Giáo dục và đào tạo

Cân nhắc bỏ xét tuyển sớm để bảo đảm công bằng

TB (tổng hợp) 07/12/2024 20:16

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết bộ đang cân nhắc bỏ xét tuyển sớm.

hoang-minh-son.jpg
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 7/12, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã làm rõ những vấn đề liên quan đến dự định giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

"Việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh phải dựa trên nguyên tắc công bằng, chất lượng, nâng cao hiệu quả, tạo thuận lợi cho thí sinh và các trường", Thứ trưởng Sơn nói.

Theo Thứ trưởng Sơn, xét tuyển sớm "như tạo nên một cuộc chạy đua". Một trường tổ chức xét tuyển sớm khiến nhiều trường không đứng yên được và cũng làm theo.

"Nhưng nếu tất cả cùng tham gia cuộc chạy đua này thì đều vất vả. Cơ sở đào tạo phải chuẩn bị hồ sơ từ sớm. Học sinh đang học cũng phải chạy đôn chạy đáo làm hồ sơ. Thầy cô giáo phải xác nhận sớm cho học sinh. Nhưng hiệu quả mang lại thì không cao", thứ trưởng phân tích.

Theo thống kê của bộ, cứ 8 nguyện vọng xét tuyển sớm mới có một nguyện vọng nhập học. Cứ hai thí sinh trúng tuyển xét tuyển sớm thì chỉ có một em nhập học.

Xét tuyển sớm do các trường tự tổ chức, nên khi bộ xét tuyển chung thì sẽ tạo ra tỷ lệ ảo. Điều này khiến các trường xác định chỉ tiêu và điểm chuẩn không chắc chắn.

"Xét tuyển sớm dựa trên kết quả học tập khi các em chưa hoàn thành chương trình THPT nên cũng tạo ra sự không công bằng", ông Sơn nói. Ngoài ra, nhiều trường THPT phản ánh có tình trạng học sinh đã trúng xét tuyển sớm rồi đến lớp chỉ để chơi. Hệ quả là tác động đến chất lượng giáo dục phổ thông.

Giải thích về việc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, Thứ trưởng Sơn cho biết để các trường tuyển được những học sinh có năng lực vượt trội. Những em còn lại vào đợt xét tuyển tập trung để bảo đảm công bằng, chất lượng, thuận lợi.

"Tôi đã lắng nghe nhiều chuyên gia đồng thuận, thậm chí nhiều người còn đề xuất bỏ xét tuyển sớm, nên chúng tôi sẽ cân nhắc để lại tỷ lệ 20% hoặc bỏ", ông Sơn cho hay.

TB (tổng hợp)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cân nhắc bỏ xét tuyển sớm để bảo đảm công bằng