Trong mắt của những người làm nghề trang điểm, câu danh ngôn: "Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp" luôn đúng.
Sau những thao tác tỉ mỉ, điệu nghệ của họ, khuôn mặt ai cũng có thể trở nên rạng ngời.
Mỗi lần trang điểm cũng giống như việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật
31 năm gắn bó với nghề, chị Đỗ Thị Khánh Vân, chủ tiệm ảnh viện áo cưới Khánh Vân, thị trấn Phú Thái (Kim Thành) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm đẹp. Vốn khéo tay từ nhỏ và thích trang điểm cho người khác nên khi đi học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (nay là Trường Cao đẳng Hải Dương), chị đã trang điểm cho nhiều bạn bè. Các buổi liên hoan văn nghệ do trường tổ chức, chị đều trang điểm cho đội múa, hát và những người bạn thân cùng ký túc xá. Ngày đó, chỉ với hộp phấn trắng đơn sơ nhưng chị làm cho rất nhiều người nổi bật và tự tin trước đám đông. Năm 1986, chị được trường chọn là sinh viên tiêu biểu đưa sang nước Nga học. Trong chuyến đi tập trung để chuẩn bị sang Nga, chị vô tình thấy một cửa hiệu ở Hà Nội trưng bày những chiếc áo cưới lộng lẫy mà vùng nông thôn không có. Ngay lúc đó, niềm đam mê được làm đẹp cho người khác thôi thúc chị ở lại. Cơ hội đi nước ngoài không phải ai cũng có được, nhưng chị đã từ bỏ cơ hội đó để ở lại học và theo đuổi đam mê của mình bằng tất cả nhiệt huyết. Ra trường, chị vừa giảng dạy, vừa làm thêm nghề trang điểm cô dâu, nhưng ngày đó chị không mưu cầu về kinh tế. Khi trang điểm cho người khác, chị chỉ mong khuôn mặt họ đẹp, rạng ngời là chị đã thấy vui và hài lòng. Đến kỳ nghỉ hè, chị lại tranh thủ đi học hỏi thêm kinh nghiệm trang điểm ở Sài Gòn, Hà Nội.
Những năm 1987, 1988, chị Vân được coi là người đầu tiên đưa dịch vụ trang điểm về phục vụ nhân dân huyện Kim Môn (cũ). Khi mới vào nghề, chị sắm được 2 chiếc váy cưới. Ngày đó người nào có điều kiện mới dám thuê áo cưới mặc. Mỗi lần cho thuê xong, chị Vân lại giặt những chiếc váy cẩn thận và cất vào trong tủ, không dám trưng bày bên ngoài như hiện nay. Sau nhiều năm làm nghề, chị có gần 80 học trò đến học nghề, nhiều người trong số đó đã trưởng thành và tự mở cửa hàng riêng. "Nghề này đỏi hỏi người theo đuổi phải có đam mê, nhiệt huyết và kiên trì. Tôi vẫn luôn tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm từ những người khác, đồng nghiệp, thầy dạy, thậm chí học ngay cả khách hàng để làm mới mỗi ngày cho phù hợp với thời đại. Khách hàng nay khác xưa, họ yêu cầu cao hơn…”, chị Vân chia sẻ.
Hiện nay bên cạnh những cửa hàng trang điểm chuyên nghiệp kiêm chụp ảnh như ảnh cưới, ảnh hội nghị, tiệc tùng, cũng có những người chỉ chuyên trang điểm. Trước đây không nhiều người làm nghề này, nhưng nay đã bão hòa, để bám trụ được với nghề, đòi hỏi người thợ trang điểm phải vất vả hơn.
Thời gian làm dịch vụ trang điểm không đều. Tháng 2 và tháng 11 âm lịch hằng năm là mùa bội thu. Đây là những tháng thời tiết thuận lợi, phù hợp với việc cưới hỏi. Có cô dâu lấy chồng xa, 5 giờ sáng đã đón dâu nên nhiều tiệm phải cho thợ đi trang điểm cô dâu từ lúc 1 giờ đêm và có hôm kết thúc công việc vào lúc 0 giờ. Vào ngày đẹp, thợ trang điểm có thể chạy xô hàng chục đám để làm đẹp cho cô dâu.
Nghề trang điểm ngày nay thu hút phần đông giới trẻ. Anh Đinh Hữu Hà ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) bước vào nghề trang điểm được 2 năm nay. Thông qua những mối quan hệ từ bạn bè, mạng xã hội, hễ ai cần, anh Hà sẽ đến tận nơi để trang điểm, không ngại xa, gần. Sau mùa cưới, anh Hà lại chạy đôn chạy đáo với những khách hàng hầu đồng. Tuy nhiên, thu nhập của anh không ổn định. Dù với người chuyên nghiệp hay không chuyên, trang điểm luôn là nghề có thu nhập bấp bênh bởi tính mùa vụ. Có thể một tháng thu nhập bình quân của người thợ trang điểm lên tới 25-30 triệu đồng, nhưng có tháng chỉ được 5-7 triệu đồng (tùy từng vùng). Anh Hà cho biết: “Vào nghề, tôi mua bộ trang điểm hơn 20 triệu đồng. Xác định đây là nghề làm đẹp, tác động lên khuôn mặt của từng người, nên tôi luôn sử dụng những sản phẩm tốt để phục vụ khách hàng. Yêu cầu của khách hàng cũng rất khác nhau, người thì đơn giản, nhưng có người rất cầu kỳ, đòi hỏi phải làm đúng theo ý của họ”.
Ngày nay nghề trang điểm có nhiều công nghệ hiện đại hỗ trợ. Mỹ phẩm dùng để trang điểm cũng cao cấp hơn trước đây. Song, trang điểm cũng là nghề kén người, đòi hỏi người làm nghề phải có mắt thẩm mỹ và óc sáng tạo. Người trang điểm phải luôn đổi mới để làm vừa lòng các thượng đế, tạo sự tin cậy. Nếu không có tay nghề vững sẽ rất khó sống bằng nghề này.
Trang điểm là để tôn vinh cái đẹp, che bớt đi những khiếm khuyết trên khuôn mặt, thể hiện sự khéo tay của người trong nghề. Mặc dù nghề trang điểm tương đối phổ biến, thậm chí ai cũng biết trang điểm cho bản thân trở nên đẹp hơn, nhưng đối với những người giàu nhiệt huyết với nghề, bao giờ họ cũng cầu toàn và đòi hỏi “tác phẩm” của mình phải thật đẹp. Đó là nghệ thuật, là sự khác biệt giữa trang điểm chuyên nghiệp và nghiệp dư.
MINH NGUYÊN