Cẩn trọng trong phát triển cụm công nghiệp

23/03/2023 08:36

Việc phát triển “nóng” với quá nhiều cụm công nghiệp sẽ làm giảm chất lượng thu hút đầu tư và có thể gây nên những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường.

Hải Dương hiện có 58 cụm công nghiệp (CCN) đã được quyết định thành lập với tổng diện tích trên 2.942 ha. Thực tế cho thấy việc phát triển các CCN vốn phù hợp với điều kiện trước đây để đáp ứng nhu cầu thu hút các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp chế biến, sản xuất, tiểu thủ công nghiệp của địa phương, các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường chưa cao thì nay đã không còn phù hợp. Với đặc thù diện tích nhỏ, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, còn nhiều bất cập trong cơ chế hoạt động khiến các CCN rất khó thu hút các doanh nghiệp FDI, quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao. Các doanh nghiệp đầu tư tại các CCN hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ sản xuất chưa tiên tiến, thậm chí còn lạc hậu. Các doanh nghiệp này tuy giải quyết được vấn đề việc làm cho lao động địa phương nhưng không đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực. 

TP Chí Linh đã đề xuất thành lập Ban Quản lý CCN nhằm quản lý, duy trì hoạt động và thu hút đầu tư vào các CCN trên địa bàn tốt hơn. Hiện TP Chí Linh có 4 CCN đang hoạt động với tổng diện tích quy hoạch phê duyệt 102,1 ha. Báo cáo của TP Chí Linh cũng chỉ rõ những bất cập của các CCN là đều không có chủ đầu tư nên nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư như chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định, hệ thống lưới điện. Việc tổ chức, thống kê, theo dõi kiểm tra, đánh giá tình hình quy hoạch, đầu tư hạ tầng và hoạt động của các CCN còn nhiều bất cập… Trong tổng số 58 CCN trong tỉnh hiện cũng có 28 CCN không có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cũng phải đối diện với những bất cập, hạn chế như các CCN ở Chí Linh.

Xe ra vào bến bãi của Công ty TNHH Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam ở xã Kim Liên (Kim Thành) làm phát sinh bụi và tiếng ồn khiến người dân bức xúc. Ảnh tư liệu

Một vấn đề nhức nhối khác của các CCN là gây ô nhiễm môi trường. Trong tỉnh hiện chỉ có CCN Lương Điền (Cẩm Giàng) có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ở Hải Dương, các vụ việc vi phạm lớn về môi trường của các doanh nghiệp hiện nay đều ở ngoài khu công nghiệp và chủ yếu ở các CCN. CCN Tân Hồng (Bình Giang) có gần 20 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau từng là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Trong năm 2021, khi cơ quan chức năng kiểm tra 20 cơ sở đang hoạt động sản xuất trong CCN Ba Hàng thì phát hiện 16 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường. Trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra tại CCN Tây Ngô Quyền (cùng TP Hải Dương) cũng phát hiện 7 cơ sở hoạt động không có thủ tục môi trường theo quy định, 21 cơ sở không báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo quy định. Mới đây, ngày 11.3, Công ty TNHH Thương mại Bình Nguyên ở CCN Đoàn Tùng (Thanh Miện) cũng bị xử phạt 325 triệu đồng về hành vi xả thải trái phép ra môi trường…

Được biết một số địa phương vẫn tiếp tục phát triển CCN với số lượng không ít. Điển hình như Ninh Giang hiện chưa có khu công nghiệp, có 2 CCN đang hoạt động là Nghĩa An và Hồng Phúc - Hưng Long. Trong khi 2 CCN này mới lấp đầy 60% thì Ninh Giang đã được chấp thuận tới 10 CCN, hiện chuẩn bị xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư. Số lượng nhiều và các CCN tập trung dày đặc, liền kề tại khu vực các xã phía tây nam huyện. 

Hải Dương đã và đang lựa chọn “tăng trưởng xanh” cùng với “chuyển đổi số” là 2 chiến lược phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, việc quy hoạch, quyết định thành lập và tổ chức hoạt động của các CCN cần thực sự thận trọng, có tính tổng thể, theo hướng nâng cao các tiêu chí, tiêu chuẩn để cải thiện chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư, tránh những hệ lụy nghiêm trọng kéo dài. Đồng thời cần tính toán giảm, không triển khai một số CCN vì chiến lược phát triển lâu dài.

HOÀNG LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn trọng trong phát triển cụm công nghiệp