Cầu đá Hà Tràng ở xã Thăng Long (Kinh Môn) là một trong những cầu đá có giá trị lịch sử, kiến trúc độc đáo nhất trong tỉnh nhưng đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
6 phiến đá trên cầu đá Hà Tràng đã bị nứt gẫy
Cây cầu gần 150 năm tuổi
Cầu đá Hà Tràng được khởi công xây dựng từ tháng 8.1873 và hoàn thành vào tháng 4.1874, do các nghệ nhân làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ (xã Phạm Mệnh, Kinh Môn) thi công. Cầu được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia cùng với chùa Linh Ứng năm 1999.
Theo văn bia "Hà Tràng kiều bi ký" dựng vào năm Tự Đức thứ 29 (1876) và truyền thuyết ở địa phương thì cầu có tên "Kinh Môn thái tự kiều", dân quen gọi là cầu Hà Tràng, bắc qua sông Tràng, một dòng sông cổ bắt nguồn từ núi Ngọc thuộc dãy An Phụ, đổ ra sông Kinh Môn.
Trước đây, sông Tràng sâu khoảng 8 m, 2 bờ cách nhau gần 26 m, có cầu gỗ bắc qua đi liên thôn. Trong làng có cụ Nguyễn Đức Học từng làm quan triều Nguyễn, thấy cầu gỗ dễ hỏng nên đứng ra họp bàn tập trung sức lực để xây lại cầu. Dân trong vùng nghe tin đều hăng hái quyên góp, giúp đỡ. Trước đây, cầu dài 25,2 m, rộng 1,60 m, gồm 15 nhịp, mỗi nhịp được ghép bằng 3 phiến đá dày 20 cm, nối giữa các nhịp với nhau là 3 trụ tròn, mỗi nhịp tạo dáng riêng, nhịp giữa dài 2,4 m. Trên mặt cầu, phiến đá dài nhất 2,4 m, rộng 80 cm, mép ngoài phía trên mặt của phiến đá được chế tác tỉ mỉ với 3 đường chỉ thẳng tắp.
Một số cụ cao tuổi trong làng kể lại, trước đây sông này rộng và sâu, thuyền bè còn qua lại được. Từ khi đắp đê, người dân chăn nuôi, sản xuất xâm lấn, ô nhiễm môi trường nên sông ngày càng bé lại. Hiện cầu chỉ còn 13 nhịp do quá trình người dân làm đường đã trùm lên hai đầu cầu mất 2 nhịp, 6 phiến đá của cầu đã bị nứt gẫy. Cầu còn 15 dầm nhô ra hai bên, khắc đầu rồng hoặc hoa văn vân mây, chữ triện, trên mặt cầu ở các nhịp đều khắc 4 hình hoa cúc nổi và kẻ 2 chỉ dầm nhô ra ngoài. Sông Tràng bây giờ như một dòng kênh nhỏ, lòng kênh bùn ngập gần mặt cầu, nước kênh bẩn, cỏ dại, bèo tây mọc um tùm. Tất cả đã làm giảm giá trị lịch sử, văn hóa và gây biến dạng kiến trúc của cây cầu.
Cần sớm tu bổ
Cây cầu là tài liệu nghiên cứu lịch sử khoa học kiến trúc và nghệ thuật về các phù điêu họa tiết, hoa văn, đầu rồng, linh vật, cách tạo hình kiến trúc của nghệ nhân lúc bấy giờ. Do vậy, việc trùng tu tôn tạo để bảo tồn và giữ được nguyên gốc giá trị vốn có là việc làm cấp thiết. Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch UBND xã Thăng Long chia sẻ: "Đây cũng là nguyện vọng của nhân dân và chính quyền xã bấy lâu nay, chúng tôi đã đề nghị với huyện và đang chờ phương án tu bổ. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền vận động người dân hiến đất, hiến công, huy động con em quê hương đóng góp để cải tạo cầu khi có chủ trương".
Bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kinh Môn cho biết: "Phòng đang cùng Công ty CP Xây dựng và tu bổ công trình văn hóa Hải Dương đánh giá hiện trạng, thiết kế không gian sao cho hợp lý, sau đó sẽ tham mưu cho UBND huyện có phương án tu bổ".
Ông Hoàng Văn Huân, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và tu bổ công trình văn hóa Hải Dương cho rằng: "Với hiện trạng này, cần nâng cầu lên phù hợp và phục dựng 2 nhịp đã mất để trả lại tính nguyên gốc. Tạo hình hoa văn, đầu rồng của 2 nhịp giống giá trị gốc, thay thế các phiến đá bị nứt gẫy. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành bản thiết kế, dự kiến giữa tháng 4 này sẽ trình UBND huyện Kinh Môn xem xét".
THẾ ANH