Việc xây dựng khu đô thị, dịch vụ trong khu công nghiệp sẽ đáp ứng nhu cầu của người lao động, hướng đến phát triển công nghiệp theo hướng bền vững.
Việc thí điểm xây dựng khu đô thị - dịch vụ trong khu công nghiệp Đại An mở rộng là cần thiết để phát triển công nghiệp bền vững
Hải Dương đã và đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng bền vững. Để hướng tới mục tiêu này, việc xây dựng mô hình khu đô thị, dịch vụ trong khu công nghiệp (KCN) rất cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của người lao động. Từ đó giúp người lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao yên tâm gắn bó với Hải Dương.
Công nghiệp phát triển
Hải Dương đang phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Vì vậy, những năm tới công nghiệp của tỉnh sẽ phát triển nhanh chóng và theo hướng bền vững. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, Hải Dương có 18 KCN và 3 KCN mở rộng. Tổng diện tích đất KCN của tỉnh đến năm 2020 là hơn 4.500 ha. Dự kiến đến năm 2050, tổng diện tích các KCN trên địa bàn tỉnh hơn 10.000 ha. Hiện nay, Hải Dương có 11 KCN đã triển khai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.
Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh, tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN đạt gần 83% đất công nghiệp đã được bàn giao. Các KCN đang hoạt động đã thu hút được gần 300 dự án đầu tư thứ cấp, mỗi năm nộp ngân sách nhà nước trên 1.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp trong các KCN đang tạo việc làm cho gần 110.000 lao động, trong đó có hơn 30% là lao động ngoại tỉnh. So với nhiều tỉnh, thành phố khác ở phía Bắc, tình hình thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn Hải Duơng tương đối tốt. Các dự án đầu tư vào KCN của tỉnh có mức vốn khá cao, bình quân đạt 21 triệu USD/dự án FDI và 155,6 tỷ đồng/dự án đầu tư trong nước.
Công nghiệp của tỉnh đang phát triển nhanh và tiềm năng còn nhiều. Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp, lực lượng chuyên gia, lao động từ các tỉnh, thành phố khác tới làm việc tại KCN trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng tăng. Để ngành công nghiệp phát triển bền vững, cần có các dịch vụ đi kèm với sự phát triển của ngành này. Thực tế này đòi hỏi hạ tầng dịch vụ đi theo, đáp ứng được nhu cầu ăn ở, sinh hoạt, vui chơi, giải trí của chuyên gia, người lao động. Có như vậy, các doanh nghiệp công nghệ cao, hiện đại mới an cư lạc nghiệp tại Hải Dương; các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao mới gắn bó, yên tâm cống hiến cho tỉnh. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh chưa có KCN nào có khả năng đáp ứng được điều này.
Xây dựng đô thị, dịch vụ trong khu công nghiệp
Vừa qua, Công ty CP Đại An đã đề nghị được xây dựng thí điểm khu đô thị - dịch vụ trong KCN Đại An mở rộng với diện tích hơn 100 ha. Theo doanh nghiệp này, việc xây dựng một khu đô thị - dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp là giải pháp căn cơ, lâu dài để phát triển KCN bền vững. Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn ở của người lao động và người thân, mô hình này sẽ góp phần bảo vệ người lao động và các doanh nghiệp trước ảnh hưởng tiêu cực của các đại dịch. Khu đô thị, dịch vụ trong KCN sẽ bảo đảm đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại chỗ phục vụ người lao động, bảo đảm an toàn cho lực lượng lao động, đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" trong sản xuất của doanh nghiệp.
KCN Đại An mở rộng có diện tích quy hoạch hơn 400 ha chia làm 2 giai đoạn. Đến nay, các nhà đầu tư thứ cấp đã thuê hơn 104 ha đất để đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp. Khi KCN Đại An mở rộng được lấp đầy sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 60.000 lao động công nghiệp và khoảng 40.000 người làm dịch vụ.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư khu đô thị - dịch vụ trong KCN là rất cần thiết nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở và các tiện ích xã hội khác để người lao động làm việc. Mô hình này sẽ bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường trong KCN, nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Đại An mở rộng được duyệt không bố trí quy hoạch khu đô thị - dịch vụ phục vụ cho KCN. Trước đề xuất của Công ty CP Đại An, UBND tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo các bộ, ngành liên quan và khi có sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ thì tỉnh mới có cơ sở để triển khai thực hiện.
Về lâu dài, để phát triển công nghiệp một cách bền vững, trước khi xây dựng, đề xuất thành lập các KCN, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan cần nghiên cứu, xem xét bố trí quy hoạch một phần đất dân cư, đô thị, dịch vụ nằm trong hoặc cạnh khu, cụm công nghiệp để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động khi cần thiết.
PHAN ANH