Dù dịch tả lợn châu Phi đã hết nhưng Hải Dương chủ trương chỉ tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.
Công tác tiêu trùng, khử độc luôn được chú trọng
Chủ động phòng chống
Ông Vũ Văn Hoạt, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương cho biết: Ngay từ khi có thông tin về nguy cơ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) có khả năng lây nhiễm vào nước ta, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh và địa bàn tỉnh.
Tăng cường kiểm soát buôn bán, giết mổ lợn, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn; thực hiện việc lấy mẫu giám sát dịch bệnh đối với các đàn lợn ốm, chết, để có biện pháp xử lý kịp thời; thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh và thành lập các chốt kiểm dịch động vật liên ngành cấp tỉnh tại các đầu mối giao thông ra vào địa bàn tỉnh.
Chi cục cũng đã tổ chức diễn tập ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Ngay sau khi nhận được thông tin xuất hiện DTLCP, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng, chống, thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, thực hiện ngay việc phun khử trùng tiêu độc tại các địa phương thuộc vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm theo quy định của Bộ NN-PTNT.
Đặc biệt, tại khu vực xảy ra dịch phải kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn chưa được kiểm dịch. Cùng đó, tỉnh đã tiến hành đồng loạt nhiều giải pháp để phòng, chống và hạn chế tối đa thiệt hại từ dịch gây ra.
Công tác tuyên truyền cũng được thực hiện hiệu quả, người chăn nuôi nhanh chóng nhận thấy được tính chất nguy hiểm của dịch bệnh và đã tiến hành triển khai nhiều biện pháp theo như hướng dẫn: tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi thường xuyên và liên tục hơn; hạn chế tối đa phương tiện vận chuyển, người lạ ra vào chuồng, trại; vệ sinh cơ thể, khử trùng quần áo trước khi vào cho ăn và chăm sóc lợn,…
Cẩn trọng
Cũng theo ông Vũ Văn Hoạt, ngay khi dịch chấm dứt thì tỉnh đã có chủ trương được phép cho tái đàn ở những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học như: chuồng trại khép kín, xa nơi ở, cách ly với người và các phương tiện ra, vào trang trại; thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; lợn giống khi nhập về phải có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch của cơ quan thú y, lấy mẫu âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi và phải nuôi cách ly một thời gian để theo dõi rồi mới cho nhập đàn; tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin bắt buộc theo quy định...
Cùng đó, việc tái đàn phải theo lộ trình từng bước, tránh tái đàn ồ ạt. Nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu 100% mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng tăng dần.
Ông Nguyễn Đắc Viêm, Giám đốc Công ty CP Giống và Thiết bị chăn nuôi Hưng Huy (xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng) cho hay: Tổng đàn của công ty hiện nay là 3.500 con gồm 500 lợn lái. Công ty vừa sản xuất giống bố mẹ và xuất bán cả lợn con nuôi thịt. Mỗi tháng xuất bán 1 lần khoảng 600 - 700 con. Trong đợt dịch vừa qua, trại lợn giống của công ty thì không hề bị ảnh hưởng
Chỉ được phép tái đàn tại những cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học
"Sau khi biết được thông tin tình hình dịch bệnh đã chấm dứt và có chủ trương cho tái đàn, chúng tôi đã bắt đầu tiến hành tái đàn với lượng nhỏ. Qua một thời gian tái đàn thăm dò thấy tình hình lứa lợn mới đều ổn định, công ty đã quyết định cho các hộ quay trở lại tái đàn và tăng đàn lại bình thường", ông Viêm nói.
Cùng đó, công ty tăng cường tiến hành giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc công nhân ra vào trại giống. Xây dựng khu nhà riêng cho công nhân ở trại để đảm bảo không bị mang mầm bệnh từ nơi khác vào. Khi công nhân từ khu nhà ở vào trại giống sẽ phải đi qua phòng sát trùng và sau 2 ngày mới được đi vào trại chăm sóc. Mỗi công nhân chỉ được chăm sóc 1 ô chuồng riêng biệt. Xây những lối riêng để lùa lợn xuất bán. Lợn sau khi đi qua lối này sẽ được công nhân khác ở ngoài vẩn chuyển lên xe để tránh mang mầm bệnh ngược vào trại.
Ngoài ra, công ty cũng đang tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng trong trại và xung quanh trại thường xuyên, tiến hành diệt chuột và các côn trùng có khả năng mang mầm bệnh. Các xe trở cám và vận chuyển lợn đều được phun khử trùng kỹ lưỡng.
Ông Viêm cho biết thêm: Cứ với đà này trong thời gian tới, công ty sẽ tiến hành tăng cường tái đàn. Hiện tổng đàn của công ty đã nhiều hơn thời điểm có dịch là 1.000 con. Tuy nhiên vẫn phải thật thận trọng vì dịch bệnh tồn tại trong môi trường rất lâu và nguy cơ đến từ bên ngoài. Do vậy, công ty sẽ càng phải chặt chẽ hơn trong khâu phòng bệnh từ xa và tăng cường tiêu độc, khử trùng.
"Công tác tái đàn lợn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Ngoài việc áp dụng các quy định hướng dẫn của trung ương, tỉnh đã ban hành một số văn bản hướng dẫn tái đàn đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm đảm bảo việc tái đàn an toàn, đúng quy định. |
Theo Nông nghiệp Việt Nam