Tin tức

Cân nhắc để vừa đạt mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương

PV - Cổng thông tin điện tử Quốc hội 17/11/2023 18:24

Sáng 17/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

171120231047-z4888585829367_6180c9e31d6c46781837dae81f79952d.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương có đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Nguyễn Đức Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện một số sở, ngành.

f6d9cafb-911e-4231-bd45-9831c6342e56.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hải Dương

Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là hội nghị lần thứ 3 trong nhiệm kỳ về triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Cách thức tổ chức hội nghị này cho thấy hiệu quả cao, từ đó thống nhất được nhận thức và hành động để kết quả giám sát ngày càng tốt hơn.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội điểm lại một số nội dung chính. Trong năm 2023, Quốc hội đã quan tâm tiếp tục xây dựng những khuôn khổ hoàn thiện thể chế để tiếp tục tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả của công tác giám sát.

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 96/2023/NQ15 để cụ thể hóa Quy định số 96 của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn; đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có văn bản là hướng dẫn Nghị quyết chung cho cả lấy phiếu tín nhiệm kể cả đại biểu Quốc hội và HĐND.

171120231002-z4888564442123_9e431673ac8b297e77e73ecda3e187e8.jpg
Các đại biểu dự hội nghị tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Hiệu lực, hiệu quả các hình thức, phương thức giám sát của Quốc hội được tăng cường. Trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cố gắng rất lớn, cương quyết làm và có kết quả. Các đại biểu chất vấn và tranh luận sôi động và thực chất. Việc lựa chọn chủ đề chất vấn, cũng như việc mà tìm tòi để đổi mới công tác chất vấn ngày càng được quan tâm và có những hiệu quả cụ thể. Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục là một điểm sáng trong tổ chức giám sát của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong quá trình tổ chức thực hiện đều đã tạo ra chuyển biến rất lớn, cùng với Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai giám sát chuyên đề.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND cũng đang được làm quyết liệt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tích cực chỉ đạo để có thể sớm ban hành trong năm nay là Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang phối hợp với Chính phủ và MTTQ Việt Nam để sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề tiếp xúc cử tri cho cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND...

Ba là hoạt động tái giám sát được quan tâm nhiều hơn, theo đến cùng các vấn đề. Ngoài việc yêu cầu tổ chức cá nhân thực hiện nghiêm nghị quyết giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc còn gửi báo cáo giám sát đến cơ quan chức năng. Đồng thời Đảng đoàn Quốc hội đã chắt lọc những nội dung, nhất là những vấn đề kiến nghị về vấn đề giám sát để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan trong khối nội chính.

Bốn là, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm để thu hút được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ đại biểu Quốc hội mà còn của đông đảo cử tri và nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, công tác giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND tiếp tục được quan tâm thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều đại biểu cho rằng đã có một làn sóng tươi mới và một khí thế cũng như kết quả mới trong hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, HĐND các cấp, trong đó nổi lên là hoạt động giám sát khá đồng đều.

Công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội đã được đa dạng hóa, có sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động giám sát thường xuyên qua việc báo cáo, xem xét các báo cáo với giám sát, khảo sát chuyên đề và hoạt động giải trình.

Tiếp tục tăng cường giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong phạm vi quyền hạn của mình cũng đã triển khai đầy đủ hoạt động giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế trong công tác giám sát như xác định trách nhiệm trong giám sát, còn tình trạng nể nang, né tránh; hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội chưa có nhiều đổi mới và chưa có những kết quả nổi bật; công tác phối hợp cơ bản tốt nhưng vẫn còn những lúc vướng mắc khó khăn; giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và nhất là của đại biểu Quốc hội chưa có nhiều.

Nhấn mạnh bối cảnh của năm 2024 là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, do đó công tác phối hợp phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở.

PV - Cổng thông tin điện tử Quốc hội
(0) Bình luận
Cân nhắc để vừa đạt mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương