Cần lắm kỹ năng sinh tồn

15/07/2018 07:51

Để được cứu ra khỏi hang trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, khó khăn, mỗi chú "Lợn hoang" hẳn đã có thêm cho mình nhiều kinh nghiệm mới, kỹ năng mới.

Gần chục ngày qua kể từ khi đội cứu hộ tìm thấy 13 thành viên của đội bóng đá nhí Thái Lan "Lợn hoang", cả thế giới đã hồi hộp ngóng từng giờ trôi qua cho tới ngày 10.7 mới có thể thở phào khi thành viên cuối cùng của đội bóng được cứu ra an toàn. Suốt hành trình 17 ngày ấy, không biết đã bao lần người ta nhắc tới hai từ "kỳ diệu".

Việc tìm thấy 13 thầy trò của đội bóng còn sống và cơ bản vẫn ổn sau 9 ngày bị chôn chân trong hang động tối tăm khi số thực phẩm mang theo không đáng kể là một sự kỳ diệu. Sự kiên trì, đồng lòng giúp đỡ của một đội ngũ cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới đã góp phần tạo nên điều kỳ diệu tiếp theo. Và còn nhiều điều kỳ diệu khác nữa... đã viết nên kỳ tích từ hang Tham Luang.

Trong câu chuyện lần này, người ta nhắc nhiều đến kỹ năng sinh tồn của các thành viên đội bóng "Lợn hoang". Người huấn luyện viên trẻ tuổi đã dạy các em không được uống nước bẩn mà chỉ được uống nước chảy xuống từ các vách đá, hạn chế tối đa việc vận động để tránh tiêu hao năng lượng trong thời gian chờ đợi được cứu... Đó là những kỹ năng sống cực kỳ quý báu đã được người huấn luyện viên truyền đạt kịp thời và rất may là với tinh thần kỷ luật của một đội bóng, những thành viên nhí đã chấp hành đúng "chiến thuật" ấy. Và để được cứu ra khỏi hang trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, khó khăn, mỗi chú "Lợn hoang" hẳn đã có thêm cho mình nhiều kinh nghiệm mới, kỹ năng mới.

Sau sự kiện này, rất nhiều bậc cha mẹ ở Việt Nam đã được cảnh tỉnh. Bấy lâu nay hầu hết các bậc cha mẹ ở nước ta vẫn đặt nặng chuyện học hành của con cái. Cuộc sống càng phát triển, gia đình càng có điều kiện kinh tế thì người ta càng quan tâm đầu tư tới chuyện học hành của con. Nhưng rõ ràng là nhiều gia đình, nhiều thầy cô, nhà trường ở ta vẫn chỉ quan tâm về mặt lý thuyết, nặng về học thuật trong khi phần thực hành vì nhiều lý do lại thường hay bị lãng quên. Nhiều gia đình để tạo điều kiện tối đa cho con có thời gian học hành nên những đứa trẻ đã được bao bọc một cách thái quá.

Ngoài thời gian học ở trường, ở nhà, đi học thêm, trẻ gần như chẳng phải động chân động tay việc gì. Trước đây đi học về, sau khi học bài ở nhà, trẻ còn phải dành thời gian đáng kể tham gia giúp bố mẹ làm những việc vừa sức của mình. Thông qua lao động cũng chính là cách tốt nhất để hình thành những kỹ năng sống, rèn luyện kỹ năng sinh tồn của con người. Nhưng ngày nay, nhiều em đã lên bậc THPT vẫn như những chú gà tồ, gần như không biết làm việc nhà, không biết cách nấu nồi cơm phải cho bao nhiêu nước thì đủ, nhà ngần ấy người phải đong bao nhiêu gạo... Các em chỉ cần nói một tiếng đã có cha mẹ, thầy cô lo cho mọi thứ từ A đến Z. Nếu không may rơi vào tình huống tương tự như những chú "Lợn hoang" kia, liệu các em có may mắn được như thế?

Mấy năm gần đây, nhiều nhà trường đã quan tâm đưa môn kỹ năng sống vào giảng dạy. Trong năm học, nhiều khóa học trải nghiệm đã được các nhà trường tổ chức. Nhưng nhìn chung các buổi học kỹ năng sống như vậy vẫn nghiêng về lý thuyết, thời gian dành cho trải nghiệm còn quá ít. Vào dịp nghỉ hè, nhiều trung tâm dạy kỹ năng sống cũng tổ chức những khóa học bổ ích cho trẻ từ dạy thuyết trình, nấu ăn... Những khóa huấn luyện như "Học kỳ trong quân đội", khóa tu mùa hè... cũng là những trải nghiệm bổ ích. Tiếc là hiện nay những chương trình trải nghiệm như vậy còn quá ít và số lượng đối tượng tham gia còn hạn chế. Giá của nhiều khóa huấn luyện, tour trải nghiệm còn đắt đỏ nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con tham gia...

Tới đây, hệ thống hang động Tham Luang sẽ trở thành bảo tàng trưng bày về cuộc giải cứu kỳ diệu. Bài học từ hang Tham Luang sẽ còn rất nhiều, nhưng chắc chắn mỗi người chúng ta, kể cả những người trưởng thành, cần quan tâm trang bị những kỹ năng sinh tồn làm hành trang để có thể tự tin trong bất kỳ tình huống nào.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần lắm kỹ năng sinh tồn