Khi gia đình tan vỡ dẫn đến ly hôn, nhiều bậc cha mẹ đã quên trách nhiệm của mình đối với con cái. Thậm chí việc cấp dưỡng nuôi con trở thành món nợ khó đòi.
Nhiều lúc muốn bỏ qua số tiền cấp dưỡng nhưng vì nghĩ đến con, chị Vũ Thị T. lại quyết tâm đòi bằng được
Xù tiền cấp dưỡng
Cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc, chị Vũ Thị T. ở phố Lê Viết Hưng (TP Hải Dương) đã quyết định làm đơn ly dị. Tòa phán quyết chị được quyền nuôi con gái 26 tháng tuổi, còn người chồng có trách nhiệm cấp dưỡng hằng tháng để chị nuôi con. Chồng cũ của chị T. vốn là công nhân, lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Ngay tại tòa, chị T. yêu cầu chồng cũ trợ cấp 2 triệu đồng/tháng để nuôi con. Trái với thỏa thuận riêng giữa hai vợ chồng trước khi ra tòa, người chồng cũ đã phản ứng và kiên quyết xin tòa xem xét bớt số tiền cấp dưỡng này xuống còn 1 triệu đồng/tháng. Quá bất ngờ với thái độ của chồng cũ và cảm thấy bị tổn thương nên chị T. đồng ý với mức cấp dưỡng này mà không muốn tranh cãi thêm.
Khoảng 4 tháng sau khi bản án có hiệu lực, chồng cũ của chị T. gửi tiền cấp dưỡng cho con khá đều đặn. Đúng lịch hẹn là mùng 10 hằng tháng, anh này chuyển tiền vào tài khoản của chị T. Tuy nhiên, từ tháng thứ 5, số tiền đã bị rút xuống còn 800.000 đồng/tháng. Anh này viện lý do ít việc, lương bị giảm nhiều nên cũng giảm luôn tiền cấp dưỡng nuôi con. Đến tháng thứ 6, chị T. không thấy chồng cũ chuyển tiền mặc dù anh này vẫn thi thoảng gọi điện trò chuyện cùng con khá vui vẻ. Nhiều tháng sau đó, chồng cũ chị T. cũng không chuyển tiền cấp dưỡng nuôi con theo đúng bản án. Sau này chị T. được biết do chồng cũ vướng vào cờ bạc nên không có tiền gửi cho chị. “Nghĩ cảnh mình vất vả nuôi con, con thiệt thòi đủ đường, trong khi đó anh lại mải mê cờ bạc, tôi tìm tới tận nhà chồng đề nghị anh thực hiện cấp dưỡng nuôi con đầy đủ nhưng chỉ nhận lại được những lời hứa tháng sau sẽ chuyển. Lắm lúc nghĩ mình như đi đòi nợ”, chị T. bức xúc nói.
Chị Nguyễn Ngọc M. ở khu phố Thái Học, phường Sao Đỏ (TP Chí Linh) cũng thường xuyên phải gọi điện nhắc nhở chồng cũ gửi tiền trợ cấp nuôi hai con nhỏ. Vợ chồng chị ly hôn sau 5 năm chung sống. Tòa quyết định mỗi tháng chồng cũ sẽ phải cấp dưỡng 2 triệu đồng để nuôi con lớn. Tuy nhiên, anh này có tháng gửi tiền, tháng không, thậm chí có tháng gửi không đủ số tiền thỏa thuận. Một mình nuôi 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn trong khi thu nhập bấp bênh, chị M. cảm thấy rất mệt mỏi. Tháng nào chị M. cũng phải gọi điện cho chồng cũ yêu cầu gửi tiền, không ít lần hai người đã to tiếng qua điện thoại. “Nhiều lúc nghĩ không cần tới tiền cấp dưỡng của bố bọn trẻ nhưng thương con đã thiệt thòi về tình cảm lại thiếu thốn về vật chất nên cứ phải đòi cho bằng được”, chị M. ngán ngẩm nói.
Thiệt thòi cho trẻ
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông (TP Hải Dương) cho biết chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình là nghĩa vụ của cha, mẹ, đã được Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể. Ông Đông đã tư vấn cho nhiều vụ việc liên quan đến cấp dưỡng cho con sau khi cha, mẹ ly hôn, phần lớn những người nhờ tư vấn là người mẹ của con. Chủ yếu họ muốn tư vấn trong trường hợp người không được giao quyền trực tiếp nuôi con không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh bố hoặc mẹ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị tổn thương tinh thần. Như trường hợp của em Nguyễn Thu H. ở phố Nguyễn Thiện Thuật (TP Hải Dương), đang là sinh viên năm thứ nhất. Sau khi bố mẹ H. ly dị, theo thỏa thuận được tòa đồng ý, bố H. sẽ cấp dưỡng nuôi em cho đến khi em tốt nghiệp đại học. Mỗi tháng bố sẽ gửi 2 triệu đồng để H. lo ăn ở và tiền học phí. Nhưng mỗi lần gọi điện về cho bố để nhắc gửi tiền, H. đều phải nhận những lời mắng mỏ, rồi tháng gửi tháng không làm em tủi thân.
Khi người cha hoặc người mẹ từ chối chu cấp tiền là họ làm hạn chế quyền phát triển thể chất, tinh thần, quyền bảo đảm cuộc sống của đứa trẻ. “Theo quy định tại điều 7 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, được sửa đổi, bổ sung năm 2014, những trường hợp cha, mẹ không trực tiếp nuôi con mà không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn, thì người trực tiếp nuôi con có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án”, luật sư Nguyễn Kiều Đông cho biết thêm.
TÂM PHÚC