì tách rời.
Mì ngâm xong được vắt lên những thanh tre dài, phơi cho khô từ 2 đến 3 nắng. Nếu được nắng thì sợi mì sẽ giòn và thơm, còn nếu chẳng may gặp phải những hôm trời mưa, âm u thì mì sẽ bị hôi coi như hỏng.
Mì sau khi chải qua nước được phơi khô để dùng dần |
Mì bún có sợi rất nhỏ, trắng ngần, giòn dai. Mì bún không những là nghề để người dân nơi đây kiếm sống mà còn là món ăn quen thuộc, hấp dẫn với tất cả mọi người. Nó được chế biến ra rất nhiều món ăn ngon khác nhau như mì luộc chấm mắm ớt, mì phở, mì xào nấm,.... Dù chế biến món nào đi nữa nhưng đều có một nét chung đó là vị ngọt đậm đà dẻo dai của sợi mì, không thể lẫn.
Dương Thị Loan (VnE)