Giáo dục và đào tạo

“Cân não” lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10

THẾ ANH 25/07/2024 06:00

Dù đã bước sang năm thứ 3 triển khai lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhưng nhiều học sinh vẫn bỡ ngỡ, phân vân.

eba25d10-67c6-4f98-a75b-aad5b21dddc1-1-.jpeg
Nhiều phụ huynh, học sinh đắn đo khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10

Sai một ly, đi một dặm”

Qua khảo sát của phóng viên, nhiều học sinh vừa trúng tuyển vào lớp 10 năm học 2024-2025 ở Hải Dương loay hoay chọn môn học phù hợp. Điều này xuất phát từ lý do các em có thể không biết rõ mình có thế mạnh ở môn học nào và chưa định hướng được nghề nghiệp sau này. Có em lựa chọn theo cảm tính, bạn bè hoặc mong muốn của gia đình.

Mới “vượt vũ môn” thành công vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) thì nay em Nguyễn Thảo Ngân lại bước vào cuộc “cân não” khi phải chọn tổ hợp môn học sẽ theo suốt trong 3 năm học cấp III.

Ngân cho biết sau khi nhận phiếu đăng ký nguyện vọng lựa chọn môn học và các chuyên đề học tập từ nhà trường, em rất phân vân. Để lựa chọn đúng không hề dễ dàng, Ngân và bố mẹ đã bàn bạc nhiều ngày trước khi quyết định đặt bút lựa chọn.

“Lúc đầu em định theo nhóm bạn thân chọn tổ hợp môn để theo khối C (ngữ văn, lịch sử, địa lý) nhưng em học môn địa lý, lịch sử hơi đuối, còn môn toán và tiếng Anh tốt hơn. Sau khi nghe tư vấn từ thầy cô, nhà trường và gia đình, em lại phân vân lựa chọn tổ hợp hóa học, vật lý, giáo dục kinh tế pháp luật, tin học để sau này có thể theo khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh) hoặc có thể khối D (toán, ngữ văn, tiếng Anh). Nhưng với môn hóa học và vật lý, em không thích lắm”, Ngân nói.

Thực tế 2 năm học trước, không ít em lựa chọn “bừa” tổ hợp môn học dẫn đến phải thay đổi, gây khó khăn cho nhà trường cũng như áp lực cho chính học sinh. Điều này cũng khiến nhiều phụ huynh băn khoăn.

Dù nhà trường đưa sẵn các tổ hợp môn học cho học sinh chọn nhưng em Trần Lan Anh vừa trúng tuyển vào Trường THPT Nam Sách nhiều ngày nay vẫn phân vân chưa biết chọn tổ hợp môn nào để theo khối tự nhiên hay xã hội. Bởi sau 1 năm học nếu thay đổi từ khối tự nhiên sang xã hội có thể theo được nhưng từ khối xã hội sang khối tự nhiên thì không dễ.

Chị Phạm Thị Vân, mẹ của Lan Anh cho biết nếu con chọn không kỹ sẽ “sai một ly, đi một dặm”. Bản thân con chưa biết yêu thích và đam mê môn gì vì 4 năm học THCS con chỉ tập trung cho các môn thi vào lớp 10. Ở độ tuổi 15, con còn khá non để nhận thức về nghề nghiệp trong tương lai. Khi lựa chọn tổ hợp môn, con nói thích khối tự nhiên và xin ý kiến bố mẹ cùng chọn. Tuy nhiên, môn hóa học và sinh học con học không tốt.

“Sau khi tham khảo tư vấn từ nhà trường và một người cháu là giáo viên thấy càng lo hơn nếu chọn sai, con phải học trọn vẹn hết năm học mới được thay đổi và khi thay đổi sẽ phải tự bổ trợ kiến thức để vượt qua bài kiểm tra của nhà trường. Vì vậy, gia đình đã tạm quyết định cho con chọn tổ hợp để theo học khối tự nhiên. Môn lịch sử và địa lý con học cũng tạm ổn. Nếu có thay đổi sang khối xã hội sẽ dễ theo học chương trình hơn”, chị Vân nói.

63606668-9084-44ca-bf1a-4c6f783effe9(1).jpeg
Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) cử những giáo viên am hiểu sâu về chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 để tư vấn cho học sinh

Nhà trường tích cực tư vấn, hỗ trợ

Bước sang năm thứ 3 tổ chức cho học sinh lớp 10 lựa chọn tổ hợp môn học nên năm nay các trường đã rút kinh nghiệm và chủ động triển khai sớm hơn, để là 1 kênh tham khảo uy tín nhất cho học sinh.

Trước khi tuyển sinh, căn cứ vào đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như những môn thế mạnh của nhà trường, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (TP Hải Dương) đã sớm xây dựng kế hoạch, đưa ra 6 tổ hợp môn học với 2 nguyện vọng cho học sinh, phụ huynh lựa chọn.

Thầy Nguyễn Văn Đức, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ cho biết trường đã sớm đăng tải các tổ hợp môn học lên Fanpage và cổng thông tin điện tử của trường để học sinh có thời gian tham khảo và nghiên cứu trước. Ngày xác nhận nhập học, trường bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, nhất là những giáo viên am hiểu chương trình giáo dục phổ thông 2018 để tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc cho học sinh và phụ huynh.

“Khi vào học chính thức, nhà trường dành tiếp một thời gian nhất định cho học sinh cân nhắc chọn tổ hợp lần nữa”, thầy Đức nói.

Còn Trường THPT Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng) cũng đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ học sinh chọn tổ hợp môn học phù hợp với nhu cầu, sở trường, định hướng nghề nghiệp sau này. Sau 2 buổi tư vấn, đến nay cơ bản nhà trường đã sắp xếp xong các lớp.

834b04de-4885-4322-9005-4903f3e69785(1).jpeg
Trường THPT Tuệ Tĩnh (Cẩm Giàng) tư vấn, hỗ trợ học sinh lựa chọn tổ hợp môn học

Thầy giáo Phương Kim Cánh, Hiệu trưởng Trường THPT Tuệ Tĩnh cho biết trường tạo điều kiện để học sinh và phụ huynh có thời gian lựa chọn. Ngay cả khi bước vào năm học mới khoảng 1-2 tuần nếu học sinh có nhu cầu thay đổi cũng sẽ được xem xét giải quyết kịp thời…

Học sinh có thể đổi tổ hợp khi đã chọn

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, học sinh từ lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc, gồm: ngữ văn; toán; ngoại ngữ 1; giáo dục thể chất; giáo dục quốc phòng và an ninh; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; giáo dục địa phương; lịch sử. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học, gồm: địa lý; giáo dục kinh tế và pháp luật; vật lý; hóa học; sinh học; công nghệ; tin học; âm nhạc; mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các cụm chuyên đề học tập tương ứng để bổ trợ cho các tổ hợp môn học lựa chọn.

Trong trường hợp học sinh có nguyện vọng muốn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo. Như vậy, nếu chọn sai, học sinh vẫn được chọn lại tổ hợp môn. Nhà trường sẽ bố trí thời gian hè để học sinh học bổ sung những môn chưa được học ở lớp 10 và kiểm tra, đánh giá.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã có hướng dẫn cụ thể chi tiết tới các trường. Căn cứ điều kiện thực tế, các trường đã xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho học sinh lớp 10, đồng thời tư vấn, định hướng để học sinh chọn.

Phụ huynh và học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng để chọn môn học phục vụ cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cũng như việc xét tuyển đại học nhằm theo đuổi đam mê và phù hợp với năng lực bản thân.

Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương

Nên cho học sinh thay đổi lựa chọn môn học từ cuối học kỳ I

Sau 1 năm học, không ít học sinh cảm thấy việc lựa chọn môn học không phù hợp và muốn thay đổi. Nhưng các em chỉ được phép đổi tổ hợp môn vào cuối năm học nên gặp những khó khăn nhất định.

Nếu thay đổi môn học, học sinh sẽ phải học liên tục trong kỳ nghỉ hè và sau đó là làm bài kiểm tra đánh giá nên rất áp lực. Học sinh làm bài kiểm tra môn học không đạt thì phải tiếp tục học môn cũ, sẽ rất mệt mỏi, tâm lý căng thẳng. Còn những em được chuyển đổi tổ hợp môn, khả năng rất ít em có thể học khá, giỏi môn học mới do việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế so với các bạn đã có định hướng đúng đắn từ đầu.

Đặc biệt, các trường không thể đáp ứng hết các nguyện vọng lựa chọn tổ hợp môn của các em. Vì vậy, nếu nhiều em thay đổi sẽ gây khó khăn cho nhà trường do liên quan đến đội ngũ, cơ cấu giáo viên và sĩ số học sinh của mỗi lớp theo quy định. Ngoài ra, nếu hết năm học mới chuyển đổi sẽ ảnh hưởng đến quy định xét tuyển đại học bằng phương thức xét học bạ THPT của khối xét tuyển trong 3 năm học THPT.

Vì vậy, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sớm sửa đổi Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT theo hướng cho phép học sinh chuyển đổi môn/tổ hợp môn vào giữa học kỳ thay vì cuối năm học để các em có thời gian học tập, kiểm tra.

Nguyễn Thị Hiếu, giáo viên Trường THPT Nam Sách

Lựa chọn theo năng lực bản thân để định hướng đúng nghề nghiệp

Việc xác định môn học phù hợp sẽ giúp các em tập trung vào thế mạnh và mục tiêu, tiết kiệm thời gian, công sức để phát hiện và theo đuổi nghề nghiệp tương lai. Nếu các em chọn sai sẽ rất áp lực và vất vả.

Kinh nghiệm cho thấy khi lựa chọn tổ hợp môn học, các em cần căn cứ nhiều yếu tố gồm năng lực, sở thích, dự định nghề nghiệp tương lai. Quan trọng nhất là các bạn cần biết được năng lực của mình thế nào, có thế mạnh về khoa học tự nhiên hay xã hội. Các bạn không nên chọn môn theo cảm tính, hoặc chọn “bừa” khi chưa thực sự yêu thích mà cần tham khảo ý kiến của thầy cô, cha mẹ để đưa ra những quyết định đúng đắn.

Các em đừng sợ các môn mà mình cảm thấy khó để rồi bỏ qua và chỉ chọn những môn dễ học. Môn học khó hay dễ cũng phụ thuộc nhiều vào phương pháp học tập và sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Hơn nữa, sau này các em có thể xét tuyển vào đại học theo nhiều phương thức nên việc lựa chọn môn học cũng cần sự mạnh dạn, quyết đoán để có hướng phấn đấu trong quá trình học THPT.

Nguyễn Văn Duyệt, học sinh lớp 12 Trường THPT Phúc Thành (Kinh Môn)

THẾ ANH
(0) Bình luận
“Cân não” lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10