Việc nhiều trường phổ thông ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... chèn môn tự nguyện vào thời khóa biểu chính khóa làm dấy lên làn sóng phản ứng dữ dội của phụ huynh.
Họ phản ứng vì bản chất của các môn tự nguyện (hay còn gọi là môn học liên kết, môn học theo chương trình nhà trường...) chính là dạy thêm trong nhà trường.
Theo thông lệ của dạy thêm - học thêm: học sinh được chọn lựa giáo viên, chọn lựa môn học... phù hợp với nhu cầu bản thân.
Hơn thế nữa, nếu học sinh học thêm mà không đạt kết quả như ý thì phụ huynh sẽ chuyển con mình sang học thêm nơi khác. Nhưng với cách chèn môn tự nguyện vào giờ học chính khóa như nhiều trường đã và đang làm thì phụ huynh không có quyền chọn lựa nào. Họ bắt buộc phải móc hầu bao ra để đóng phí cho con em mình học mặc dù có thể thấy không cần thiết.
Hiện nay, việc chọn môn học nào, chọn đơn vị liên kết ở đâu, mức học phí cao hay thấp... đều do nhà trường ấn định.
Thế là các môn học (như STEM, kỹ năng sống, tiếng Anh giao tiếp với giáo viên bản ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế, học tiếng Anh thông qua toán và khoa học, câu lạc bộ (CLB) sử - địa, CLB đọc sách, CLB cờ vua...) nghiễm nhiên có trong thời khóa biểu chính khóa của nhiều lớp.
Đó là chưa kể đến chất lượng dạy các môn tự nguyện. Đa số những tiết dạy này là do giáo viên của đơn vị liên kết đứng lớp chứ không phải giáo viên của trường phổ thông.
Hầu hết những môn tự nguyện cũng không có sự kiểm tra, đánh giá như các môn học chính khóa khác. Điều này có thể lý giải cho tình trạng dạy và học theo kiểu "được chăng hay chớ" đang diễn ra ở nhiều trường, nhiều nơi.
Toàn bộ các khâu, từ việc chọn đơn vị liên kết có uy tín hay không, việc quản lý giáo viên, quản lý giờ dạy môn tự nguyện có chặt chẽ không... hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm của ban giám hiệu nhà trường.
Có lẽ vì thế mà nhiều học sinh phản ảnh: giờ học môn tự nguyện toàn ngồi chơi hoặc "tám" chuyện với bạn, có bữa thì thầy cho xem phim đến hết tiết (?!).
Thời điểm này, trước sự bức xúc của dư luận, một số sở giáo dục và đào tạo đã yêu cầu các trường phải lấy ý kiến phụ huynh rồi mới thực hiện dạy môn tự nguyện.
Nhưng nhiều phụ huynh lại tiếp tục phản ứng khi họ cho rằng việc lấy ý kiến này chỉ làm cho có. Lớp có 40 học sinh mà 30 học sinh đồng ý, còn 10 học sinh không đồng ý học môn tự nguyện thì sẽ đi đâu, làm gì? Liệu các em có bị kỳ thị, phân biệt đối xử hay không? Hay cuối cùng phụ huynh vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", để con mình học môn tự nguyện cho yên chuyện?
Cái gốc của vấn đề chính là việc chèn môn tự nguyện vào giờ học chính khóa, tại sao các trường vẫn được làm? Tại sao không xếp môn tự nguyện riêng rẽ ở 1-2 buổi học nhất định, phụ huynh nào có nhu cầu thì đăng ký, ai không có nhu cầu thì đón con về?
Đừng để môn tự nguyện trở thành môn dạy thêm bắt buộc trong nhà trường. Nó làm cho niềm tin vào ngành giáo dục thêm bị xói mòn mà thôi.
Theo Tuổi trẻ