Những cuộc đụng độ gần đây ở Trung Đông, châu Âu và ngoài khơi Alaska đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc vốn đối đầu nhau.
Theo các báo cáo từ phía Mỹ, máy bay chiến đấu của Nga liên tục bay vòng tròn, cách máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ khoảng 30 m trên biển Đen. Trước đó, 6 máy bay quân sự của Nga bay tới gần Alaska, buộc các tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ phải xuất kích ngăn chặn.
Gần đây nhất, 4 binh sĩ Mỹ bị thương nhẹ khi xe bọc thép của quân cảnh Mỹ và Nga va chạm với nhau trên đường tuần tra ở phía bắc Syria. (Phía Nga nói rằng họ đã phát cảnh báo trước cho Mỹ về lộ trình này nhưng bị cản trở, trong khi Washington cáo buộc xe tuần tra của Nga có xu hướng tạo ra những vụ va chạm với quân đội Mỹ trên các tuyến đường cao tốc trong khu vực).
Chỉ trong vài ngày cuối tuần trước, căng thẳng âm ỉ giữa Mỹ và Nga đã bùng phát trên nhiều mặt trận khác nhau, rải khắp các châu lục, New York Times cho biết.
Tổng thống Trump để Nga được nước?
Trong bài phát biểu ở Pennsylvania hôm 31.8, ông Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2020, đã chỉ trích Tổng thống Donald Trump vì không công khai giải quyết tình trạng hỗn loạn ở Syria.
“Các bạn có nghe tổng thống nói một lời nào không? Ông ấy có hành động nào không?”, ông Biden nói.
Ông Biden cũng chỉ trích Tổng thống Trump không làm rõ nghi vấn Nga chi tiền cho phiến quân ở Afghanistan để sát hại lính Mỹ, dù Tổng thống Trump nhiều lần điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin trong những tháng gần đây.
Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ bay cạnh máy bay ném bom Tu-95 của Nga. Ảnh: USAF |
“Chưa bao giờ một tổng thống Mỹ lại có hành động nhu nhược như vậy đối với lãnh đạo Nga... Việc này làm chúng ta suy yếu. Ngay cả quân đội Mỹ cũng cảm thấy không an toàn dưới thời Tổng thống Trump”, ông Biden chỉ trích.
Trong khi đó, Tổng thống Trump từng nói ông không đề cập nghi vấn của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) - rằng Nga chi tiền cho phiến quân - trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin. Ông nói rằng thông tin tình báo về vấn đề này là “một trò lừa bịp”.
Dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông đã xem xét vấn đề một cách nghiêm túc. Ông cùng một lãnh đạo Lầu Năm Góc đã cảnh báo người đồng cấp Nga về nghi vấn này.
Vụ va chạm giữa xe thiết giáp Mỹ và Nga diễn ra cùng lúc với những lời chỉ trích Tổng thống Trump rằng ông không có hành động phù hợp trước các hoạt động ngày càng leo thang của Nga đối với phương Tây. Thậm chí, những người nặng lời còn cho rằng Tổng thống Trump đang đáp ứng mong muốn của Nga.
Tổng thống Trump đã ra lệnh rút gần 12.000 binh sĩ đóng quân tại Đức, bất chấp sự phản đối của các đồng minh NATO, thu hẹp sự hiện diện quân sự ở châu Âu - chính là điều Điện Kremlin mong mỏi từ lâu.
Trong tháng 6, Tổng thống Trump còn mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh G7, bất chấp việc Moscow đã bị mời ra khỏi tổ chức này sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và can thiệp quân sự vào Ukraine.
Liên tục đáp trả nhau
New York Times nhận định những căng thẳng hai năm qua là một phần của sự cạnh tranh ngày càng rộng giũa hai nước và mang âm hưởng thời Chiến tranh Lạnh. Dù vậy, các quan chức Mỹ lưu ý rằng sự gia tăng các vụ đụng độ gần đây làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm.
Tiêm kích Su-27 của Nga bay gần máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ. Ảnh: USAF |
“Hành động của Nga dường như gia tăng trong những tháng gần đây. Tôi nghi ngờ họ đang tận dụng thời cơ từ đại dịch Covid-19 để hành động quyết liệt hơn. Họ cũng nhận thức được việc Mỹ cắt giảm quân ở Đức và các căng thẳng trong liên minh là cơ hội tốt để thêm vào một chút căng thẳng”, Curtis M. Scaparrotti, tướng quân đội Mỹ đã về hưu, nói.
Khi được hỏi về vụ va chạm xe thiết giáp vào tuần trước, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng đây là hành vi không thể chấp nhận được và Mỹ sẽ đáp trả. Trong khi đó, Mỹ và Nga đều đổ lỗi cho nhau về sự vụ.
Các hoạt động “ăn miếng trả miếng” giữa quân đội Mỹ và Nga liên tục xảy ra. Không lâu sau khi Nga triển khai 6 máy bay do thám Tu-142 bay cách bờ biển Alaska 50 hải lý, Mỹ đã điều động 4 máy bay ném bom chiến lược B-52H bay qua khu vực biển Đen.
Các nhà phân tích về chính sách của Điện Kremlin cho rằng các hành động khiêu khích của Nga có thể tiếp diễn, trừ khi chính quyền Tổng thống Trump hành động quyết liệt hơn.
“Cách tiếp cận của Nga là đẩy vấn đề lên và chờ phản hồi. Các hoạt động liên tục của Nga cho thấy chúng ta đã không đặt ra những hậu quả đối với họ để ngăn chặn sự leo thang, khi Moscow đang tìm cách làm suy yếu lợi ích của Mỹ”, Alina Polyakova, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu ở Washington, nói.
Theo Zing