Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và ngay lập tức ngừng giao dịch thương mại với Ankara.
Động thái của ông Trump là nhằm gây sức ép lên Thổ Nhĩ Kỳ vì đã phát động cuộc tấn công quân sự ở miền Bắc Syria những ngày qua. Trong khi đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn khẳng định sẽ không rút lại chiến dịch quân sự khiến nguy cơ đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lên nấc thang cao hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong một cuộc điện đàm mới đây
Mỹ áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ
Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" tấn công lực lượng người Kurd vốn được coi là đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Syria, Mỹ và nhiều nước đã phản đối và chỉ trích hành động đơn phương trên của Ankara.
Song song với việc hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch trên, ngay từ đầu Mỹ cũng đã để ngỏ khả năng áp đòn trừng phạt "hủy diệt kinh tế" nếu chiến dịch tiếp tục leo thang.
Trong một động thái nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 14.10, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ "bởi các hành động của Ankara tại miền Bắc Syria đang gây ra những mối đe dọa đặc biệt và bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ".
Tổng thống Trump nêu rõ, sắc lệnh này sẽ áp đặt trừng phạt đối với các quan chức đương nhiệm và cựu quan chức của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như bất kỳ cá nhân nào tham gia vào hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ gây bất ổn tình hình ở Đông Bắc Syria.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ còn áp đặt trừng phạt ba trong số các quan chức quyền lực nhất Thổ Nhĩ Kỳ gồm: Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Năng lượng và Bộ trưởng Nội vụ, cũng như 2 bộ là Bộ Quốc phòng và Bộ Năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo sắc lệnh trên, Mỹ sẽ cấm thị thực đối với các quan chức chính phủ Thổ Nhĩ Kỹ trên và Mỹ cũng sẽ bố trí một số lực lượng ở lại Syria, một bước đi đảo ngược lại quyết định rút hết quân mà Tổng thống Trump đưa ra hôm 13.10 trước đó.
Cũng để trả đũa cho hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Tổng thống Trump quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép của Thổ Nhĩ Kỳ từ 25% lên 50%, đồng thời đình chỉ các cuộc đàm phán liên quan tới một thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỷ USD với quốc gia đồng minh trong NATO này.
Tổng thống Trump còn cảnh báo sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với các đối tượng lạm dụng nhân quyền, cản trở lệnh ngừng bắn, ngăn cản người dân phải rời bỏ nhà cửa trở về nhà, ép người tị nạn hồi hương, hay đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định tại Syria".
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bao gồm cấm vận tài chính, phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Ngoài áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 14.10 đã thực hiện chuyến đi chớp nhoáng tới Thổ Nhĩ Kỳ, đem theo thông điệp của Tổng thống Trump trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào người Kurd ở Syria.
Ông Pence cho biết, trước đó Tổng thống Trump đã gọi điện cho Tổng thống Erdogan ngày 14.10 để yêu cầu Ankara phải chấm dứt hoạt động này. Theo ông, Mỹ sẽ không dung thứ cho bất kỳ cuộc xâm lược nào của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng cho biết ông sẽ tới Brussels (Bỉ) vào tuần tới để yêu cầu các đồng minh NATO trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về hành động tấn công người Kurd ở Syria của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nhà phân tích, bên cạnh các biện pháp trừng phạt mang tính răn đe mạnh mẽ, Mỹ và các đồng minh EU cũng có thể cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ hay đe dọa truy tố tội ác chiến tranh đối với Ankara.
Căng thẳng gia tăng
Phản ứng lại động thái trừng phạt trên của Mỹ cũng như sự phản đối của nhiều nước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ không rút lại chiến dịch quân sự nhằm vào các lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria "cho dù bất cứ ai nói gì".
Phát biểu trước báo giới tại Baku, Tổng thống Erdogan nêu rõ: "Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến dịch cho tới cuối cùng bất chấp những lời đe dọa... Cuộc chiến của chúng tôi sẽ tiếp tục cho tới khi đạt được thắng lợi cuối cùng".
Ông cũng đồng thời chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab khi lên án chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi quốc tế hỗ trợ cho kế hoạch thiết lập "vùng an toàn" của Ankara tại Đông Bắc Syria để tái định cư 3,6 triệu người tị nạn Syria đang ở tạm trong các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cố vấn cấp cao của Tổng thống Erdogan, ông Gulnur Aybet, cũng tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ “quyết tâm” triển khai Chiến dịch "Mùa xuân Hòa bình" tại miền Bắc Syria nhằm xóa sổ các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại khu vực biên giới, đồng thời đảm bảo việc hồi hương an toàn người tị nạn Syria.
Những động thái trên đang báo hiệu sự rạn nứt leo thang trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào năm ngoái, quan hệ giữa hai nước cũng đã từng bùng phát căng thẳng và Mỹ cũng đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Ankara để gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải trả tự do cho một mục sư truyền giáo người Mỹ.
Khi đó, nhằm trừng phạt việc Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và kết tội mục sư người Mỹ Andrew Brunson, vốn bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi tháng 10-2016 với cáo buộc mục sư này có quan hệ với một nhóm mà chính quyền Ankara cho là khủng bố, vào tháng 8-2018, Mỹ đã áp thuế 50% với mặt hàng thép và 20% với nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trả đũa hành động tăng thuế của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tăng thuế mạnh đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Ngày 15.8.2018, Tổng thống Tayyip Erdogan cũng đã ký ban hành sắc lệnh nâng mức thuế quan đối với ô tô khách nhập khẩu từ Mỹ thêm 120%, sản phẩm đồ uống có cồn thêm 140% và thuốc lá thêm 60%... Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố tẩy chay các sản phẩm điện tử của Mỹ.
Đến tháng 5.2019, căng thẳng giữa hai nước có phần dịu bớt khi Mỹ đã giảm một nửa mức thuế thép cho Thổ Nhĩ Kỳ từ 50% xuống còn 25%, còn Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm thuế với một số hàng hóa Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn quyết định chấm dứt áp dụng Chế độ Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Thổ Nhĩ Kỳ kể từ ngày 17-5-2019, qua đó sẽ áp thuế lên khoảng 1,66 tỷ USD hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số 120 nước tham gia GSP-chương trình ưu đãi thương mại lớn nhất của Mỹ, theo đó miễn thuế cho hàng nghìn mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của những quốc gia và vùng lãnh thổ được hưởng quy chế này.
Nhờ quy chế này mà năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu được lượng hàng hóa trị giá 1,66 tỷ USD vào Mỹ, chiếm 17,7% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ vào Mỹ.
Thực tế thời gian qua, việc dùng “lá bài” trừng phạt kinh tế của Mỹ cũng đã khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu những thiệt hại đáng kể. Vào năm ngoái, cuộc khủng hoảng do các lệnh trừng phạt và thuế quan của Mỹ đã khiến đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ giảm mất gần 30% giá trị.
Đây là mức giảm mạnh nhất trong gần 10 năm nay. Theo hãng tin Reuters, trong những tháng gần đây, đồng lira đã dần ổn định và lạm phát giảm. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn nhất Trung Đông-trị giá 766 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đang dần khôi phục kể từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong gần hai thập kỷ.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd ở Syria vào tuần trước, đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ lại rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng qua, giảm hơn 3% xuống còn 5,9 lira/USD.
Các chuyên gia nhận định, chiến dịch tại Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện có thể khiến nền kinh tế nước này bị “rỉ máu”. Các nhà đầu tư đang lo ngại việc theo đuổi chiến dịch này khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế, sẽ làm chậm tiến độ khôi phục kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những rủi ro bao gồm tình trạng thâm hụt cao hơn và ngành du lịch bị ảnh hưởng nếu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sa lầy vào cuộc xung đột quân sự trong một thời gian kéo dài.
Hiện chưa rõ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn tiếp diễn tới đâu song chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó nó cũng có thể làm tổn hại đến mối quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Theo TTXVN