Khách hàng sẽ có tuỳ chọn nâng cấp bảo mật mở rộng (ESU) Windows 10 với giá khởi điểm khoảng 1,5 triệu VNĐ (61 USD) cho năm đầu tiên.
Nguyên nhân là do Microsoft sẽ chính thức ngừng hỗ trợ phiên bản Windows 10 vào ngày 14/10/2025. Sau thời điểm này, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ cần mua giấy phép ESU cho mỗi thiết bị chạy Windows 10 mà họ dự định tiếp tục sử dụng.
Với khối doanh nghiệp, 61 USD là giá áp dụng cho năm đầu tiên. Kể từ năm thứ hai, họ phải trả gấp đôi, 122 USD và tiếp tục gấp thếp lên 244 USD vào năm thứ ba. Trong trường hợp doanh nghiệp mua ESU vào năm thứ hai, họ cũng phải trả tiền cho năm thứ nhất do các bản nâng cấp bảo mật có giá trị tích luỹ.
Trong bài đăng trên Blog Windows IT Pro, nhà sản xuất phần mềm cho biết mức giá này chỉ áp dụng cho các tổ chức thương mại, chi tiết mức giá dành cho người dùng cá nhân “sẽ được cập nhật sau”.
Thông thường Microsoft chỉ cung cấp những bản cập nhật mở rộng cho doanh nghiệp cần chạy phiên bản Windows cũ hơn. Song, lần này sẽ bao gồm cả đối tượng khách hàng cá nhân khi vẫn có một lượng lớn người sử dụng bản Win 10 - hệ điều hành đã 9 năm tuổi đời, được phát hành vào năm 2015.
“Các bản cập nhật mở rộng không phải là một giải pháp lâu dài mà chỉ là một cầu nối tạm thời”, Microsoft giải thích. “Khách hàng có thể mua giấy phép ESU cho các thiết bị Windows 10 bắt đầu từ tháng 10/2024, một năm trước khi chính thức kết thúc hỗ trợ”.
Microsoft đang giảm giá 25% cho đối tượng doanh nghiệp sử dụng giải pháp cập nhật dựa trên đám mây như Intune hoặc Windows Autopatch.
Ngoài ra, những khách hàng sử dụng laptop hay PC chạy Windows 10 kết nối tới các PC đám mây chạy Windows 11 thông qua bộ Windows 365 sẽ không phải trả tiền cập nhật do chi phí đã bao gồm trong Windows 365.
Trong khi đó, các tổ chức giáo dục đào tạo như trường học, sẽ được cung cấp giấy phép có giá 1 USD cho năm đầu tiên, tăng gấp đôi lên 2 USD trong năm thứ hai và 4 USD cho năm sau đó.
Hàng triệu PC đang không thể nâng cấp chính thức lên Windows 11 do yêu cầu phần cứng khắt khe hơn khi Microsoft tập trung vào yếu tố bảo mật trong hệ điều hành mới nhất. Chẳng hạn, Windows 11 chỉ hỗ trợ các CPU ra mắt kể từ sau năm 2018 và các thiết bị có hỗ trợ chip bảo mật.
Điều đó lý giải việc phiên bản 11 bị tụt lại so với Win 10 - hệ điều hành được nâng cấp miễn phí từ Windows 7 và Windows 8.
StatCounter cho hay Windows 10 vẫn chiếm 69% tổng số người dùng Windows, so với tỷ lệ chỉ 27% của Windows 11. Đây là một khoảng cách tương đối lớn mà Microsoft khó lòng thu hẹp trong vòng 18 tháng tới.
T.H (theo Vietnamnet)