Các lực lượng thân Chính phủ Yemen được Saudi Arabia ủng hộ không kích cảng Hodeidah nhằm yểm trợ cho lực lượng trên bộ giải phóng thành phố quan trọng này khỏi Houthi.
Các lực lượng ủng hộ Chính phủ Yemen tiến vào khu vực al-Durayhimi, cách sân bay quốc tế Hodeidah 9km về phía nam, ngày 13.6 vừa qua
Ngày 17.6, các lực lượng thân Chính phủ Yemen được Saudi Arabia ủng hộ đã không kích cảng Hodeidah nhằm yểm trợ cho các lực lượng trên bộ giải phóng thành phố cảng quan trọng này khỏi sự chiếm đóng của lực lượng nổi dậy Houthi từ năm 2014.
Vụ tấn công diễn ra trong bối cảnh đặc phái viên cấp cao của Liên hợp quốc đang tiến hành các cuộc đàm phán ở thủ đô Sanaa nhằm tìm cách chấm dứt xung đột.
Theo hãng thông tấn chính thức của lực lượng Houthi (SABA), máy bay chiến đấu của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành 5 vụ không khích vào thành phố Hodeidah.
Đài truyền hình Al Arabiya của Saudi Arabia cũng đưa tin về vụ tấn công sân bay Hodeidah, phía Nam thành phố.
Nguồn tin của quân đội Yemen, cho biết bộ binh từ nhiều nước, trong đó có Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Sudan, đã cùng phối hợp với các lực lượng của Yemen bao vây sân bay từ ngày 16/6.
Từ ngày 13/6 vừa qua, Saudi Arabia và các đồng minh trong liên minh quân sự khu vực đã phát động một cuộc tấn công nhằm giải phóng thành phố Hodeidah bên bờ Biển Đỏ, nơi có cảng biển quan trọng nhất của Yemen, với hơn 70% lượng hàng hóa nhập khẩu nước này được vận chuyển qua đây. Đây cũng là cảng duy nhất tại Biển Đỏ hiện vẫn bị Houthi chiếm đóng.
Riyadh cáo buộc Houthi sử dụng cảng biển này để vận chuyển vũ khí lậu, trong đó có các tên lửa đã tấn công Saudi Arabia.
Nếu giành lại được Hodeidah, đây sẽ là chiến thắng lớn nhất của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu kể từ khi tham chiến tại Yemen năm 2015. Dự kiến, giao tranh tại Hodeidah sẽ có thể kéo dài.
Liên hợp quốc cảnh báo tấn công tại Hodeidah có thể đẩy hàng triệu người Yemen sinh sống tại đây rơi vào nạn đói, và chỉ làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia đang chìm trong chiến tranh và nạn đói này.
Liên hợp quốc đã cử đặc phái viên cấp cao Martin Griffiths đến Sanaa ngày 16/6 để tiến hành vòng đàm phán thứ hai với lực lượng nổi dậy, kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng Hai vừa qua.
Trước đó, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đàm phán giữa Chính phủ của Tổng thống Mansur Hadi với Houthi, song đều thất bại và chưa tìm ra giải pháp nào cho cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 10.000 người và làm hơn 22 triệu người rơi vào cảnh cần viện trợ.
Tới Sanaa lần này, ông Griffiths hy vọng gây sức ép để Houthi đồng ý để một ủy ban của Liên hợp quốc quản lý cảng Hodeidah, cho phép việc vận chuyển hàng hóa thương mại và đồ cứu trợ qua đây.
Ông kêu gọi kiềm chế và cho biết đã tiếp xúc với các bên liên quan nhằm tìm cách ngừng giao tranh.
Trước đó, ngày 14.6 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đề nghị cảng Hodeidah nên được mở cửa cho các tàu chở hàng hóa quan trọng.
Theo TTXVN