Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

05/09/2022 07:39

Qua công tác điều tra, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây của lực lượng công an, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng.

Đầu năm 2022, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ Nguyễn Tất Thành (sinh năm 2000, trú tại xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, Nam Định) giả danh nhân viên bảo hiểm lừa đảo chiếm đoạt gần 20 triệu đồng của các lao động thất nghiệp

Giả danh cơ quan thực thi pháp luật

Phương thức này không mới nhưng vẫn nhiều người bị mắc lừa do sợ bị liên lụy đến pháp luật, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Khi nhận được thông báo của các đối tượng lừa đảo giả danh, những người trên thường bất ngờ, hoang mang dẫn đến dễ dàng hành động theo sự điều khiển của các đối tượng.

Với phương thức này, các đối tượng tự xưng là cán bộ công an, Viện kiểm sát hoặc giả mạo Cổng thông tin điện tử của cơ quan công an gọi điện thông báo chủ thuê bao có liên quan đến các vụ án đang bị điều tra. Sau đó, khai thác các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và yêu cầu chuyển toàn bộ tiền trong tài khoản của bị hại vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp với lý do để phục vụ công tác điều tra rồi chiếm đoạt.

Ngày 13.1.2022, chị Bùi Thị X. (sinh năm 1962, trú tại khu 7, thị trấn Phú Thứ, Kinh Môn) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +24036014158 của người phụ nữ nói giọng miền Nam, giới thiệu tên Phạm Hồng Liên nhân viên Bưu điện Đà Nẵng. Người này thông báo chị X. có gói hàng mã bưu phẩm ET110674368VN, bên trong có 100 thẻ ngân hàng thanh toán quốc tế và một thẻ ngân hàng Sacombank tên Bùi Thị X. mở tại Đà Nẵng. Do gói hàng vi phạm pháp luật nên bị tạm giữ tại Bưu điện Đà Nẵng.

Đến chiều cùng ngày, chị X. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại +8700236113 của người đàn ông nói giọng miền Bắc giới thiệu tên là Thắng - cán bộ Công an TP Đà Nẵng. Người này nói chị X. có 1 thẻ ngân hàng Vietcombank đã rút 6,8 tỷ đồng là tiền liên quan đến vụ án rửa tiền và mua bán ma túy. Người này yêu cầu chị X. mua 1 điện thoại Samsung và 1 sim điện thoại mạng Vinaphone để liên lạc.

Chị X. đã mua 1 điện thoại Samsung và lắp sim của mình vào máy. Sau đó, chị nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông giới thiệu tên Trần Đức Dương, xưng là Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Đà Nẵng đang thụ lý vụ việc liên quan đến chị X. Người này cung cấp số tài khoản 46010004880669 Ngân hàng BIDV và yêu cầu chị X. chuyển hết tiền đang có vào tài khoản này để cơ quan pháp luật xác minh.

Tin tưởng các thông tin trên là thật, ngày 14.1.2022, chị X. đến Ngân hàng VietinBank chi nhánh Phú Thứ (Kinh Môn) chuyển 1,05 tỷ đồng vào số tài khoản trên. Một thời gian sau, nghi ngờ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chị X. đã đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Tuyển cộng tác viên làm đơn hàng, nhiệm vụ

Ngày 12.1.2022, chị Nguyễn Thị L. (sinh năm 1975, trú tại phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) sử dụng Facebook cá nhân truy cập vào trang quảng cáo “Công ty Xanvada tuyển nhân viên online” để tìm việc làm. Chị được giới thiệu kết bạn với 2 đối tượng sử dụng tài khoản Zalo tên “Đức Bá” và “Nhật Minh Nhật”. Các đối tượng yêu cầu chị L. chốt các đơn hàng bằng cách chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp để được nhận tiền “hoa hồng”.

Do tin tưởng, từ ngày 12-16.1.2022, chị L. đã nhiều lần chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do 2 đối tượng cung cấp với tổng số tiền 713 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của chị L., các đối tượng không chuyển tiền cho chị theo cam kết (bao gồm số tiền 713 triệu đồng và tiền “hoa hồng”). Nghi ngờ bị lừa đảo, chị L. đã đến trình báo cơ quan công an.

Cuối tháng 4.2022, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hải Dương) tiếp nhận trình báo của chị Ngô Thị H. (sinh năm 1986, trú tại phường Phả Lại, Chí Linh) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ ngày 17-19.4.2022. Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị H. cũng sử dụng cùng một thủ đoạn như đã sử dụng với chị L.

 Qua rà soát của Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), đây là phương thức mà nhiều người dân trên địa bàn tỉnh sập bẫy nhất. Các đối tượng thường đăng tuyển cộng tác viên làm đơn hàng, nhiệm vụ để kiếm thu nhập trên các trang mạng xã hội. Sau khi người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng yêu cầu họ phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”. Mỗi lượt mua hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10- 20% số tiền gốc của mỗi đơn hàng. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên cộng tác viên sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa nhằm tạo lòng tin. Khi số tiền đặt hàng của cộng tác viên ngày càng lớn, các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền và lặn mất hút.

Ngoài ra, còn một số hình thức lừa đảo công nghệ cao như dùng "bẫy tình" trên mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo tự giới thiệu là người nước ngoài (thường là quân nhân, doanh nhân) kết bạn, liên lạc để tạo mối quan hệ với nạn nhân thông qua mạng xã hội. Sau một thời gian kết bạn, khi đã tạo được lòng tin ở đối phương, đối tượng lừa đảo sẽ thông báo muốn gửi tiền, quà từ nước ngoài về Việt Nam. Sau đó, đối tượng giả làm nhân viên hải quan yêu cầu bị hại phải nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí... để nhận quà vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.
Một hình thức khá phổ biến nữa là các đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, sau đó nhắn tin cho bạn bè, người thân của người bị hack Facebook hỏi mượn tiền rồi chiếm đoạt.

Ngoài ra còn hình thức lừa đảo qua app vay tiền. Các đối tượng sẽ hướng dẫn bị hại cài đặt các app vay tiền, khi đăng nhập, các đối tượng sẽ dùng nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt tài sản của bị hại như: yêu cầu chuyển thêm tiền đặt cọc, mua bảo hiểm khoản vay, đóng phí giải ngân...

Các đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo cơ quan, chính quyền, đoàn thể để mạo danh lập các tài khoản mạng xã hội sau đó sử dụng hình ảnh, uy tín của lãnh đạo nhắn tin cho cấp dưới, bạn bè, người thân, đồng nghiệp hỏi mượn tiền rồi chiếm đoạt...

Đại tá Phạm Minh Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết đấu tranh, làm rõ tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản là nhiệm vụ không dễ dàng. Thời gian tới, bên cạnh việc chủ động nắm tình hình, tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh, cơ quan công an khuyến cáo người dân hãy nâng cao cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Để không mất tiền oan, người dân không chuyển tiền cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, internet mà chưa biết rõ về họ. Cơ quan Nhà nước khi cần làm việc sẽ mời công dân đến trụ sở, không làm việc qua điện thoại. Người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, tài khoản E - Banking cho bất kỳ ai. Khi có người quen, người thân hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền, công dân cần gọi điện để xác nhận lại. Người dân cũng cần cảnh giác trước những công việc kiếm tiền dễ dàng trên mạng xã hội để tránh trở thành miếng mồi cho tội phạm.

Công an tỉnh đề nghị người dân thông báo ngay cho công an xã, phường, thị trấn nơi gần nhất hoặc trực ban hình sự Công an tỉnh Hải Dương (số điện thoại 069.2829.231) khi gặp các trường hợp lừa đảo nêu trên để tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết. 

PHƯƠNG THÙY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản